Tiến hành giám định là gì? Tiến hành giám định Tiếng Anh là gì? Nguyên tắc của giám định tư pháp? Thủ tục tiến hành giám định tư pháp? Thời hạn giám định? Nội dung kết luận giám định?
Hoạt động giám định thông thường được thực hiện bởi cá nhân tổ chức giám định tư pháp bao gồm: Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Quy trình giám định tư pháp được diễn ra như thế nào? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Luật Dương Gia:
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015
– Luật Giám định tư pháp 2012
1. Tiến hành giám định là gì?
Trong tố tụng hình sự, giám định là việc nghiên cứu các vật chứng, chứng từ, tử thi, tình trạng sức khỏe và đặc điểm thể chất của người sống có ý nghĩa đối với vụ án, do người có hiểu biết chuyên môn tiến hành theo yêu cầu của cơ quan điều tra bằng quyết định trưng cầu giám định.
Theo quy định tại khoản 2 điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012: “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.
Như vậy, có thể hiểu: Tiến hành giám định là thủ tục giám định tư pháp được thực hiện bởi cơ quan giám định trên cơ sở quyết định trưng cầu giám định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc trên cơ sở yêu cầu của đương sự trong vụ án.
2. Tiến hành giám định Tiếng Anh là gì?
Tiến hành giám định Tiếng Anh là: “Process of expert examination”
3. Nguyên tắc của giám định tư pháp
Căn cứ theo Điều 3, Luật Giám định tư pháp 2012, hoạt động giám định tư pháp phái tuân theo các nguyên tắc sau đây:
– Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn và quy trình giám định.
– Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời.
– Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định.
4. Thủ tục tiến hành giám định tư pháp
Căn cứ pháp lý theo Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 25, 26, 27, 31, 35 Luật Giám định tư pháp 2012
Trong trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan có liên quan về nội dung trưng cầu, thời hạn giám định, thông tin, tài liệu, mẫu vật cần cho việc giám định và các vấn đề khác có liên quan (nếu có). Thủ tục giám định tư pháp được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ giám định tư pháp bao gồm:
– Quyết định trưng cầu giám định tư pháp. Quyết định trưng cầu giám định phải có các nội dung sau đây:
+ Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ, tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định;
+ Tên tổ chức; họ, tên người được trưng cầu giám định;
+ Tóm tắt nội dung sự việc;
+ Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định;
+ Tên tài liệu, đồ vật có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);
+ Nội dung chuyên môn của vấn đề cần giám định;
+ Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định tư pháp.
– Quyết định kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định
Bước 2: Gửi hồ sơ
– Người trưng cầu giám định quyết định trưng cầu giám định tư pháp bằng văn bản và gửi quyết định kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
– Hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định được giao, nhận trực tiếp hoặc gửi cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định qua đường bưu chính.
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
– Việc giao, nhận trực tiếp hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định phải được lập thành biên bản. Việc gửi hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định qua đường bưu chính phải được thực hiện theo hình thức gửi dịch vụ có số hiệu. Cá nhân, tổ chức nhận hồ sơ được gửi theo dịch vụ có số hiệu có trách nhiệm bảo quản, khi mở niêm phong phải lập biên bản
– Trường hợp đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan không thể gửi kèm theo quyết định trưng cầu giám định thì người trưng cầu giám định có trách nhiệm làm thủ tục bàn giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
– Đối với việc giao, nhận đối tượng giám định pháp y, pháp y tâm thần là con người thì người trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định quản lý đối tượng giám định trong quá trình thực hiện giám định.
Bước 4: Tiến hành giám định
– Trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định.
– Trường hợp các nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn có quan hệ mật thiết với nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức mà việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định, ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì người trưng cầu giám định phải xác định được nội dung chính cần giám định để xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp trong việc thực hiện giám định.
– Tổ chức chủ trì có trách nhiệm làm đầu mối tổ chức triển khai việc giám định chung và thực hiện giám định phần nội dung chuyên môn của mình.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp phải có văn bản cử người giám định gửi người trưng cầu giám định; đối với tổ chức phối hợp thực hiện giám định thì còn phải gửi văn bản cử người giám định cho tổ chức chủ trì việc thực hiện giám định.
Tổ chức chủ trì phải tổ chức ngay việc giám định sau khi nhận được văn bản cử người của tổ chức phối hợp thực hiện giám định. Việc giám định trong trường hợp này được thực hiện theo hình thức giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật giám định tư pháp
– Trường hợp phát sinh vướng mắc trong việc trưng cầu, phối hợp thực hiện giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ trì, phối hợp với tổ chức được trưng cầu để giải quyết.
Người thực hiện giám định tư pháp phải ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực bằng văn bản toàn bộ quá trình thực hiện vụ việc giám định. Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định tư pháp nêu rõ tình trạng đối tượng gửi giám định và thông tin, tài liệu có liên quan gửi kèm theo làm căn cứ để thực hiện giám định, thời gian, địa điểm, nội dung công việc, tiến độ, phương pháp thực hiện giám định, kết quả thực hiện và phải có chữ ký của người giám định tư pháp.
5. Thời hạn giám định
Căn cứ theo Điều 208, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thời hạn giám định được quy định như sau:
” 1. Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định:
a) Không quá 03 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206 của Bộ luật này;
b) Không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 206 của Bộ luật này;
c) Không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật này.
2. Thời hạn giám định đối với các trường hợp khác thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định.
3. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định.
4. Thời hạn giám định quy định tại Điều này cũng áp dụng đối với trường hợp giám định bổ sung, giám định lại”.
Giám định là hoạt động chuyên môn phức tạp, đa dạng liên quan tới nhiều lĩnh vực, vì vậy các loại giám định khác nhau sẽ đòi hỏi thời hạn khác nhau. Việc quy định cụ thể thời hạn giám định góp phần đảm bảo tính kịp thời, không bị kéo dài hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án hình sự.
6. Nội dung kết luận giám định
Điều 213, Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định về kết luận giám định với nội dung cụ thể như sau:
” 1. Kết luận giám định phải ghi rõ kết quả giám định đối với những nội dung đã được trưng cầu, yêu cầu và những nội dung khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.
2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận giám định, tổ chức, cá nhân đã tiến hành giám định phải gửi kết luận giám định cho cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận giám định, cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định phải gửi kết luận giám định cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
3. Để làm sáng tỏ nội dung kết luận giám định, cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đã tiến hành giám định giải thích kết luận giám định; hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết “.
Kết luận giám định là văn bản ghi lại toàn bộ những nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định. Trong hoạt động xét xử vụ án hình sự, kết luận giám định là nguồn chứng cứ quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của Tòa án. Vì vậy, khi có kết quả giám định thì trong thời gian 24 giờ cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định phải gửi kết luận giám định cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra để đảm bảo hoạt động tố tụng được diễn ra nhanh chóng, kịp thời.
Bên cạnh đó, Điều 35 Luật Giám định tư pháp 2012 có những quy định về tương trợ tư pháp trong hoạt động tư pháp.
Trường hợp đối tượng cần giám định đang ở nước ngoài hoặc khả năng chuyên môn, điều kiện về trang thiết bị, phương tiện giám định của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trong nước không đáp ứng được yêu cầu giám định thì cơ quan giám định tư pháp có thể yêu cầu cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện giám định tư pháp . Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nước ngoài.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về quy định về việc tiến hành giám định và nội dung kết luận giám định. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề pháp lý này hoặc có bất cứ vấn đề pháp luật gì cần được tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!