Công văn 3170/BHXH-BT về việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT.
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 của Quốc hội;
1. Tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Trong thời gian Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND xã) chưa lập xong danh sách kê khai tham gia BHYT, khi hộ gia đình tham gia BHYT:
1.1. Hộ gia đình
a) Kê khai đầy đủ, chính xác toàn bộ thành viên trong hộ gia đình vào Danh sách hộ gia đình tham gia BHYT (Mẫu DK01), trong đó ghi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào Cột 8 và nộp tiền đóng BHYT tại Đại lý thu hoặc tại BHXH huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là BHXH huyện).
b) Nhận thẻ BHYT từ Đại lý thu hoặc BHXH huyện theo quy định.
c) Sau khi tham gia BHYT nếu có thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu hoặc cải chính về nhân thân… thì lập Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK01-TS) gửi Đại lý thu hoặc BHXH huyện để điều chỉnh kịp thời.
Luật sư
1.2. Đại lý thu
a) Hướng dẫn hộ gia đình kê khai đầy đủ, chính xác toàn bộ thành viên trong hộ gia đình vào Mẫu DK01; lập Danh sách tham gia BHYT của đối tượng tự đóng (Mẫu DK04), thu tiền đóng BHYT gửi BHXH huyện;
b) Nhận, trả thẻ BHYT cho người tham gia đúng quy định.
c) Nhận Mẫu TK01-TS của người tham gia BHYT gửi BHXH huyện
1.3. BHXH huyện
a) Nhận Mẫu DK04, thu tiền đóng của người tham gia do Đại lý thu chuyển đến. Trường hợp hộ gia đình tham gia trực tiếp tại BHXH huyện thì hướng dẫn Hộ gia đình kê khai Mẫu DK01, thu tiền đóng BHYT và lập Mẫu DK04.
b) Nhận Mẫu TK01-TS của người tham gia BHYT.
c) Thực hiện thu, cấp, trả thẻ BHYT cho Đại lý thu hoặc hộ gia đình đúng thời gian quy định.
d) Khi UBND xã thực hiện xong việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT thì tiến hành kiểm tra, đối chiếu số người trong hộ đã tham gia BHYT từ ngày 15/9/2015 đến hết tháng 12/2015. Trường hợp còn thành viên trong hộ gia đình chưa tham gia thì chuyển danh sách cho Đại lý thu để tiếp tục vận động tham gia BHYT theo quy định.
Lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT
2.1. Hộ gia đình
a) Từ ngày 15/9/2015, tất cả các hộ gia đình (gồm cả hộ gia đình đang tham gia BHYT) nhận Mẫu DK01 từ Trưởng thôn/xóm/khu phố/ấp/bản (sau đây gọi chung Trưởng thôn) để thực hiện kê khai đầy đủ, chính xác toàn bộ thành viên trong hộ gia đình vào Mẫu DK01;
b) Từ năm 2016 trở đi, hàng tháng nếu có biến động tăng, giảm thành viên trong hộ gia đình, kịp thời lập Mẫu DK01 hoặc nếu có thay đổi, cải chính về nhân thân… thì lập Mẫu TK01-TS gửi Trưởng thôn hoặc UBND xã.
2.2. Trưởng thôn
a) Nhận Mẫu DK01 từ UBND xã để trực tiếp hướng dẫn, thu thập thông tin hộ gia đình đầy đủ, chính xác và nhận lại Mẫu DK01 sau khi hộ gia đình kê khai xong.
b) Tổng hợp đầy đủ, chính xác Mẫu DK01 của các hộ gia đình chuyển đến và lập Biên bản giao nhận danh sách kê khai hộ gia đình (Mẫu BK) để bàn giao cho UBND xã.
c) Từ năm 2016 trở đi, hàng tháng tổng hợp đầy đủ, chính xác Mẫu DK01, Mẫu TK01 -TS của hộ gia đình gửi đến khi có biến động tăng, giảm thành viên hoặc thay đổi, cải chính về nhân thân… và gửi UBND xã.
2.3. UBND xã
a) Nhận các loại biểu mẫu từ cơ quan BHXH để cung cấp cho Trưởng thôn thực hiện việc thu thập thông tin về hộ gia đình tham gia BHYT;
b) Nhận Mẫu DK01 để tổng hợp, rà soát và nhập thông tin Mẫu DK01 vào phần mềm quản lý; phân loại đối tượng theo Danh sách kê khai người đang tham gia BHYT (Mẫu DK02), Danh sách kê khai người chưa tham gia BHYT (Mẫu DK03) và gửi kèm dữ liệu về BHXH huyện.
c) Từ năm 2016 trở đi, khi UBND xã thực hiện xong việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT:
– Hằng tháng, khi hộ gia đình có biến động tăng, giảm thành viên, nhận Mẫu DK01, Mẫu TK01-TS do Trưởng thôn gửi đến và kịp thời tổng hợp, nhập thông tin vào phần mềm quản lý; phân loại đối tượng theo Mẫu DK02, Mẫu DK03 và gửi kèm dữ liệu về BHXH huyện.
– Hằng tháng, khi có biến động tăng, giảm người tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng thì lập Danh sách tăng, giảm người tham gia BHYT (Mẫu DK05) và gửi kèm dữ liệu về BHXH huyện, nhận thẻ BHYT trả cho người tham gia theo đúng thời gian quy định.
2.4. BHXH huyện
a) Cung cấp các loại biểu mẫu cho UBND xã để triển khai thực hiện việc kê khai thành viên hộ gia đình tham gia BHYT.
b) Nhận Mẫu DK02, Mẫu DK03, Mẫu DK05, Mẫu TK01-TS và dữ liệu từ UBND xã chuyển đến; kiểm tra, tổng hợp và phân loại theo từng đối tượng tham gia BHYT.
c) Chuyển Mẫu DK03 cho Đại lý thu BHYT để tổ chức vận động tham gia BHYT.
d) Lập Danh sách đối chiếu, xác nhận người tham gia BHYT của đơn vị quản lý đối tượng (Mẫu DK06) gửi cơ quan quản lý đối tượng (theo phân cấp của UBND tỉnh) để rà soát, xác nhận đối tượng tham gia.
2.5. Cơ quan quản lý đối tượng
Cơ quan quản lý đối tượng là cơ quan có thẩm quyền xác định và phê duyệt danh sách người tham gia như: người thuộc hộ gia đình nghèo, thương binh, người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc diện bảo trợ xã hội hàng tháng, cựu chiến binh, trẻ em… trên cơ sở phân cấp của UBND tỉnh căn cứ vào Danh sách đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT và Mẫu DK06 do cơ quan BHXH gửi đến; kịp thời đối chiếu, xác nhận, chuyển trả cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT và thanh, quyết toán tiền đóng BHYT cho người tham gia theo đúng quy định.
Tổ chức thực hiện
3.1. Bãi bỏ Tiết c, Điểm 1 Công văn số 777/BHXH-BT ngày 12/3/2015 của BHXH Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về thu BHYT; Công văn số 2085/BHXH-BT ngày 08/6/2015 của BHXH Việt Nam về đơn giản tổ chức tham gia BHYT theo hộ gia đình.
3.2. Trách nhiệm của các đơn vị
3.2.1. UBND xã
a) Thành lập Ban chỉ đạo kê khai và lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT tại UBND xã (sau đây gọi chung là Ban chỉ đạo), thành phần gồm: Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch xã là Trưởng Ban chỉ đạo; cán bộ Văn hóa – Xã hội là thường trực; cán bộ Tư pháp – Hộ tịch, Công an xã… và các Trưởng thôn là ủy viên.
b) Phổ biến mục đích, yêu cầu của việc kê khai và lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT đến từng hộ gia đình biết để thực hiện;
c) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện, trong đó mỗi thôn/xóm/khu phố/ấp/bản thành lập một tổ gồm từ 3 đến 5 thành viên do Trưởng thôn làm Tổ trưởng kê khai và lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, để thu thập thông tin.
d) Tiếp nhận, sử dụng kinh phí hỗ trợ lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình và thực hiện thanh quyết toán theo quy định.
đ) Tùy theo điều kiện của từng xã, UBND xã có thể phối hợp với Đại lý thu để thu thập thông tin, lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình theo quy trình trên.
e) Nhận, trả thẻ BHYT cho người tham gia đúng quy định.
3.2.2. BHXH huyện
a) Tổ chức bồi dưỡng, tuyên truyền các nội dung liên quan đến Luật BHYT và các nội dung liên quan đến việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT đến từng thành viên trong Ban chỉ đạo của UBND xã.
b) Đôn đốc, kiểm tra việc lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình và đảm bảo thời gian và chất lượng quy định.
c) Hướng dẫn sử dụng và cung cấp phần mềm quản lý lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT.
d) Cấp kịp thời, kinh phí hỗ trợ lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình cho UBND xã và thực hiện thanh quyết toán theo quy định.
3.2.3. BHXH tỉnh
a) Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định thực hiện theo nội dung Công văn số 5510/BYT-BH ngày 3/8/2015 của Bộ Y tế và thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã để tổ chức thực hiện. Trong đó lưu ý giao cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý đối tượng để đối chiếu, xác nhận Danh sách cấp thẻ BHYT và thanh quyết toán tiền đóng BHYT do ngân sách nhà nước đóng.
b) Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện việc kê khai và lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT đảm bảo thời gian và chất lượng.
c) Tăng cường, bồi dưỡng, đào tạo cho Đại lý thu đảm bảo mỗi thôn có nhân viên đi vận động hộ gia đình tham gia BHYT.
d) Quản lý cơ sở dữ liệu tập trung và liên thông với BHXH Việt Nam theo quy định.
3.2.4. BHXH Việt Nam
a) Trung tâm Công nghệ thông tin
– Xây dựng phần mềm và chuyển giao phần mềm cho BHXH tỉnh và UBND xã thực hiện.
– Quản lý cơ sở dữ liệu tập trung, liên thông trên toàn quốc theo quy định.
b) Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam: chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra theo sự phân công.
Yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết./.