Bên tôi thuộc dự án đầu tư, kho bạc yêu cầu là bên tôi phải có quyết định đầu tư từ 31/10/2014 khi tôi xin phân bổ vốn có đúng không?
Hiện nay, phần lớn các công trình về cơ sở hạ tầng của đất nước như: điện, đường giao thông, bến cảng, nhà ga,… đều được thực hiện dựa trên vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước. Vậy nhà nước ta quy định về nguyên tắc bố trí, phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về nguyên tắc bố trí, phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trong bài viết chi tiết dưới đây:
Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
–
1. Ngân sách nhà nước là gì?
Theo từ điển Luật học thì Ngân sách nhà nước được định nghĩa là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước theo quy định tại khoản 14 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015.
Từ khái niệm nêu trên và quy định của pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước, và dựa theo sự phân cấp theo các cấp nhà nước thì Ngân sách nhà nước bao gồm:
– Ngân sách trung ương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp trung ương hưởng và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp trung ương.
– Ngân sách địa phương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp địa phương hưởng, thu bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp địa phương.
2. Vốn ngân sách nhà nước là gì?
Căn cứ Luật Đấu thầu năm 2013,
Vốn ngân sách Nhà nước được hiểu là tất cả các nguồn vốn được tính dựa trên các khoản thu, chi của Nhà nước, trong đó bao gồm các nguồn từ ngân sách cấp địa phương tới ngân sách cấp trung ương các nguồn thu chi này được pháp luật về ngân sách quy định bao gồm các đối tượng sau: tổ chức chính trị; tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị xã hội -nghề nghiệp, tổ tổ chức xã hội – nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao; tổ chức xã hội – nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao, Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến ngân sách nhà nước. Chính vì thế là pháp luật đã quy định về nguồn vốn này đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm tài chính mà trong đó nguồn vốn chỉ được bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu từ các khoản thế, phát hành tiền, lệ phí, phát hành tiền, nhận viên trợ, bán tài sản và đóng góp tự nguyện.
Hay hiểu theo một cách đơn giản hơn thì vốn ngân sách Nhà nước là tất cả các nguồn vốn được tính dựa trên các khoản thu, chi của Nhà nước, trong đó bao gồm các nguồn từ ngân sách trung ương tới ngân sách địa phương.
3. Nguyên tắc bố trí, phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước
Vốn NSNN cho đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư bao gồm:
+ Vốn trong nước của các cấp NSNN;
+ Vốn vay nợ nước ngoài của Chính phủ và vốn viện trợ của nước ngoài cho Chính phủ, các cấp chính quyền và các cơ quan nhà nước (phần ngân sách nhà nước).
Theo quy định tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC đối với các dự án đầu tư được phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước hàng năm khi có đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất: Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư: phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và lãnh thổ được duyệt theo thẩm quyền.
Thứ hai: Đối với các dự án thực hiện đầu tư: phải có quyết định đầu tư từ thời điểm trước ngày 31 tháng 10 năm trước năm kế hoạch. Thời gian và vốn bố trí để thực hiện các dự án nhóm B không quá 5 năm, các dự án nhóm C không quá 3 năm. Như vậy, yêu cầu từ bên phía kho bạc nhà nước là có căn cứ, tuy nhiên bên bạn phải đưa ra chính xác về hoạt động thực hiện dự án của bên bạn thì mới phải đáp ứng điều kiện này.
Vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được bố trí cho các đối tượng được quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công và được phân theo ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 36 của Luật Ngân sách nhà nước. Nguyên tắc chung và thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và hằng năm thực hiện theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 973/2020/UBTVQH14. Trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước sử dụng theo quy định tại Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước, đối với phần vốn dành cho đầu tư phát triển (nếu có) báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép ưu tiên bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định.
Việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14. Vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phân bổ theo ngành, lĩnh vực theo quy định.
Về tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương, vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bố trí cho nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư của ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và thuộc đối tượng đầu tư công quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công.
Đối với vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước, dành tối đa không quá 30% để bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực, không bao gồm vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Mức vốn còn lại được phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương theo ngành, lĩnh vực. Các bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm phân bổ cụ thể cho các chương trình, dự án theo đúng quy định của pháp luật và theo các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên; Phân bổ cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, nghĩa vụ thanh toán của ngân sách trung ương, các chính sách khác sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.
Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, phân bổ trên cơ sở định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đối với các dự án đang triển khai, các dự án chuyển tiếp, các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư theo ngành, lĩnh vực.
Trên thực tế thì việc mà cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương cho bộ, cơ quan trung ương theo nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn còn thiếu của các dự án thuộc danh mục của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025, thu hồi vốn ứng trước. Số vốn còn lại bố trí cho các dự án mới thuộc các ngành, lĩnh vực theo quy định và phân bổ theo thứ tự ưu tiên quy định tại khoản 8 Điều 4 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.
Bên cạnh đó thì vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho bộ, cơ quan trung ương quy định tại khoản 4 Điều 4 của Luật Đầu tư công theo ngành, lĩnh vực theo quy định của Quyết định.
Phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 và theo quy định của Quyết định. Tiêu chí, định mức phân bổ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.
Thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 được thực hiện như sau:
– Phân bổ đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 101 của Luật Đầu tư công (nếu có).
– Phân bổ đủ vốn để hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch nhưng chưa có nguồn để hoàn trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước (nếu còn).
– Phân bổ vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm cả vốn đối ứng); vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch.
– Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch.
– Phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án.
– Phân bổ vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Đầu tư công.
Trên đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về nguyên tắc bố trí, phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật về vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!