Điều kiện để người nước ngoài trở thành luật sư tại Việt Nam. Tiêu chuẩn và giây tờ pháp lý để người nước ngoài trở thành luật sư.
Điều kiện để người nước ngoài trở thành luật sư tại Việt Nam. Tiêu chuẩn và giây tờ pháp lý để người nước ngoài trở thành luật sư.
Tóm tắt câu hỏi:
Em đã tốt nghiệp đại học luật ở Hàn Quốc (4 năm học), sống ở Việt Nam 4 năm và làm ở công ty luật Việt Nam hơn 2 năm (có giấy phép lao động). Em đang tư vấn cho nhiều công ty Hàn Quốc để lập công ty mới, M&A, mua bán nhà đất và phát triển bất động sản. Em là người nước ngoài thì em có thể trở thành luật sư Việt Nam được không? Để trở thành luật sư Việt Nam em chuẩn bị những gì?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, về điều kiện để bạn trở thành luật sư Việt Nam:
Vì bạn là người nước ngoài nên theo quy định tại Điều 74 Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi bổ sung năm 2012 thì điều kiện để luật sư nước ngoài để trở thành luật sư Việt Nam như sau:
“Luật sư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam:
1. Có Chứng chỉ hành nghề luật sư đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
2. Có kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế;
3. Cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;
4. Được tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử vào hành nghề tại Việt Nam hoặc được chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam đồng ý tuyển dụng vào làm việc tại các tổ chức đó.”
Như vậy, với trường hợp của bạn, bạn không nói rõ là mình đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư của quốc gia mà bạn đang sinh sống hay không. Trong trường hợp bạn chưa được cấp thì bạn cần hoàn thành các điều kiện để trở thành luật sư tại quốc gia đó. Từ đó, bạn mới có thể đáp ứng được các điều kiện quy định trên. Ngoài ra, hình thức hành nghề luật sư của bạn theo quy định tại Điều 57 Luật Luật sư 2006 sửa đổi bổ sung 2012 bao gồm:
“1. Làm việc với tư cách thành viên cho một chi nhánh hoặc một công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;
2. Làm việc theo hợp đồng cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.”
Thứ hai, các giấy tờ cần thiết mà bạn cần chuẩn bị khi muốn trở thành luật sư Việt Nam .
Theo quy định tại Điều 84 Luật Luật sư 2006 sửa đổi bổ sung 2012 thì các giấy tờ cũng như thủ tục mà luật sư nước ngoài cần có để trở thành luật sư Việt Nam bao gồm:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
“1. Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam phải có hồ sơ cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam gửi Bộ Tư pháp. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Bộ Tư pháp cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của luật sư nước ngoài có thời hạn năm năm và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá năm năm.
3. Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của luật sư nước ngoài thay thế Giấy phép lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam về cấp Giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
4. Hồ sơ cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của luật sư nước ngoài gồm có:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;
b) Giấy tờ xác nhận là luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cử vào hành nghề tại Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận về việc tuyển dụng của chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, nơi luật sư nước ngoài dự kiến làm việc;
c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư; bản tóm tắt lý lịch nghề nghiệp; phiếu lý lịch tư pháp hoặc giấy tờ khác thay thế.
5. Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam phải được gửi đến Bộ Tư pháp chậm nhất ba mươi ngày trước khi hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép. Hồ sơ gồm có:
a) Giấy đề nghị gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam có xác nhận của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hoặc tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam về việc tuyển dụng luật sư đó;
b) Bản chính Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;
c) Ý kiến của Sở Tư pháp về quá trình hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp quyết định việc gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài; trường hợp từ chối gia hạn phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.