Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất? Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất? Tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất? Thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư?
Đối với các cá nhân, hộ gia đình khi được Nhà nước giao đất thì sẽ được sử dụng ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, sân bay,… hay vì các mục tiêu quốc phòng, an ninh mà các cá nhân, hộ gia đình bị hồi đất. Khi thu hồi đất, thì Nhà nước cần thực hiện hoạt động bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giới thiệu về hoạt động thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
1. Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
Theo cách hiểu đơn giản nhất, thì bồi thường là trả lại tương xúng những thiệt hại, tổn thất đúng với giá trị hoặc công lao cho một chủ thể nào đó bị thiệt hại vì hành vi của chủ thể khác.
Tại Khoản 12, Điều 3 Luật Đất đai đã đưa ra định nghĩa bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất đó chính là việc “Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích bị thu hồi cho người sử dụng đất”. Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 cũng đã có những quy định liên quan đến bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, cách thức bồi thường, cách tính mức bồi thường chi phí đầu tư vào đất bị thu hồi với các loại đất, các loại chủ thể sử dụng đất.
2. Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất
Bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đều là hậu quả pháp lý trực tiếp do hành vi thu hồi đất của Nhà nước gây ra. Nhưng nếu bồi thường là hệ quả tất yếu của việc thu hồi đất thì hỗ trợ được xem là biện pháp bổ sung, đóng vai trò khỏa lấp khoảng trống mà các quy định về bồi thường chưa giải quyết được, nhằm bù đắp một cách thỏa đáng những thiệt hại do bị Nhà nước thu hồi đất gây ra. Ngoài các thiệt hại hữu hình về giá trị quyền sử dụng đất, công trình xây dựng, công trình vật nuôi, đối tượng bị thu hồi đất còn chịu ảnh hưởng bởi các thiệt hại vô hình khác như mất ổn định cuộc sống, mất chỗ ở, mất tư liệu sản xuất, bị thiệt hại về tinh thần,…
Tại Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển” (Khoản 14 Điều 3) , quy định này đã được điều chỉnh lại so với quy định tại Luật Đất đai năm 2003, hướng điều chỉnh là nhằm đảm bảo mục đích cơ bản của hỗ trợ, đó là giúp đỡ người bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống. Từ khái niệm trên, có thể thấy rõ ràng việc bồi thường là trách nhiệm pháp lý của Nhà nước, còn hỗ trợ thể hiện trách nhiệm xã hội của Nhà nước trong việc giúp đỡ người sử dụng đất vượt qua những khó khăn để ổn định sản xuất và đời sống.
Về cơ bản, việc hỗ trợ của Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, khi Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất có đất bị thu hồi ngoài việc được bồi thường còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Như vậy, ngoài việc bù đắp những thiệt hại của người sử dụng đất có đất bị thu hồi bằng việc bồi thường Nhà nước còn có các biện pháp hỗ trợ cần thiết khác để bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các quyết định thu hồi đất của Nhà nước.
Thứ hai, cũng giống như việc bồi thường việc hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công bằng kịp thời công khai và đung quy dinh của pháp luật. Cùng với việc xác định những nguyên tắc của việc Nhà nước hỗ trợ khi thu hồi đất, Luật Đất đai hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành còn quy định khá cụ thể, chi tiết các hình thức hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm (Khoản 2, Điều 83 Luật Đất đai):
– Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất,
– Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với việc thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở,
– Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở,
– Các hình thức hỗ trợ khác.
3. Tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Tái định cư cũng là một nội dung được đề cập trong các quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên trong Luật Đất đai lại không đưa ra quy định về khái niệm tái định cư.
Tái định cư là việc di chuyển đến một nơi khác với nơi ở trước đây để sinh sống và làm ăn. Tái định cư bắt buộc đó là sự di chuyển không thể tránh khỏi khi Nhà nước thu hồi hoặc trung thu đất ở để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội hoặc vi mục tiêu an ninh, quốc phòng Theo nghĩa rộng tái định cư được hiểu là một quá trình từ bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, di chuyển đến nơi ở mới và các hoạt động hỗ trợ để xây dựng lai sản xuất và ổn định cuộc sống tại đó. Như vậy, tái định cư là hoạt động nhằm giảm các tác động xấu về kinh tế – xã hội đối với một bộ phận dân cư đã gánh chịu vì sự phát triển chung. Hiện nay ở nước ta khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển cho ở, thi người sử dụng đất được bố trí tái định cư bằng một trong các hình thức sau Bồi thường bảng nhà ở, Bồi thường bảng giao đất ở mới, Bồi thường bằng tiền để tự lo chỗ ở.
Tái định cư là một nội dung không thế tách rời và giữ vị trí quan trọng trong chính sách giải phóng mặt bằng. Các dự án tái định cư cũng được coi là dự án phát triển và phải được thực hiện như các dự án phát triển khác. Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể điều kiện về khu tái định cư như sau “..2. Khu tái định cư phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng phù hợp với điều kiện phong tục, tập quán của từng vùng miền. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư” . Việc bố trí tái định cư cho người có đất ở bị thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở thực hiện theo quy định tại Điều 86 Luật Đất đai năm 2013.
Có thể thấy rằng với những quy định mới trong Luật Đất đai năm 2013, các quy định về tái định cư được quy định đầy đủ chi tiết và có sự phân biệt các vùng miền và chú ý tới phong tục tập quán cụ thể. Vì vậy, việc thực hiện các quy định về tái định cư trong các trường hợp thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở cung có những khác biệt so với pháp
4. Thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Hoạt động bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là hoạt động quan trọng bắt buộc phải thực hiện khi thu hồi đất. Do vậy, cần phải phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi thực hiện thu hồi đất và các phương án này cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, hoạt động thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định tại Điều 69 Luật Đất đai năm 2013.
Chủ thể có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đó chính là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; sau khi lấy ý kiến thì tiến hành tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định ở đây chính là Sở Tài nguyên và môi trường.
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày;
Sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thì phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được niêm yết công khai quyết định phê duyệt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có)
Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt.