Một số quy định về trách nhiệm dân sự? Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự?
Khi tham gia vào một giao dịch, các chủ thể có nghĩa vụ thực hiện đúng các thỏa thuận trước đó về chủ thể, thời hạn, địa điểm, đối tượng, phương thức, nội dung,… Nếu các bên vi phạm nghĩa vụ thì sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm dân sự có thể là trách nhiệm tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm. Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự là một nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự và được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực Nhà nước. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự và các loại trách nhiệm dân sự.
Luật sư
1. Một số quy định về trách nhiệm dân sự:
1.1. Trách nhiệm dân sự là gì?
Trách nhiệm dân sự là một loại trách nhiệm pháp lý được Nhà nước đặt ra đối với các chủ thể khi và chỉ khi các đối tượng có vi phạm dân sự. Ta còn có thể hiểu trách nhiệm dân sự theo nghĩa là các biện pháp có tính cưỡng chế Nhà nước được áp dụng nhằm mục đích khôi phục lại tình trạng ban đầu của một quyền dân sự bị vi phạm.
Trách nhiệm dân sự chỉ phát sinh khi cá nhân, tổ chức vi phạm sự thỏa thuận trong giao dịch dân sự, hay có lỗi trong việc thực hiện hành vi gây thiệt hại đối với người khác.
Theo đó, ta có thể hiểu trách nhiệm dân sự là sự ràng buộc của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức trong quan hệ dân sự.
Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật dân sự, trách nhiệm dân sự bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại.
1.2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự:
Trách nhiệm dân sự phát sinh chỉ khi các cá nhân, tổ chức vi phạm đối với sự thỏa thuận đã có trước đó trong các giao dịch dân sự, hay phát sinh khi các chủ thể có lỗi trong việc thực hiện hành vi gây thiệt hại đối với người khác.
Như vậy, ta nhận thấy, sự thỏa thuận của các bên chính là cơ sở quan trọng nhất để hình thành nghĩa vụ dân sự.
Vậy nên, việc vi phạm nghĩa vụ dân sự là căn cứ phát sinh trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm.
Không chỉ vậy, căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự còn phải dựa vào việc vi phạm nghĩa vụ đó có gây ra thiệt hại cụ thể và có mối quan hệ nhân quả giữa nghĩa vụ và thiệt hại hay không.
Qua đó, trách nhiệm bồi thường chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố như sau:
– Thứ nhất: có lỗi.
– Thứ hai: có thiệt hại vật chất xảy ra.
– Thứ ba: có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không thực hiện nghĩa vụ và thiệt hại vật chất.
1.3. Đặc điểm của trách nhiệm dân sự:
Trách nhiệm dân sự là một loại trách nhiệm pháp lý nên nó cũng có những đặc điểm chung của các loại trách nhiệm pháp lý, cụ thể sau đây:
– Trách nhiệm dân sự là hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm, chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm pháp luật và chỉ áp dụng đối với người có hành vi vi phạm đó.
– Trách nhiệm dân sự là một hình thức cưỡng chế của nhà nước và do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước áp dụng.
– Trách nhiệm dân sự luôn mang đến một hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm.
Ngoài những đặc điểm chung của trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm dân sự còn mang những đặc điểm riêng cụ thể như sau:
– Trách nhiệm dân sự căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự là hành vi vi phạm luật dân sự hoặc vi phạm hợp đồng (đó là việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của người có nghĩa vụ dân sự).
– Trách nhiệm dân sự mang tính tài sản. Đây chính là đặc điểm cơ bản nhất của trách nhiệm dân sự. Chính bởi vậy mà trách nhiệm dân sự của người vi phạm bao giờ cũng là sự bù đắp cho bên vi phạm những lợi ích vật chất nhất định.
– Chủ thể chịu trách nhiệm dân sự có thể là người vi phạm nhưng cũng có thể là người khác, ví dụ như là người đại diện theo pháp luật cho người chưa thành niên, pháp nhân, cơ quan, tổ chức.
– Hậu quả bất lợi mà người vi phạm phải chịu là việc bắt buộc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận đã có trước đó hoặc bồi thường thiệt hại nhằm mục đích bảo vệ quyền và khắc phục vật chất cho bên vi phạm.
1.4. Phân loại trách nhiệm dân sự:
Trách nhiệm dân sự được phân thành hai loại cụ thể như sau:
Thứ nhất: Trách nhiệm dân sự trong hợp đồng:
– Chúng ta đều biết, hợp đồng là một loại giao dịch dân sự, mà trong đó các bên tự thỏa thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ.
– Việc vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng có thể sẽ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường.
– Trong mỗi loại hợp đồng, các bên đều có thể tự do thỏa thuận những nội dung cụ thể. Và những thỏa thuận trong hợp đồng này chính là sự ràng buộc đối với cả hai bên hợp đồng. Hai bên có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận đã có trong hợp đồng dân sự.
– Nếu có hành vi vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại xảy ra.
Ví dụ: Theo Khoản 5 Điều 466
“5.Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, trong trường hợp bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và trả thêm lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả. Trong hợp đồng, việc không thực hiện đúng nghĩa vụ có thể sẽ là căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng dân sự được pháp luật đặt ra là một biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm để các chủ thể thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, hạn chế tối đa thiệt hại xảy ra đối với các chủ thể tham gia vào hợp đồng dân sự.
– Thứ hai: Trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng:
Đối với trường hợp này, khi các chủ thể tham gia giao dịch mà không có bất kì sự thỏa thuận nào, nhưng đã vi phạm vào các điều cấm của pháp luật dẫn đến một thiệt hại thực tế thì sẽ phải thực hiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với các hành vi vi phạm của mình.
Ngoài ra về nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện cụ thể như sau:
– Thứ nhất: Có thiệt hại trên thực tế xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, lỗi thuộc về người gây ra thiệt hại.
– Thứ hai: Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.
2. Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự:
Nguyên tắc của Bộ luật dân sự 2015 là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo, định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật dân sự. Một trong các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự 2015 là nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự.
a. Cơ sở nguyên tắc:
Về cơ sở pháp lý: Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự được quy định cụ thể tại khoản 5 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Theo đó: Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Về cơ sở thực tiễn: trong quan hệ pháp luật dân sự, đặc biệt là các giao dịch dân sự, các bên luôn muốn giành lợi ích về phía mình tức là chỉ muốn nhận quyền mà không muốn thực hiện nghĩa vụ dân sự. Các bên có thể trốn tránh nghĩa vụ dân sự của mình, việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của bên chủ thể còn lại.
b. Ý nghĩa của nguyên tắc:
Để đảm bảo quyền, lợi ích của các chủ thể trong quan hệ pháp luật thì đòi hỏi các bên tham gia quan hệ pháp luật dân sự đó phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Việc quy định nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự là cơ sở để đảm bảo cho các bên trong quan hệ dân sự thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, đảm bảo được lợi ích của các bên. Đồng thời, nguyên tắc này còn làm cơ sở để cơ quan, chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với chủ thể có hành vi vi phạm.
c. Nội dung của nguyên tắc:
Nguyên tắc chủ yếu của nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất: các bên phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình. Các bên ở đây chính là các chủ thể trong quan hệ dân sự. Trong quan hệ dân sự, đi kèm với quyền luôn là nghĩa vụ. Các chủ thể trong quan hệ, khi một bên chủ thể được hưởng quyền thì đi kèm với nó họ cũng phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định đối với phía chủ thể bên kia tức quyền của người này ứng với nghĩa vụ của người kia và ngược lại.
Thứ hai, các bên chủ thể trong quan hệ dân sự phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Chính các bên trong quan hệ dân sự là những chủ thể được hưởng quyền và cũng chính là những chủ thể thực hiện nghĩa vụ đối với chủ thể bên kia. Vì thế, hơn ai khác chính họ phải là những người chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Ở đây, pháp luật dân sự quy định cho họ việc họ tự chịu trách nhiệm tức là đề cao sự tự giác, tự nguyện của các chủ thể trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình.
Thứ ba, nếu các chủ thể không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể bị cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật. Đây là quy định nhằm tránh tình trạng các bên không tự chịu trách nhiệm của mình. Và vì thế họ sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhất định để buộc thực hiện nghĩa vụ của mình.