Hiện nay trong xã hội vẫn còn xuất hiện tình trạng buôn bán người với thủ đoạn vô cùng tinh vi và nguy hiểm, nhất là đối với vấn nạn mua bán phụ nữ, đây là một hành vi vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng sâu sắc tới văn minh xã hội. Vậy mua bán phụ nữ là gì? Pháp luật hình sự về tội mua bán phụ nữ như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mua bán phụ nữ là gì?
Những năm gần đây hoạt động mua bán người ở nước ta đang diễn ra với xu hướng gia tăng về số lượng các vụ án với những thủ đoạn được sử dụng hết sức tinh vi và xảo quyệt. Đối tượng phạm tội mua bán người ở hầu hết các độ tuổi, số đối tượng có độ tuổi trên 30 tuổi chiếm đa số. Các đối tượng phạm tội mua bán người có trình độ văn hóa thấp, có nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau. Hầu hết là những đối tượng có kiến thức xã hội, am hiểu xã hội và thường là người thông thuộc các khu vực biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, đồng thời am hiểu phong tục, tập quán của người dân…; đối tượng hoạt động băng nhóm, có tiền án, tiền sự. Nhiều người đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, sau đó quay về Việt Nam thăm thân lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc đặc biệt có cả người thân trong gia đình. Lợi dụng đặc điểm khó khăn kinh tế, thiếu việc làm ở nhiều địa phương, chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân…, các đối tượng mua bán người hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào các động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức.
Tội phạm mua bán người là một trong những vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Hành vi mua bán người trái phép xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, quyền con người của nạn nhân,…căn cứ vào hậu quả của hành vi thì sẽ xem xét xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự về tội mua bán người với các khung hình phạt khác nhau. Tội mua bán người là tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp trong đó người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm đến các quyền cơ bản của nạn nhân như quyền tự do, quyền con người,…coi con người như một món hàng để thực hiện việc trao đổi, mua bán với mục đích là kiếm lợi nhuận.
Mua bán phụ nữ là Hành vi dùng tiền hoặc phương tiện thanh toán khác để trao đổi phụ nữ như hàng hóa. Mua bán phụ nữ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người phụ nữ.
2. Pháp luật hình sự về tội mua bán phụ nữ:
Mua bán phụ nữ là hành vi coi người phụ nữ như một món hàng để trao đổi lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác
Tại khoản 1 Điều 150. Tội mua bán người
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Đối với từ 02 đến 05 người;
g) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
3. Phân tích các dấu hiệu cấu thành tội mua bán người:
Khách thể của tội phạm
Người phạm tội có thể là người mua, có thể là người bán hoặc có thể họ vừa là người mua, vừa là người bán phụ nữ. Thực tiễn xét xử trong những năm vừa qua, chúng tội thường gặp người phạm tội là người dùng mọi thủ đoạn lừa phỉnh phụ nữ để đem ra nước ngoài bán cho người nước ngoài làm vợ. Việc mua bán phụ nữ xảy ra ở trong nước, nếu có cũng chủ yếu là sự móc nối của những người trong các khâu của quá trình mua bán phụ nữ và cuối cùng là đưa ra nước ngoài.
Quan niệm mua và bán phụ nữ cũng không hoàn toàn giống như mua và bán những hàng hoá khác hoặc mua bán nô lệ như một số nước ở thời kỳ trung cổ, do đó trong một số trường hợp nhìn hình thức bên ngoài chúng ta không thấy được đó là hành vi mua bán phụ nữ, thậm chí người phụ nữ bị đem bán còn cảm ơn người đã mua bán mình.
Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân của người Việt Nam cũng như của người nước ngoài tại Việt nam có sử dụng các cán bộ khoa học hoặc công nhân có tay nghề cao là phụ nữ. Những người này được trả lương cao thậm chí rất cao và không ít trường hợp những “ông chủ” muốn lôi kéo họ về làm việc cho mình nên đã “mua hoặc bán” như kiểu chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng này không phải là hành vi phạm tội mua bán phụ nữ.
Chủ thể của tội phạm
Người bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ là người phụ nữ từ 16 tuổi trở lên bị mua, bị bán. Nếu người người bị hại là phụ nữ dưới 16 tuổi thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mau bán phụ nữ mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo Điều 120 Bộ luật hình sự.
Hiện nay có một tình trạng khá phổ biến là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng thường xác định người bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ lại là thân nhân của họ như: bố, mẹ, anh, em của người phụ nữ bị mua, bị bán, nhất là đối với các trường hợp người bị hại bị đưa ra nước ngoài. Việc xác định thân nhân của người bị hại là bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ rõ ràng là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, nếu không xác định thân nhân của người bị hại tham gia tố tụng với tư cách như người bị hại thì có không ít những trường hợp không bảo đảm quyền lợi của các đương sự nhất là đối với trường hợp người bị hại bị đưa ra nước ngoài.
Việc xác định thân nhân của người phụ nữ bị mua, bị bán tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại rõ ràng là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử một số nơi đã cho họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện của người bị hại, nhưng ngay cả trong trường hợp này cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể, bởi lẽ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ mới tham gia tố tụng thay cho họ còn những phụ nữ bị bán ra nước ngoài chưa hẳn họ đã bị chết.
Người bị hại có thể biết mình bị mua, bị bán nhưng cũng có thể không biết mình bị mua, bị bán. Thậm chí có người còn tự nguyện để người khác mua bán, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán phụ nữ.
Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội phải nhận thức được hành vi của mình là hành vi mua bán phụ nữ thì mới là hành vi phạm tội, nếu họ không nhận thức được hành vi của mình là hành vi mua bán phụ nữ thì không phải là tội phạm.
Mặt khách quan của tội phạm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Vì mục đích mại dâm;
Có tổ chức;
Có tính chất chuyên nghiệp;
Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
Để đưa ra nước ngoài;
Đối với nhiều người;
Phạm tội nhiều lần;
Theo đó về mặt khách quan của hành vi mua bán người đó là thực hiện việc mua bán người để thu lợi bất chính (tư lợi). Hành vi này thể hiện dưới hình thức dùng tiền, tài sản hoặc các phương tiện thanh toán khác đê đổi lấy người (nhằm đem bán) hoặc ngược lại để thu lợi. Có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi theo quy định của pháp luật. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện xong hành vi mua bán người. Nếu việc mua bán người chưa xảy ra thì được coi là phạm tội chưa đạt.
Hậu quả
Vì là buôn bán nên dấu hiệu thu lợi cũng là một dấu hiệu quan trọng, nhưng nó không phải là dấu hiệu bắt buộc, việc người phạm tội có thu lợi hay không, điều đó không có ý nghĩa về mặt định tội, nếu có thì cũng chỉ có ý nghĩa về việc áp dụng hình phạt (lượng hình).
Hậu quả của hành vi mua bán phụ nữ là người phụ nữ đó đã bị mua, bị bán. Nhưng nếu người phạm tội đã thực hiện các hành vi nhằm mua, nhằm bán, nhưng việc mua bán chưa xảy ra thì cũng không vì thế mà cho rằng chưa phạm tội mua bán phụ nữ mà trường hợp phạm tội này là phạm tội chưa đạt. Người bị hại trở thành hàng hóa trong giao dịch mua bán. Bị mất các quyền công dân, quyền con người. Có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: