Hành vi nào vi phạm quy định điều khiển tàu bay? Pháp luật hình sự xử phạt tội vi phạm quy định điều khiển tàu bay như thế nào?
Vi phạm quy định điều khiển tầu bay là hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường không của người chỉ huy hoặc người điều khiển tầu bay có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời
Điều 216 Bộ luật hình sự quy định Tội vi phạm quy định điều khiển tầu bay như sau:
“1. Người nào chỉ huy, điều khiển tàu bay mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường không, có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
1. Dấu hiệu pháp lý
a) Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người chỉ huy hoặc điều khiển tầu bay mới là chủ thể của tội phạm này.
Người điều khiển tầu bay là người trực tiếp điều khiển các loại máy bay, tầu lượn, khí cầu và những thiết bị bay tương tự khác có thể được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí gồm: Lái chính, lái phụ, dẫn đường trên không, cơ giới trên không và khai thác vô tuyến trên không.
Người chỉ huy tầu bay là người có quyền cao nhất trong tầu bay, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn và khai thác tầu bay trong thời gian bay. Người chỉ huy tầu bay có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc cất cánh, bay, hạ cánh, huỷ bỏ chuyến bay, quay trở lại nơi cất cánh hoặc hạ cánh bắt buộc.
Người chỉ huy và người điều khiển tầu bay đều gọi là tổ bay, nhưng theo Luật hàng không thì tổ bay còn bao gồm: nhân viên bảo đảm an toàn và nhân viên phục vụ trong tầu bay khi thực hiện chuyến bay. Những người này không phải là chủ thể của tội vi phạm quy định điều khiển tầu bay, vì họ không phải là người chỉ huy hoặc người điều khiển.
b) Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là trật tự an toàn giao thông đường không.
Đối tượng tác động của tội phạm này là tầu bay bao gồm: Máy bay, tầu lượn, khí cầu và những thiết bị bay tương tự khác có thể được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí.
c) Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội vi phạm quy định điều khiển tầu bay thực hiện hành vi là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả).
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
d) Mặt khách quan của tội phạm
Người phạm tội này có thể thực hiện một trong hai hành vi sau:
– Vi phạm các quy định về chỉ huy bay.
Theo quy định của Luật hàng không dân dụng thì, người chỉ huy tầu bay dân dụng Việt Nam là người có quyền cao nhất trong tầu bay, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn và khai thác tầu bay trong thời gian bay; có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc cất cánh, bay, hạ cánh, huỷ bỏ chuyến bay, quay trở lại nơi cất cánh hoặc hạ cánh bắt buộc.
Người chỉ huy tầu bay có trách nhiệm thi hành chỉ thị của người khai thác tầu bay. Trong trường hợp không thể nhận được chỉ thị hoặc chỉ thị không rõ ràng, thì người chỉ huy tầu bay có quyền thực hiện các công việc sau đây và phải
+ Chi những khoản tiền cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của chuyến bay.
+ Cho tiến hành những công việc cần thiết để tầu bay tiếp tục bay.
+ Áp dụng các biện pháp và chi các khoản tiền cần thiết để bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong chuyến bay.
+ Thuê mướn nhân công trong thời hạn ngắn theo từng vụ việc cần thiết cho chuyến bay.
+ Vay những khoản tiền cần thiết để thực hiện các quyền nói tại Điều này.
– Vi phạm các quy định về điều khiển tầu bay.
Hành vi vi phạm các quy định về điều khiển tầu bay là hành vi vi phạm của người lái chính, lái phụ, dẫn đường trên không, cơ giới trên không và khai thác vô tuyến trên không.
Hành vi vi phạm của người điều khiển tầu bay độc lập với hành vi chỉ huy tầu bay của người chỉ huy, nhưng trong một số trường hợp hành vi vi phạm của người điều khiển lại là tiền đề, là nguyên nhân của hành vi vi phạm của người chỉ huy tầu bay. Tức là người chỉ huy tầu bay phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của người điều khiển tàu bay, vì người chỉ huy pair chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn và khai thác tầu bay trong thời gian bay; có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc cất cánh, bay, hạ cánh, huỷ bỏ chuyến bay, quay trở lại nơi cất cánh hoặc hạ cánh bắt buộc.
e) Hậu quả
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Đây cũng là đặc điểm riêng của tội phạm này, vì tinh chất đặc biệt quan trọng của sự an toàn các chuyến bay.
Tuy nhiên, nói là không phải là dấu hiệu bắt buộc là nói chưa co hậu quả xẩy ra thì tội phạm đã hoàn thành nhưng về lý luận đối với tội phạm này vẫn cần xác định hậu quả mặc du hậu quả đó chưa xảy ra, nhưng xác định được vì nếu không được ngăn chặn kịp thời thì hậu quả đó tất yếu sẽ xẩy ra.
2. Hình phạt
Có bốn khung hình phạt khi phạm tội vi phạm quy định điều khiển tầu bay như sau:
Khung một: phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
Khung hai: phạt tù từ ba năm đến mười năm.
Khung ba: phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Khung bốn: phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”