Xử phạt hành chính hành vi xúc phạm danh dự người khác. Mình sẽ bị xử phạt như thế nào khi có hành vi xúc phạm danh dự bạn cùng lớp?
Xử phạt hành chính hành vi xúc phạm danh dự người khác. Mình sẽ bị xử phạt như thế nào khi có hành vi xúc phạm danh dự bạn cùng lớp?
Tóm tắt câu hỏi:
Mình đi học giúp đứa em, có một người bạn thân chơi với em mình nhưng mình không thích lắm, lúc mình vào lớp. Em mình có nhắn tin nói mình thậm tệ là cành cao, bạn nó dẫn vào còn tỏ thái độ, nói nọ làm mình bực tức, cứ tưởng người bạn đó nói gì em mình nên nhắn tin dọa đánh , rồi bạn đó nói mình bị điên à, mình cũng chỉ nhắn là đánh nhau không , thực ra tâm trạng mình chỉ muốn trêu tức đứa em, nghĩ là đứa bạn đó sẽ nhắn bảo em mình để dọa đứa em, ai ngờ bạn ý đứng trước lớp nói mình cũng gay gắt, mình cũng không đánh bạn ý, mình ngồi im cho bạn ý nói, rồi về đến nhà bố bạn đó và bạn ý nói muốn kiện mình, là mình có nhắn một câu hơi quá đáng là em tao ngu mới chơi với một đứa giả tạo như mày. Mình sẽ bị xử phạt như thế nào, với tội này hành vi của mình chưa xảy ra nó chỉ rơi vào trong suy nghĩ và nhắn tin, phát ngôn bên ngoài mình cũng không nói là đánh bạn ý, vậy cái này mình có phải dính vào tội lăng mạ hạ nhục nhân phẩm không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Hiện nay, Bộ luật dân sự và các văn bản khác chưa đưa ra khái niệm cụ thể đối với tội xúc phạm danh dự nhân phẩm. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ. Người bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu tòa buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; bồi thường thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần.
Tuy nhiên, theo từ điển cụm từ danh dự nhân phẩm được hiểu là:
Danh dự là sự đánh giá của xã hội đối với một cá nhân về các mặt đạo đức, phẩm chất chính trị và năng lực của người đó.
Sự đánh giá của xã hội có thể về mặt lao động như nói người cần cù, siêng năng hay lười nhác, có thể về mặt tinh thần thái độ đối với công việc được giao, trong sinh hoạt cá nhân hay cư xử với mọi người xung quanh như người đó sống nghiêm túc hay buông thả, trong quan hệ với mọi người thì thân ái đoàn kết hay ích kỷ.
Danh dự của một cá nhân bao gồm các yếu tố sau:
– Lòng tự trọng: tức là sự tự đánh giá mình, tự ý thức về giá trị, vị trí của mình trong xã hội (chà đạp lên lòng tự trọng của người khác chính là xúc phạm đến danh dự của người đó).
– Uy tín: chính là giá trị về mặt đạo đức và tài năng được công nhận ở một cá nhân thông qua hoạt động thực tiễn của mình tới mức mà mọi người trong một tổ chức, một dân tộc cảm phục tôn kính và tự nguyện nghe theo. Trong danh dự có uy tín, phá hoại uy tín cũng chính là phá hoại danh dự.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm là một khái niệm trừu tượng, như bạn trình bày thì sự việc bạn trình bày chưa đủ điều kiện cấu thành nên một hành vi nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì:
“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;…”
Mặt khác, nếu mức độ nguy hiểm hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự, theo quy định tại Bộ luật hình sự:
“Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Như vậy, còn phụ thuộc vào mức độ và sự ảnh hưởng của người đó đến xã hội mới có thể xác định được mức phạt đối với trường hợp này.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.