Thông tư 10/2006/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
THÔNG TƯ
Của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia
Thi hành Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia ký tại Hà Nội ngày 1 tháng 6 năm 1998, Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia ký tại Hà Nội ngày 10 tháng 10 năm 2005 (sau đây gọi tắt là Nghị định thư), Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số điều, khoản liên quan đến việc tổ chức và quản lý hoạt động vận tải đường bộ của phương tiện qua lại biên giới giữa Việt Nam và Campuchia như sau.
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi áp dụng
a) Văn bản này áp dụng đối với phương tiện vận chuyển người và hàng hoá để thu tiền gồm: xe ô tô chở người và xe ô tô chở hàng kể cả xe rơ moóc hoặc xe sơ mi rơ moóc.
b) Đối với những phương tiện hoạt động phi thương mại sẽ được hướng dẫn bằng một thông tư liên ngành khác.
2. Hình thức hoạt động
a) Phương tiện vận chuyển khách theo tuyến cố định được phép chạy từ bến xe khách trên lãnh thổ Việt Nam tới bến xe khách trên lãnh thổ Campuchia và ngược lại.
b) Phương tiện vận chuyển khách theo hợp đồng (kể cả vận chuyển khách du lịch) và vận chuyển khách bằng taxi được phép chạy từ nơi đi trong lãnh thổ Việt Nam tới nơi đến trong lãnh thổ của Campuchia và ngược lại.
c) Phương tiện vận chuyển hàng được phép vận chuyển hàng từ nơi nhận hàng trong lãnh thổ Việt Nam đến nơi trả hàng trong lãnh thổ của Campuchia và ngược lại.
3. Trách nhiệm của chủ phương tiện
a) Chủ phương tiện hoặc lái xe phải đóng các khoản phí và lệ phí như: phí quá cảnh, phí cầu đường, phí qua phà, phí sử dụng cơ sở hạ tầng và dịch vụ, phí hành chính do cơ quan có thẩm quyền của nước đến quy định.
b) Chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm về hoạt động vận tải quốc tế của mình như chất lượng dịch vụ vận tải, chậm trễ, mất mát và hư hỏng đối với hành lý ký gửi theo quy định của Nghị định thư và pháp luật hiện hành.
c) Khi xin cấp giấy phép vận tải liên vận mới, chủ phương tiện phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền cấp phép về tình hình hoạt động của phương tiện trong thời gian đã được cấp phép theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Phương tiện
a) Có biển số và giấy đăng ký tại Việt Nam hoặc Campuchia.
b) Có biển ký hiệu phân biệt quốc gia (gọi tắt là biển ký hiệu quốc gia)
– Ký hiệu phân biệt quốc gia của Việt Nam là VN. Biển ký hiệu quốc gia theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này, do cơ quan cấp Giấy phép vận tải liên vận phát hành và cấp.
– Ký hiệu phân biệt quốc gia của Campuchia là KH. Biển ký hiệu quốc gia do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia cấp.
– Biển ký hiệu quốc gia được gắn riêng biệt so với biển số đăng ký ở phía sau phương tiện. Cách thức gắn biển theo quy định áp dụng như đối với việc gắn biển đăng ký.
c) Phương tiện khi hoạt động trên lãnh thổ của nước đến phải tuân thủ luật pháp và quy định của nước đến.
d) Phương tiện khi qua lại cửa khẩu biên giới phải thực hiện các quy định về xuất nhập cảnh, hải quan và của cơ quan có thẩm quyền khác.
đ) Mỗi chuyến đi từ Việt Nam sang Campuchia hoặc từ Campuchia sang Việt Nam, phương tiện được phép ở lại nước đến không quá 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh và được gia hạn 01 lần không quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn xuất cảnh. Việc gia hạn do Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi phương tiện đang hoặc phải chờ đợi thực hiện.
e) Phương tiện phải đi đúng cửa khẩu và phạm vi hoạt động trong Giấy phép vận tải liên vận.
g) Giấy tờ còn giá trị của phương tiện hoạt động qua lại biên giới phải xuất trình cho nhà chức trách có thẩm quyền bao gồm:
– Giấy đăng ký phương tiện;
– Tem và Sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
– Giấy phép vận tải liên vận.
h) Giấy tờ sử dụng qua lại biên giới nếu không được in song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Khơ-me hoặc tiếng Việt và tiếng Anh do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì phải có bản dịch sang tiếng Anh có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
i) Phương tiện vận chuyển hàng, phương tiện vận chuyển khách (bao gồm cả khách du lịch) của một Bên ký kết không được phép vừa đón và trả khách (bao gồm cả khách du lịch), nhận và giao hàng tại lãnh thổ của Bên ký kết kia, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia cho phép.
5. Lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách
a) Đối với lái xe qua lại biên giới phải có các giấy tờ hợp lệ còn hiệu lực sau:
– Giấy phép lái xe còn giá trị sử dụng và bản dịch giấy phép lái xe theo Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này, do cơ quan có thẩm quyền cấp.
– Hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền của nước đến cấp (nếu loại hộ chiếu đó yêu cầu phải có thị thực).
b) Đối với nhân viên phục vụ và hành khách phải xuất trình hộ chiếu và thị thực còn giá trị (nếu loại hộ chiếu đó yêu cầu phải có thị thực).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568