Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. Các trường hợp được bồi thường thiệt hại.
Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. Cơ quan nào sẽ có trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong tố tụng hình sự?
1, Các trường hợp được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 26, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ( Luật TNBTCNN ) quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự và Điều 2, Thông tư liên tịch 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự quy định về các trường hợp được bồi thường thiệt hại thì:
1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước .
2. Người bị tạm giữ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được bồi thường thiệt hại khi đã có quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà cơ quan có thẩm quyền đã viện dẫn làm căn cứ để ra quyết định tạm giữ đối với họ.
3. Người bị tạm giam thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được bồi thường thiệt hại khi có quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giam, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội vì một trong những lý do sau đây:
a) Người bị tạm giam không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
b) Người bị tạm giam có thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng hành vi đó không phải là hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự;
c) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
4. Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã bị thi hành án tử hình thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được bồi thường thiệt hại khi có bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của người đó không cấu thành tội phạm.
Như vậy, người bị thiệt hại về vật chất hoặc bị tổn hại về tinh thần nếu thuộc một trong số các trường hợp trên sẽ được hưởng trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra khi tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự.
2, Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 29, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là cơ quan được quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này.
Đó có thể là Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện Kiểm sát hay Tòa án, và được quy định cụ thể đối với từng trường hợp theo quy định tại Điều 4, Thông tư liên tịch 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT:
1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 30 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ; cụ thể là một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã ra quyết định tạm giữ người, nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền đã có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đó vì người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật;
b) Đã ra quyết định khởi tố bị can, nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội;
c) Đã ra quyết định tạm giữ người, nhưng sau đó tự hủy bỏ quyết định tạm giữ đó vì người bị tạm giữ không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
2. Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp theo quy định tại Điều 31 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ;
b) Trường hợp Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc Viện kiểm sát đã ra quyết định khởi tố bị can nhưng người đã bị khởi tố bị can không bị tạm giữ, tạm giam, sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội và họ thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước , thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc Viện kiểm sát đã ra quyết định khởi tố bị can;
c) Trường hợp Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can nhưng người đã bị khởi tố bị can không bị tạm giữ, tạm giam ở giai đoạn điều tra, truy tố; sau khi chuyển hồ sơ cho Tòa án để xét xử thì Tòa án đã quyết định áp dụng biện pháp tạm giam; sau đó Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên bị cáo không phạm tội hoặc Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng sau đó bị can được đình chỉ điều tra vì không thực hiện hành vi phạm tội và người đó thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước , thì Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Tòa án có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp quy định tại Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước .
Trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc có sự ủy thác thực hiện công vụ thì việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 14 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009.
Quyền được bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra khi thi hành công vụ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay, từ đó hạn chế những rủi ro cho người dân từ hoạt động công vụ.