Thông tư 143/2015/TT-BTC về quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại do Bộ Tài chính ban hành. Thông tư 143/2015/TT-BTC được ban hành ngày 11/09/2015 có hiệu lực từ ngày 26/10/2015.
Mục lục bài viết
1. Tóm tắt nội dung Thông tư 143/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính:
- Nội dung chính:
+ Đối tượng áp dụng: Áp dụng cho các cá nhân, tổ chức được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe máy không nhằm mục đích thương mại.
+ Hồ sơ thủ tục: Quy định chi tiết các loại hồ sơ, giấy tờ cần thiết để thực hiện thủ tục hải quan.
+ Thủ tục hải quan: Quy định cụ thể các bước thực hiện thủ tục hải quan, từ khâu khai báo hải quan đến khi nhận xe.
+ Quản lý xe sau khi nhập khẩu: Quy định về việc đăng ký, kiểm định, chuyển nhượng xe sau khi nhập khẩu.
- Điểm mới:
+ Cập nhật quy định: Thông tư này đã thay thế và bổ sung một số quy định cũ, giúp cho việc thực hiện thủ tục trở nên đơn giản hơn.
+ Rõ ràng hóa quy trình: Các quy trình thủ tục được quy định chi tiết, giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng nắm bắt và thực hiện.
+ Tăng cường quản lý: Thông tư đã tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
- Tóm lại: Thông tư 143/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 26/10/2015, là một văn bản pháp luật quan trọng, góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực nhập khẩu, xuất khẩu xe ô tô, xe máy.
2. Thuộc tính văn bản Thông tư 143/2015/TT-BTC:
Số hiệu: | 143/2015/TT-BTC |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính |
Ngày ban hành: | 11/09/2015 |
Ngày công báo: | 05/10/2015 |
Người ký: | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày hiệu lực: | 26/10/2015 |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
3. Thông tư 143/2015/TT-BTC có còn hiệu lực không?
Thông tư 143/2015/TT-BTC được ban hành ngày 11/09/2015 có hiệu lực từ ngày 26/10/2015. Hiện văn bản vẫn đang có hiệu lực thi hành.
4. Các văn bản có liên quan đến Thông tư 143/2015/TT-BTC:
- Thông tư 45/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 143/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
- Văn bản hợp nhất 10/VBHN-BTC năm 2023 hợp nhất Thông tư quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
5. Toàn văn nội dung Thông tư 143/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính:
BỘ TÀI CHÍNH ——– | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 143/2015/TT-BTC | Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2015 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH THỦ TỤC HẢI QUAN VÀ QUẢN LÝ XE Ô TÔ, XE GẮN MÁY CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC PHÉP NHẬP KHẨU, TẠM NHẬP KHẨU KHÔNG NHẰM MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI
Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Căn cứ
Căn cứ
Căn cứ
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
1. Thông tư này quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
2. Xe gắn máy gồm: xe gắn máy hai bánh, ba bánh; xe mô tô hai bánh, ba bánh (sau đây gọi tắt là xe gắn máy).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người Việt Nam định cư tại nước ngoài là trí thức, chuyên gia, công nhân lành nghề về nước làm việc trong thời gian từ một năm trở lên theo lời mời của cơ quan Nhà nước Việt Nam.
2. Chuyên gia nước ngoài tham gia quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA tại Việt Nam đảm bảo điều kiện được tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy quy định tại Quyết định số 119/2009/QĐ-TTg ngày 01/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
4. Các đối tượng khác được nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại theo quy định của pháp luật có liên quan.
5. Cơ quan hải quan, công chức hải quan thực hiện thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
6. Tổ chức, cá nhân Việt Nam nhận chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy tạm nhập khẩu, nhập khẩu miễn thuế của các đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này và xe ô tô nhập khẩu miễn thuế của đối tượng quy định tại khoản 4 (dưới đây gọi tắt là người mua xe).
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Điều kiện xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu
1. Đối với xe ô tô: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với xe ô tô đã qua sử dụng hoặc xe ô tô chưa qua sử dụng.
2. Đối với xe gắn máy
a) Xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu là xe chưa qua sử dụng;
b) Xe gắn máy đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy (QCVN14:2011/BGTVT);
c) Xe gắn máy phải thuộc loại được phép đăng ký, lưu hành tại Việt Nam (trừ trường hợp nhập khẩu, tạm nhập khẩu không đăng ký, lưu hành để làm mẫu, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, triển lãm, nghiên cứu, thử nghiệm).
3. Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 nếu nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng thì trong 01 (một) năm, mỗi tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ được nhập khẩu 01 xe ô tô và 01 xe gắn máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng.
Điều 4. Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu
a) Văn bản đề nghị nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy có xác nhận của cơ quan chủ quản về thân phận của người đề nghị (đối với đối tượng nêu tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Thông tư này) hoặc có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức về các thông tin trong văn bản đề nghị (đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này là cơ quan, tổ chức) hoặc có xác nhận về địa chỉ thường trú của Công an xã, phường, thị trấn (đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này là cá nhân) trong đó ghi rõ nhãn hiệu xe, đời xe (model), năm sản xuất, nước sản xuất, màu sơn, số khung, số máy, dung tích động cơ, tình trạng xe và số km đã chạy được (đối với xe ô tô đã qua sử dụng): 01 bản chính;
b) Hộ chiếu (đối với cá nhân quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Thông tư này); Hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép thành lập văn phòng (đối với tổ chức Việt Nam, nước ngoài quy định tại khoản 3, 4 Điều 2 Thông tư này); Hoặc Sổ hộ khẩu (đối với cá nhân Việt Nam quy định tại khoản 4 Thông tư này): 01 bản chụp;
c) Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp;
d) Giấy tờ khác liên quan đến xe ô tô nhập khẩu, tạm nhập khẩu đối với trường hợp nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng như: giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe ở nước ngoài hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoặc giấy chứng nhận lưu hành xe hoặc giấy hủy đăng ký lưu hành xe: 01 bản dịch tiếng Việt có chứng thực từ bản chính;
đ) Quyết định hoặc thư mời của cơ quan Nhà nước mời (đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này): 01 bản chụp;
e) Văn bản xác nhận chuyên gia nước ngoài của cơ quan chủ quản dự án (đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này): 01 bản chính;
g) Văn bản xác nhận thời hạn công tác, làm việc, làm chuyên gia của cơ quan chủ quản (đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này) được cử đi công tác, làm việc tại nước ngoài: 01 bản chính;
h) Văn bản thông báo hoặc xác nhận hoặc thỏa thuận cho, tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài: 01 bản dịch tiếng Việt có chứng thực từ bản chính (đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này nhận quà cho, tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài).
2. Trình tự thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy
a) Trách nhiệm của đối tượng đề nghị cấp giấy phép tạm nhập khẩu, nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy:
a.1) Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;
a.2) Nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi đối tượng cư trú trong thời gian làm việc tại Việt Nam (đối với đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Thông tư này) hoặc nơi cơ quan đóng trụ sở (đối với đối tượng là tổ chức quy định tại khoản 3, 4 Điều 2 Thông tư này). Trường hợp trên địa bàn tỉnh, thành phố không có tổ chức Cục Hải quan tỉnh, thành phố thì đối tượng đề nghị cấp giấy phép nộp hồ sơ tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố quản lý địa bàn tỉnh, thành phố đó.
b) Trách nhiệm của Cục Hải quan nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy:
b.1) Ngay sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của đối tượng đề nghị cấp giấy phép, thực hiện kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, lập phiếu tiếp nhận và giao cho đối tượng đề nghị cấp giấy phép giữ 01 phiếu. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì trả hồ sơ và hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
b.2) Đối với các hồ sơ đã tiếp nhận, Cục Hải quan tiến hành kiểm tra các chứng từ, đối chiếu với các quy định hiện hành liên quan đến từng đối tượng. Trường hợp hợp lệ, thực hiện cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy theo quy định. Trường hợp không hợp lệ, từ chối cấp thì có văn bản nêu rõ lý do, đồng thời thông báo cho Hải quan cửa khẩu nơi nhập xe để giám sát và xử lý theo quy định;
b.3) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện việc cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy. Giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe có giá trị trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp;
b.4) Mỗi xe ô tô, xe gắn máy cấp 01 bộ giấy phép gồm 03 bản (theo mẫu số GP/2014/NK/TNK OTO/GM-KNMĐTM ban hành kèm theo Thông tư này), 02 bản giao cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe để làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu, 01 bản lưu hồ sơ.
Điều 5. Thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy
1. Hồ sơ nhập khẩu, tạm nhập khẩu
a) Giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy: 02 bản chính;
b) Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp;
c) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
d) Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản chính;
đ) Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy): 01 bản chính;
e) Giấy ủy quyền của đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Thông tư này ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe (nếu có): 01 bản chính.
2. Trình tự thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu
a) Địa điểm làm thủ tục
Thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy thực hiện tại Chi cục Hải quan theo quy định của pháp luật;
b) Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu có trách nhiệm kiểm tra đối chiếu thông tin trên giấy phép với thực tế hàng hóa. Trường hợp hàng hóa thực nhập có sai lệch với nội dung ghi trên giấy phép (trừ trường hợp sai lệch về số lượng xe), Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu có văn bản gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép (kèm các chứng từ liên quan). Căn cứ văn bản của Cục Hải quan nơi cấp giấy phép xem xét để điều chỉnh nội dung giấy phép, thời hạn điều chỉnh nội dung giấy phép không quá 5 ngày kể từ ngày Cục Hải quan tỉnh, thành phố nhận được đầy đủ thông tin, hồ sơ;
c) Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu chỉ thông quan khi có giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe ô tô) và giấy kiểm tra chất lượng xe gắn máy nhập khẩu của cơ quan kiểm tra chất lượng và không cấp tờ khai nguồn gốc đối với xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu;
d) Kết thúc thủ tục thông quan đối với xe ô tô, xe gắn máy, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu trả cho người nhập khẩu, tạm nhập khẩu:
d.1) 01 giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe (có xác nhận kết quả làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu xe);
d.2) 01 tờ khai nhập khẩu, tạm nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan (đối với trường hợp thực hiện khai trên tờ khai hải quan giấy) hoặc 01 tờ khai in từ hệ thống (đối với trường hợp thực hiện thủ tục hải quan điện tử) có xác nhận, đóng dấu đã hoàn thành thủ tục hải quan của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu để làm các thủ tục đăng ký lưu hành xe theo quy định;
d.3) Trường hợp thực hiện khai trên tờ khai hải quan giấy và cơ quan Hải quan chưa tra cứu được tờ khai nhập khẩu trên hệ thống thì trả thêm cho người nhập khẩu, tạm nhập khẩu 01 bản sao tờ khai có xác nhận của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu và đóng dấu “dùng cho tái xuất hoặc chuyển nhượng”;
d.4) 01 bản sao phiếu ghi kết quả kiểm tra theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
đ) Chi cục làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xác nhận và sao gửi tờ khai hàng hóa nhập khẩu, tạm nhập khẩu cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thủ tục thông quan để theo dõi và cập nhật đầy đủ dữ liệu thông tin về tờ khai nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy.
Điều 6. Chính sách thuế đối với xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu
Chính sách thuế đối với xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu thực hiện theo chính sách thuế hiện hành tại thời điểm nhập khẩu, tạm nhập khẩu quy định đối với từng đối tượng.
Điều 7. Hồ sơ, thủ tục tái xuất khẩu xe ô tô, xe gắn máy đã tạm nhập khẩu miễn thuế
1. Thời hạn thực hiện tái xuất xe ô tô, xe gắn máy:
Các đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3 (đối với xe của cá nhân) Điều 2 Thông tư này thực hiện thủ tục tái xuất trong thời hạn ít nhất 30 (ba mươi) ngày trước khi kết thúc thời hạn công tác tại Việt Nam theo xác nhận của cơ quan chủ quản.
2. Hồ sơ tái xuất khẩu xe ô tô, xe gắn máy bao gồm:
a) Văn bản đề nghị tái xuất khẩu: 01 bản chính có xác nhận của cơ quan chủ quản;
b) Tờ khai hàng hóa tạm nhập khẩu xe có “đóng dấu dùng cho tái xuất hoặc chuyển nhượng”: 01 bản chụp có xác nhận của Chi cục Hải quan làm thủ tục tạm nhập (đối với trường hợp tạm nhập khẩu xe thực hiện khai trên tờ khai hải quan giấy và cơ quan Hải quan chưa tra cứu được tờ khai tạm nhập khẩu trên hệ thống);
c) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
d) Giấy thu hồi đăng ký, biển số xe ô tô, xe gắn máy do cơ quan Công an cấp: 01 bản chính.
3. Thủ tục tái xuất khẩu xe ô tô, xe gắn máy
a) Thủ tục tái xuất khẩu được thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu;
b) Căn cứ vào hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này, Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện thủ tục tái xuất khẩu theo quy định;
c) Trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thủ tục tái xuất, Cục Hải quan nơi làm thủ tục tái xuất khẩu xe có văn bản thông báo và sao gửi tờ khai tái xuất xe đã hoàn thành thủ tục hải quan cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép tạm nhập khẩu để thực hiện thanh khoản giấy phép tạm nhập khẩu theo quy định.
Điều 8. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục chuyển nhượng, cho, tặng xe ô tô, xe gắn máy (sau đây gọi tắt là chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy) đã tạm nhập khẩu miễn thuế
1. Thời hạn thực hiện chuyển nhượng xe ôtô, xe gắn máy
a) Các đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3 (đối với xe của cá nhân) Điều 2 Thông tư này thực hiện thủ tục chuyển nhượng trong thời hạn ít nhất 30 (ba mươi) ngày trước khi kết thúc thời hạn công tác tại Việt Nam theo xác nhận của cơ quan chủ quản;
b) Đối tượng quy định tại khoản 3 (đối với xe cơ quan) và khoản 4 Điều 2 Thông tư này thực hiện thủ tục chuyển nhượng trước khi chuyển giao xe cho đối tượng nhận chuyển nhượng.
2. Hồ sơ đề nghị chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy gồm:
a) Văn bản đề nghị chuyển nhượng xe (ghi cụ thể thông tin về xe, thông tin về tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng): 01 bản chính có xác nhận của cơ quan chủ quản về thân phận của người đề nghị;
b) Giấy thu hồi đăng ký, biển số xe ô tô, xe gắn máy do cơ quan Công an cấp: 01 bản chính;
c) Văn bản xác nhận kết thúc thời hạn công tác Việt Nam của cơ quan chủ quản (đối với đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Thông tư này): 01 bản chụp;
d) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe có “đóng dấu dùng cho tái xuất hoặc chuyển nhượng”: 01 bản chụp có xác nhận của Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu (đối với trường hợp nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe thực hiện khai trên tờ khai hải quan giấy và cơ quan Hải quan chưa tra cứu được tờ khai nhập khẩu trên hệ thống);
đ) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
e) Giấy tờ mua bán xe giữa chủ xe và người nhận chuyển nhượng xe.
3. Địa điểm làm thủ tục chuyển nhượng: Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép tạm nhập khẩu xe ôtô, xe gắn máy.
4. Thủ tục chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy:
a) Trách nhiệm của đối tượng nêu tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Thông tư này:
a.1) Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này.
a.2) Nộp hồ sơ chuyển nhượng quy định tại khoản 2 Điều này cho Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu;
b) Trách nhiệm của Chi cục Hải quan làm thủ tục chuyển nhượng xe:
b.1) Kiểm tra sự đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn đối tượng chuyển nhượng xe để hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
b.2) Căn cứ chứng từ quy định tại điểm d, đ và e khoản 2 Điều này và đối chiếu với thực tế xe để thực hiện thủ tục chuyển nhượng (bao gồm việc tính thuế, thu thuế theo quy định tại khoản 5 Điều này, trừ trường hợp đối tượng nhận chuyển nhượng là đối tượng được ưu đãi về chính sách thuế theo quy định của pháp luật).
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng xe, Chi cục Hải quan hoàn tất thủ tục chuyển nhượng xe theo quy định;
b.3) Trả 01 tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu; 01 bản sao phiếu ghi kết quả kiểm tra theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC và biên lai thu thuế cho đối tượng làm thủ tục chuyển nhượng để làm các thủ tục đăng ký lưu hành; hoặc thu bản sao giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt hoặc séc qua kho bạc nhà nước (có xác nhận của kho bạc nhà nước đã nhận tiền) hoặc giấy ủy nhiệm chi qua ngân hàng từ đối tượng làm thủ tục chuyển nhượng;
b.4) Thực hiện thanh khoản giấy phép tạm nhập khẩu xe theo quy định.
5. Chính sách thuế đối với xe ô tô, xe gắn máy chuyển nhượng:
Căn cứ để tính thuế đối với xe ô tô, xe gắn máy khi chuyển nhượng là trị giá tính thuế, thuế suất và tỷ giá tại thời điểm đăng ký tờ khai mới. Trong đó:
a) Trị giá tính thuế thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
b) Thuế suất để tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng áp dụng theo mức thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai mới.
Điều 9. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục tiêu hủy xe ô tô của đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này.
1. Điều kiện tiêu hủy xe ô tô
Đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này: Xe bị tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai hoặc do nguyên nhân khách quan về kỹ thuật không thể tiếp tục sử dụng được.
2. Thủ tục tiêu hủy xe thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Trước khi thực hiện thủ tục tiêu hủy xe, đối tượng quy định tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này có văn bản gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép tạm nhập khẩu xe ô tô, văn bản phải ghi rõ tên, địa chỉ, người tạm nhập xe, số, ngày tháng, năm giấy tạm nhập khẩu và tờ khai tạm nhập khẩu xe.
4. Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép tạm nhập khẩu xe căn cứ Biên bản tiêu hủy (bản chính) theo của quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường đối chiếu với các thông tin liên quan đến xe (giấy phép tạm nhập khẩu, tờ khai tạm nhập và điều kiện tiêu hủy) để thực hiện xác nhận “xe đã tiêu hủy” và thực hiện thanh khoản giấy phép tạm nhập khẩu xe theo quy định.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Hải quan thực hiện kiểm soát, quản lý các thông tin liên quan đối với việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
2. Trách nhiệm của Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy:
a) Truyền gửi dữ liệu thông tin về giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy, thông tin về thanh khoản giấy phép tạm nhập khẩu xe về Tổng cục Hải quan;
b) Định kỳ hàng tháng, tổng hợp số lượng xe ô tô, xe gắn máy quá thời hạn tái xuất, chuyển nhượng quy định tại khoản 1, Điều 7, khoản 1 Điều 8 Thông tư này gửi về Tổng cục Hải quan;
c) Chỉ đạo Chi cục Hải quan trực thuộc làm thủ chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy theo quy định tại Thông tư này;
d) Thực hiện thanh khoản giấy phép tạm nhập khẩu xe ôtô, xe gắn máy.
3. Trách nhiệm của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi thực hiện làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu, tái xuất xe ô tô, xe gắn máy
a) Chỉ đạo các Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu, tái xuất xe ô tô, xe gắn máy theo quy định tại Thông tư này;
b) Phối hợp với Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện cấp giấy phép nhập khẩu tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy trong việc làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu và tái xuất xe ô tô, xe gắn máy;
c) Truyền gửi dữ liệu thông tin về việc làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy về Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu và Tổng cục Hải quan;
d) Truyền gửi dữ liệu thông tin về việc làm thủ tục tạm nhập khẩu, tái xuất xe ô tô, xe gắn máy về Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép nhập khẩu.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2015.
2. Thông tư này bãi bỏ:
a) Thông tư số 02/2001/TT-TCHQ ngày 29/5/2001 của Tổng cục Hải quan quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo chế độ phi mậu dịch;
b) Thông tư số 16/2008/TT-BTC ngày 13/02/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe gắn máy hai bánh không nhằm mục đích thương mại;
c) Thông tư số 215/2010/TT-BTC ngày 29/12/2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại điểm 1, mục II Thông tư số 16/2008/TT-BTC ngày 13/02/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe gắn máy hai bánh không nhằm mục đích thương mại.
3. Quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế kể từ ngày văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế có hiệu lực thi hành./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
(Phần phụ lục và các biểu mẫu được đính kèm ở file dưới đây)