Trợ cấp cho thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Quy định của pháp luật về việc trợ cấp cho đối tượng có công với cách mạng
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư, tôi có một câu hỏi mong Luật sư tư vấn. Ba của tôi tham gia chiến trường Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 1979. Trong thời gian đó, ba của tôi bị bệnh sốt rét cấp tính. Căn bệnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh của ba tôi, khiến ba tôi không làm chủ hành vi của mình. Vậy cho tôi hỏi, ba tôi có được hưởng trợ cấp thương binh xã hội nào không? chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo nội dung câu hỏi mà bạn trình bày thì chúng tôi được biết: ba của bạn tham gia chiến trường Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 1979 và trong khoảng thời gian đó mắc bệnh sốt rét cấp tính, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh dẫn tới việc ba bạn không làm chủ được hành vi của mình. Tuy nhiên, chúng tôi không rõ ba bạn trong thời gian đó tại Quảng Trị là tham chiến, làm công tác hay đảm nhiệm vai trò gì? Trong và sau khi kết thúc khoảng thời gian đó có được tặng thưởng Huân, Huy chương, cấp giấy Chứng nhận gì hay không? Và ba bạn liệu có thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2012 hay không?… Vì vậy, chúng tôi giả định một số trường hợp sau:
Trường hợp 1: Ba của bạn là bệnh binh.
Điều 23 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2012 quy định:
– Bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên khi xuất ngũ về gia đình được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp "Giấy chứng nhận bệnh binh" thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; Hoạt động liên tục ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ mười lăm tháng trở lên; Hoạt động ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chưa đủ mười lăm tháng nhưng đã có đủ mười năm trở lên công tác trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; Đã công tác trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đủ mười lăm năm nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí; Làm nghĩa vụ quốc tế; Thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; Khi đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao.
– Bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% đã được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1994.
– Bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh khi thực hiện nhiệm vụ thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và đ khoản 1 Điều này đã xuất ngũ về gia đình, nay bị rối loạn tâm thần có liên quan đến bệnh cũ làm suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.
Nếu ba của bạn là bệnh binh, ba của bạn sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi đối với bệnh binh theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh trên, cụ thể:
“Điều 24:
Các chế độ ưu đãi đối với bệnh binh bao gồm:
1. Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động;
2. Bảo hiểm y tế; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào tình trạng bệnh tật của từng người và khả năng của Nhà nước;
3. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm;
4. Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 4 của Pháp lệnh này.”
Trường hợp 2: Ba của bạn là người có công giúp đỡ cách mạng
Điều 32 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 quy định:
Người có công giúp đỡ cách mạng là người đã có thành tích giúp đỡ cách mạng trong lúc khó khăn, nguy hiểm, bao gồm: Người được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước"; Người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước" trước cách mạng tháng Tám năm 1945; Người được tặng Huân chương kháng chiến hoặc Huy chương kháng chiến; Người trong gia đình được tặng Huân chương kháng chiến hoặc Huy chương kháng chiến.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Nếu ba của bạn là người có công giúp đỡ cách mạng thì ba của bạn được hưởng các chế độ ưu đãi đối với người có công giúp đỡ cách mạng được quy định tại Điều 33 Pháp lệnh trên, cụ thể:
“Điều 33.
1. Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước" và người có công giúp đỡ cách mạng trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước" được hưởng trợ cấp hàng tháng và các chế độ ưu đãi khác như đối với thân nhân liệt sĩ quy định tại Pháp lệnh này.
2. Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huân chương kháng chiến và người có công giúp đỡ cách mạng trong gia đình được tặng Huân chương kháng chiến được hưởng trợ cấp hàng tháng; Nhà nước mua bảo hiểm y tế; khi chết thì người tổ chức mai táng được hưởng một khoản trợ cấp và mai táng phí.
3. Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huy chương kháng chiến và người có công giúp đỡ cách mạng trong gia đình được tặng Huy chương kháng chiến được hưởng trợ cấp một lần; Nhà nước mua bảo hiểm y tế; khi chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí.
4. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công giúp đỡ cách mạng trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công", Bằng "Có công với nước", Huân chương kháng chiến hoặc Huy chương kháng chiến.
5. Người đã được công nhận và hưởng các chế độ ưu đãi quy định tại Điều 9, Điều 10 hoặc Điều 30 thì không thuộc đối tượng áp dụng của Điều này.”
Trường hợp 3: Ba của bạn không thuộc các trường hợp trên hay không có căn cứ chứng minh ba của bạn thuộc các trường hợp trên.
Nếu ba của bạn không thuộc các trường hợp trên thì sẽ không được hưởng chế độ ưu đãi theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2012; Trong trường hợp ba của bạn không có gì để chứng minh mình thuộc các trường hợp trên chẳng hạn như: giấy Chứng nhận, Huân Huy chương… thì phải được sự xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương hay tại Quảng Trị, nơi đơn vị ba bạn đã từng tham chiến, công tác…
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.