Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế Pacta sunt servanda theo Luật Quốc tế. Ngoại lệ của nguyên tắc Pacta sunt servanda.
Nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế. Văn bản pháp lý quốc tế quan trọng nhất ghi nhận những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là Hiến chương Liên hợp quốc. Các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc mang tính bắt buộc chung đối với tất cả các quốc gia và các chủ thể khác của Luật quốc tế, thậm chí đối với cả quốc gia không cùng là thành viên của Liên hợp quốc. Một trong số những nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế. Vậy nội dung nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế này được quy định như thế nào trong Hiến chương? Bài viết dưới đây của Luật Dương gia sẽ giúp cho bạn đọc có thêm những kiến thức pháp lý về vấn đề này.
Mục lục bài viết
- 1 Thứ nhất, quy định về luật quốc tế và chủ thể trong luật quốc tế
- 2 Thứ hai, nguồn gốc hình thành nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế
- 3 Thứ hai, cơ sở pháp lý của nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế
- 4 Thứ ba, nội dung của nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế
Thứ nhất, quy định về luật quốc tế và chủ thể trong luật quốc tế
Luật quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm điều chỉnh quan hệ phát sinh giữa các quốc gia ở những cấp độ và khuôn khổ hợp tác khác nhau. Về phương diện khoa học và pháp lý, việc xác định một thực thể là chủ thể của Luật quốc tế thường phải được dựa trên các dấu hiệu cơ bản sau:
- Có sự tham gia vào những quan hệ quốc tế do Luật quốc tế điều chỉnh tức là tham gia vào quan hệ pháp luật quốc tế
- Có ý chí độc lập, không lệ thuộc vào các chủ thể khác trong sinh hoạt quốc tế
- Có đầy đủ quyền và nghĩa vụ riêng biệt đối với các chủ thể khác thuộc phạm vi điều chỉnh của luật quốc tế
- Có khả năng độc lập, gánh vác trách nhiệm pháp lý quốc tế do những hành vi mà chủ thể đã thực hiện gây ra
Khoa học luật quốc tế xác định quốc gia là chủ quyền truyền thống và phổ biến của luật quốc tế. Trong quan hệ pháp luật quốc tế hiện đại, ngoài quốc gia là chủ thể chủ yếu của luật quốc tế, các tổ chức quốc tế liên quốc gia cũng được thừa nhận là chủ thể phái sinh của luật quốc tế. Đây là những thực thể được hình thành bởi sự liên kết của các quốc gia độc lập, có chủ quyền, vì mục đích hợp tác quốc tế đa dạng, đa lĩnh vực và hướng đến lợi ích phát triển của từng quốc gia cũng như của cộng đồng quốc tế.
Thứ hai, nguồn gốc hình thành nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế
Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế xuất hiện rất sớm từ thời La mã cổ đại và tồn tại hàng ngàn năm dưới dạng tập quán pháp lý quốc tế (Pacta sunt servanda) trước khi được ghi nhận trong các điều ước quốc tế song phương và đa phương ngày nay. Nguyên tắc này được ghi nhận chính thức tại khoản 2 Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc 1945; Công ước Viên năm 1969 và Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế năm 1970.
Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế được hiểu là khi các bên chủ thể trong quan hệ quốc tế tham gia vào ký kết các Điều ước quốc tế (ĐƯQT) thì phải trên cơ sở của sự thỏa thuận và tự nguyện bình đẳng. Đồng thời, khi đã tham gia vào ĐƯQT đó các quốc gia phải có nghĩa vụ tuân thủ nội dung mà mình đã cam kết.
Thứ hai, cơ sở pháp lý của nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế
Trong lời mở đầu của Hiến chương Liên hợp quốc đã khẳng định sự quyết tâm của các nước thành viên “tạo điều kiện để bảo đảm công lý và sự tôn trọng các nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế và các nguồn khác của Luật quốc tế” Theo khoản 2 Điều 2 Hiến chương thì “tất cả các thành viên Liên hợp quốc thiện chí thực hiện các nghĩa vụ do Hiến chương đặt ra”
Công ước viên 1969 về Luật điều ước quốc tế đã khẳng định tính phổ cập của nguyên tắc thiện chí thực hiện cam kết quốc tế. theo Công ước này thì “mỗi điều ước quốc tế hiện hành đều ràng buộc các bên tham gia và đều được các bên thực hiện một cách thiện chí”
Tuyên bố về các nguyên tắc của Luật quốc tế năm 1970 đã mở rộng hơn nữa phạm vi áp dụng của nguyên tắc này. theo đó, mỗi quốc gia phải thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế do Hiến chương đặt ra, các nghĩa vụ phát sinh từ các quy phạm và nguyên tắc được công nhận rộng rãi của Luật quốc tế. Khi nghĩa vụ theo điều ước quốc tế trái với nghĩa vụ của thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương thì nghĩa vụ theo Hiến chương có giá trị ưu tiên.
Nguyên tắc thiện chí thực hiện cam kết quốc tế chỉ áp dụng đối với các điều ước quốc tế có hiệu lực, tức là đối với những điều ước được ký kết một cách tự nguyện trên cơ sở bình đẳng. Bất kỳ một điều ước bất bình đẳng nào cũng xâm phạm chủ quyền quốc gia và Hiến chương Liên hợp quốc , bởi vì Liên hợp quốc được thành lập trên cơ sở bình đẳng về chủ quyền của tất cả các thành viên. Tất cả các nước này đã cam kết gánh vác nghĩa vụ ” phát triển quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và dân tộc tự quyết”
Thứ ba, nội dung của nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế
Theo các văn kiện pháp lý quốc tế nêu trên, nguyên tắc này bao gồm các nội dung chính sau:
– Mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện tự nguyện, có thiện chí, trung thực và đầy đủ các nghĩa vụ Điều ước quốc tế của mình. Điều này xuất phát từ việc các quốc gia tiến hành thực hiện các cam kết do chính mình đưa ra (cam kết đơn phương).
(Ví dụ: Việt Nam đưa ra tuyên bố không bán phá giá mặt hàng da giày, thì cam kết này chỉ phát sinh nghĩa vụ với chính quốc gia Việt Nam); cam kết song phương giữa hai quốc gia, hai chủ thể của luật quốc tế; hoặc cam kết đa phương được tiến hành bởi nhiều chủ thể Luật quốc tế (như Hiến chương Liên hợp quốc 1945 làm phát sinh nghĩa vụ đối với các quốc gia thành viên…).
– Mọi quốc gia phải tuyệt đối tuân thủ việc thực hiện nghĩa vụ điều ước quốc tế, tuân thủ một cách triệt để, không do dự. Điều này có nghĩa là điều ước quốc tế phải được thực hiện triệt để, không phụ thuộc vào các sự kiện trong và ngoài nước. Các sự kiện khách quan xảy ra như: thay đổi chính phủ, sự thay đổi hình thức quản lý hay chế độ xã hội, biểu tình, thiên tai, sự thay đổi lãnh thổ, sự thay đổi hoàn cảnh quốc tế không thể là lý do để quốc gia không thực hiện điều ước quốc tế.
Ví dụ: Việt Nam và Trung Quốc có kí kết một điều ước về việc xác lập ranh giới lãnh hải giữa hai quốc gia. Giả sử Trung Quốc có sự thay đổi chế độ từ xã hội chủ nghĩa sang tư bản chủ nghĩa cũng không làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thực hiện điều ước đã ký giữa hai quốc gia.
Luật sư
– Các quốc gia thành viên Điều ước quốc tế không được viện dẫn các quy định của pháp luật trong nước để coi đó là nguyên nhân và từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình. Yêu cầu này được coi là một bộ phận không tách rời của nguyên tắc Pacta sunt servanda và được quy định trong Điều 27 Công ước viên năm 1969.
Ví dụ: Việt Nam và Thái Lan ký kết điều ước về dẫn độ người nước mình phạm tội trên lãnh thổ nước bạn. Như vậy, việc Việt Nam không đồng ý trả người cho Thái Lan vì lí do tội của người này được quy định trong Luật hình sự Việt nam, phải do Nhà nước Việt Nam xử lý là trái với Điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết.
– Các quốc gia không có quyền ký kết Điều ước quốc tế mâu thuẫn với nghĩa vụ của mình được quy định trong điều ước quốc tế hiện hành mà quốc gia ký kết hoặc tham gia ký kết trước đó với các quốc gia khác.
Ví dụ: khi Việt Nam tham gia ký kết điều ước quốc tế ở ASEAN thì không được trái với Hiến chương Liên hợp quốc mà Việt Nam đã ký kết trước đó.
– Không cho phép các quốc gia đơn phương ngừng thực hiện và xem xét lại Điều ước quốc tế. Hành vi này chỉ được thực hiện với phương thức đình chỉ và xem xét hợp pháp theo sự thỏa thuận của các bên là thành viên điều ước.
Ví dụ: Khi Việt Nam tham gia vào ký kết Điều ước quốc tế với WTO. Trong quá trình hoạt động, nếu thấy một điều khoản nào đó không hợp lý thì Việt Nam không được đơn phương ngừng thực hiện và xem xét lại Điều ước quốc tế đó. Việt Nam chỉ được đình chỉ và xem xét dưới sự đồng ý của các thành viên khác.
– Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao hay quan hệ lãnh sự giữa các nước thành viên của ĐƯQT không làm ảnh hưởng đến các quan hệ pháp lý phát sinh giữa các quốc gia này, trừ trường hợp các quan hệ ngoại giao hoặc lãnh sự này là cần thiết cho việc thực hiện điều ước (Điều 63 Công ước Viên 1969).
Ví dụ: Nga cắt đứt quan hệ lãnh sự với Mỹ vì cho rằng các thành viên lãnh sự Mỹ hoạt động gián điệp trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến quan hệ pháp lý phát sinh giữa Nga và Mỹ trong việc thực hiện Điều ước quốc tế được quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc.
Như vậy, chính thỏa thuận là cơ sở làm phát sinh nghĩa vụ điều ước và thực hiện nghĩa vụ cam kết chính là tôn trọng những thỏa thuận đã đạt được giữa các bên. Nguyên tắc Pacta sunt servanda chỉ được áp dụng đối với các Điều ước quốc tế có hiệu lực, tức là đối với những điều ước được ký kết một cách tự nguyện trên cơ sở bình đẳng. Bất kì một điều ước nào bất bình đẳng cũng đều xâm phạm chủ quyền quốc gia và Hiến chương Liên hợp quốc
Như vậy, để thực hiện được chức năng quan trọng của nguyên tắc cơ bản Luật quốc tế là ổn định quan hệ quốc tế và ấn định khuôn khổ xử sự cho các chủ thể trong quan hệ quốc tế, các chủ thể khi tham gia cần phải tuân thủ nghiêm ngặt cũng như tôn trọng đảm, bảo thực hiện tốt nguyên tắc thiện chí thực hiện cam kết quốc tế.
Trên đây là bài viết của Luật Dương gia về nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế nói chung cũng như nguyên tắc thiện chí thực hiện cam kết quốc tế nói riêng. Hi vọng bài viết của Luật Dương gia sẽ giúp cho bạn đọc có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích về vấn đề này.