Nghị quyết 02/1990/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn các Toà án nhân dân thi hành pháp lệnh thừa kế.
NGHỊ QUYẾT
CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 02/HĐTP NGÀY 19 THÁNG 10 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH THỪA KẾ
Pháp lệnh Thừa kế được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 30-8-1990. Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn các Toà án nhân dân các cấp áp dụng một số quy định của Pháp lệnh này như sau:
1. VỀ DI SẢN
Điều 4 của Pháp lệnh quy định: "Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác, quyền về tài sản do người chết để lại.
Tài sản gồm có tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, các thu nhập hợp pháp khác".
Khi xác định di sản, cần chú ý là:
a) Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương đổi mới về kinh tế, do đó, phạm vi những tài sản thuộc quyền sở hữu của công dân đã được mở rộng hơn trước. Vì vậy di sản không chỉ là những đồ dùng hàng ngày, nhà ở, tư liệu sinh hoạt khác; của cải để dành; những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ… như trước đây, mà còn bao gồm cả những máy móc, nhà xưởng, kho tàng, nguyên vật liệu…; vốn bằng tiền, vằng, ngoại tệ, với số lượng không hạn chế; cổ phiếu v. v… Do đó, tất cả mọi tài sản thuộc quyền sở hữu của một người sẽ trở thành di sản khi người đó chết.
Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, quyền sử dụng đất được giao không phải là quyền sở hữu về tài sản của công dân nên không thể trở thành di sản khi công dân chết. Các tranh chấp về di sản có liên quan đến quyền sử dụng đất được giải quyết theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
b) Di sản còn là những quyền về tài sản phát sinh do quan hệ hợp đồng như quyền nhận tài sản mà người chết lúc còn sống đã cho vay, gửi giữ, gửi chữa, mua…; quyền nhận tiền công lao động, tiền nhuận bút, tiền bán hoặc cho sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tiền gửi tiết kiệm…; quyền của người chết được bồi thường thiệt hại về tài sản (như tiền bồi thường tư trang, hành lý của hành khách bị tai nạn giao thông; các khoản bồi thường khác của người chết khi còn sống…).
c) Những quyền về tài sản gắn liền với người chết như quyền được hưởng trợ cấp thương tật, tiền tuất, tiền cấp dưỡng… thì không phải là di sản.
d) Trong trường hợp người con dâu tham gia lao động chung trong gia đình bố, mẹ chồng, góp phần xây dựng, duy trì khối tài sản ở gia đình bố, mẹ chồng, thì khi xác định di sản của bố, mẹ chồng, Toà án phải coi khối tài sản ở gia đình bố, mẹ chồng là tài sản thuộc sở hữu chung và người con dâu là một đồng sở hữu chủ. Người con dâu có quyền được hưởng phần tài sản của mình trong khối tài sản chung hiện có với danh nghĩa là một đồng sở hữu chủ chứ không phải với danh nghĩa thừa kế của bố, mẹ chồng. Người con rể trong trường hợp tương tự cũng được giải quyết như người con dâu.
Ngoài ra, trong trường hợp chồng chết trước bố, mẹ chồng mà người con dâu vẫn ở lại trong gia đình bố, mẹ chồng và có công chăm sóc, nuôi dưỡng bố, mẹ chồng, nếu người con dâu có yêu cầu, thì Toà án trích một phần tài sản của bố, mẹ chồng để thanh toán về công sức và tài sản mà người con dâu đã dùng để chăm sóc, nuôi dưỡng bố, mẹ chồng. Người con rể trong trường hợp tương tự cũng được giải quyết như người con dâu.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568