Quy định của pháp luật về tái thẩm hình sự. Thủ tục tái thẩm vụ án hình sự được quy định chi tiết trong phần tái thẩm - BLTHS năm 2003.
Theo định nghĩa chính thống tại Bộ luật tố tụng dân sự và Bộ luật tố tụng hình sự thì có thể hiểu như sau:
Điều 290 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.”
Điều 304 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:
“Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án, các đương sự không biết được khi Toà án ra bản án, quyết định đó.”
Như vậy, có thể thấy rằng điểm quan trọng nhất để được áp dụng các quy định về tái thẩm là: “phát hiện những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án đã tuyên trước đó”. Đây là điểm mấu chốt để có thể phân biệt với thủ tục giám đốc thẩm, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thủ tục tái thẩm tại chương XXXI, còn Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thủ tục tái thẩm tại chương XXIX.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
1. Đối với thủ tục tái thẩm trong tố tụng dân sự:
a. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
“Điều 305. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
1. Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
2. Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;
3. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;”
Dưới góc độ khoa học thì “tình tiết mới” để làm căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm thỏa mãn các điều kiện sau:
Thứ nhất, tình tiết mới được phát hiện phải là những tình tiết biết được sau khi đã có quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu những tình tiết này đã được biết trong quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án đến trước khi Toà án ra quyết định hoặc bản án đã có hiệu lực pháp luật không được coi là các tình tiết mới; hoặc những tình tiết đã không được Toà án áp dụng dẫn đến việc ra quyết định hoặc bản án không đúng pháp luật thì đây không phải là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Thứ hai, những tình tiết mới được phát hiện phải là những tình tiết quan trọng có giá trị làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó. Thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án là sự thay đổi hoàn toàn hoặc thay đổi lớn về nội dung của bản án hoặc quyết định đó. Nếu những tình tiết mới chỉ có giá trị làm thay đổi một nội dung nào đó không cơ bản của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì chúng không phải là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
b. Người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
“Điều 307. Người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện.
3. Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm.”
c. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
“Điều 308. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 305 của Bộ luật này.”
d. Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm
“Điều 309. Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm
Hội đồng tái thẩm có các quyền sau đây:
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
2. Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định;
3. Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.”
2. Đối với thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự:
a. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
“Điều 291. Những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;
2. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;
3. Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;
4. Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.”
Khi phát hiện một hay nhiều các tình tiết nêu trên, những người có thẩm quyền sẽ ra kháng nghị và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật sẽ được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm. Để xem xét bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm được đúng đắn, cần thiết phải điều tra, xác minh và thẩm định các tình tiết mới được phát hiện nên pháp luật tố tụng hình sự qui định chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp mới có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự tái thẩm
b. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
“Điều 293. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực.
4. Bản kháng nghị của những người quy định tại Điều này phải được gửi cho người bị kết án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị.”
c. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
“Điều 295. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án phải tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 23 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá một năm, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.
2. Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
c. Thẩm quyền tái thẩm
"Điều 296. Thẩm quyền tái thẩm
1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu tái thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực.
2. Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tòa án quân sự trung ương tái thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu.
3. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tái thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự trung ương, Toà hình sự, các Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao.”
d. Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm
“Điều 298. Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm
Hội đồng tái thẩm có quyền ra quyết định:
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
2. Hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra lại hoặc
xét xử lại;
3. Huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và đình chỉ vụ án.”
e. Hiệu lực của quyết định tái thẩm và việc giao quyết định tái thẩm
“Điều 299. Hiệu lực của quyết định tái thẩm và việc giao quyết định tái thẩm
1. Quyết định của Hội đồng tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.
2. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng tái thẩm phải gửi quyết định tái thẩm cho người bị kết án, người kháng nghị, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an nơi đã xử sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.”
f. Điều tra lại hoặc xét xử lại vụ án
“Điều 300. Điều tra lại hoặc xét xử lại vụ án
1. Nếu Hội đồng tái thẩm quyết định hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để điều tra lại theo thủ tục chung.
2. Nếu Hội đồng tái thẩm quyết định hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại vụ án thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Tòa án có thẩm quyền để xét xử lại theo thủ tục chung.”