Theo quy định của pháp luật thì vợ chồng có bắt buộc phải tư vấn pháp luật trước khi làm hồ sơ mang thai hộ?
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi tôi đang tiến hành thủ tục mang thai hộ, tuy nhiên khi tiến hành làm hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ thì cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải có văn bản chứng minh việc vợ chồng tôi đã đi tư vấn ở luật sư và nội dung là khuyên vợ chồng mang thai hộ. Trước đây vợ chồng tôi đều tự tìm hiểu pháp luật, tôi muốn hỏi rằng có nhất thiết phải có văn bản này hay không? Mong luật sư tư vấn giúp tôi!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Khoản 1, Điều 14 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
“Cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, gồm:
a) Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
d) Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
đ) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
e) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này và đã từng sinh con;
g) Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
h) Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
i) Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
k) Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
l) Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
m) Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.”
Theo quy định tại Điểm l Khoản 1 Điều 14 Nghị định 10/2015/NĐ-CP nêu trên, khi tiến hành làm hồ sơ thủ tục mang thai hộ thì phải có bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý. Đây là một trong những giấy tờ bắt buộc ở trong hồ sơ.
Như vậy ta cũng có thể hiểu rằng không nhất thiết bạn phải đi tư vấn pháp luật trước khi tiến hành thủ tục mang thai hộ mà bạn có thể trình bày rõ nguyện vọng và trường hợp của vợ chồng mình cho luật sư, luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý, sau đó người đó có thể đưa ra nội dung tư vấn pháp lý bằng văn bản cho bạn, văn bản xác nhận nội dung này bạn sẽ tiến hành đưa vào hồ sơ đề nghị mang thai hộ của vợ chồng mình.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.