Nghị định 27/2014/NĐ-CP ra đời đã quy định riêng và chi tiết hơn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động là người giúp việc gia đình.
“Bộ luật lao động 2019” đã đưa ra những quy định về vấn đề thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động. Trên cơ sở đó, Nghị định 27/2014/NĐ-CP ra đời đã quy định riêng và chi tiết hơn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động là người giúp việc gia đình.
Điều 21 Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động như sau:
“1. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi do hai bên thỏa thuận nhưng người lao động phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong 24 giờ liên tục.
2. Thời giờ làm việc đối với lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 163 của Bộ luật Lao động”.
Khoản 2 Điều 163 của Bộ luật Lao động quy định: “Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.
Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm”.
Việc nghỉ hàng tuần, nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết được quy định tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định 27/2014/NĐ-CP. Cụ thể:
– Về nghỉ hàng tuần: Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp không thể bố trí được thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày. Thời điểm nghỉ do hai bên thỏa thuận.
– Về nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết:
+ Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương. Thời điểm nghỉ do hai bên thỏa thuận. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
+ Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ lễ, tết theo quy định tại Điều 115 của Bộ luật Lao động. Theo đó, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
Nếu những ngày nghỉ theo quy định pháp luật trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Khi nghỉ hằng năm, người lao động được ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương cho những ngày nghỉ.