Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án có thể được Toà án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng
Vai trò của người làm chứng rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án dân sự.
Điều 77
“Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng”
Điều 78 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của người làm chứng như sau:
“1. Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.
2. Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.
3. Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.
4. Được nghỉ việc trong thời gian Tòa án triệu tập hoặc lấy lời khai, nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức.
5. Được thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật.
6. Yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng.
Luật sư
7. Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác.
8. Phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
9. Phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.“
1. Người làm chứng có được vắng mặt tại phiên tòa không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Tôi có thắc mắc muốn nhờ luật sư giải đáp giúp tôi, trong một phiên tòa, tôi tham gia với tư cách là người làm chứng, khi có giấy triệu tập của tòa án thì tôi không muốn tham gia nữa. Nếu tôi không tham gia phiên tòa nữa thì có làm sao không? Mong luật sư sớm trả lời giúp tôi. Tôi cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ khoản 8 Điều 78 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người làm chứng có nghĩa vụ phải có mặt nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai, trường hợp người làm chứng vắng mặt không có lý do chính đáng và việc vắng mặt đó cản trở việc giải quyết vụ án thì Tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến Tòa án trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi).
Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu như bạn vắng mặt vì lý do chính đáng thì tòa án có thể xem xét để hoãn phiên tòa. Nhưng nếu bạn vắng mặt không có lý do chính đáng mà việc vắng mặt này làm cản trở giải quyết vụ án thì bạn có thể bị Tòa án ra quyết định dẫn giải.
2. Quyền, nghĩa vụ của người làm chứng trong tố tụng dân sự
Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng được quy định cụ thể tại Điều 78 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 nêu trên và Điều 20
“Điều 20. Về quy định tại các khoản 3, 8 và 9 Điều 66 của BLTTDS
1. Về khoản 3 Điều 66 của BLTTDS
a) Liên quan đến bí mật nhà nước là liên quan đến những vấn đề (thông tin, tin tức, nội dung,…) trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được pháp luật quy định là có các mức độ: “Tuyệt mật”, “Tối mật” hoặc “Mật”.
b) Liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư là liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư được pháp luật bảo vệ của chính người làm chứng.
c) Có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự trong vụ án là người có quan hệ thân thích với người làm chứng.
c1) Việc xác định người thân thích của người làm chứng được thực hiện tương tự như hướng dẫn tại khoản 2 Điều 13 của Nghị quyết này;
c2) Ảnh hưởng xấu cho đương sự là trường hợp nếu người làm chứng khai ra những điều mình biết thì ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc ảnh hưởng xấu khác trong cuộc sống, công tác, sản xuất, kinh doanh của đương sự là người có quan hệ thân thích với người làm chứng;
d) Nếu người làm chứng từ chối khai báo vì các lý do được hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này, thì Thẩm phán phải giải thích cho họ biết nếu việc từ chối khai báo không có căn cứ, thì họ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
2. Về khoản 8 Điều 66 của BLTTDS
a) Hội đồng xét xử chỉ có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên toà khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a1) Người làm chứng đã được triệu tập hợp lệ;
a2) Người làm chứng không đến phiên toà mà không có lý do chính đáng;
a3) Việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên toà gây trở ngại cho việc xét xử vụ án;
a4) Việc dẫn giải người làm chứng đến phiên toà có thể thực hiện được trước khi Hội đồng xét xử vào Phòng nghị án để nghị án.
b) Quyết định dẫn giải người làm chứng phải được giao ngay cho lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân có thẩm quyền để thực hiện theo quy định tại Thông tư số 15/2003/TT-BCA (V19) ngày 10-9-2003 của Bộ Công an hướng dẫn hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân.
3. Về khoản 9 Điều 66 của BLTTDS
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên toà xét xử vụ án, Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử yêu cầu người làm chứng phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ, trừ người làm chứng là người chưa thành niên. Lời cam đoan của người làm chứng phải có các nội dung sau:
a) Cam đoan đã được Tòa án giải thích rõ về quyền, nghĩa vụ của người làm chứng;
b) Cam đoan khai báo trung thực trước Tòa án;
c) Cam đoan chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, lời cam đoan của người làm chứng được ghi vào biên bản lấy lời khai của người làm chứng. Tại phiên toà, lời cam đoan của người làm chứng được ghi vào biên bản phiên toà.”
3. Lấy lời khai người làm chứng trong tố tụng dân sự
Việc lấy lời khai của người làm chứng sẽ giúp cho Tòa án làm rõ được các tình tiết của vụ việc dân sự. Tòa án có thể lấy lời khai của người làm chứng ở tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án.
Như vậy, việc lấy lời khai của đương sự có thể tiến hành ở tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án trong một số trường hợp cụ thể.
+ Lấy lời khai của người làm chứng: Theo quy định tại Điều 99 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
“1. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người làm chứng tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án.
Trước khi lấy lời khai của người làm chứng, Thẩm phán phải giải thích quyền, nghĩa vụ của người làm chứng và yêu cầu người làm chứng cam đoan về lời khai của mình.
2. Thủ tục lấy lời khai của người làm chứng được tiến hành như thủ tục lấy lời khai của đương sự quy định tại khoản 2 Điều 98 của Bộ luật này.
3. Việc lấy lời khai của người làm chứng chưa đủ mười tám tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó.”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 04/2012 NQ-HĐTP: “2. Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người làm chứng tại trụ sở Toà án hoặc ngoài trụ sở Toà án và được thực hiện như việc lấy lời khai của đương sự quy định tại khoản 2 Điều 86 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 6 của Nghị quyết này”.
Như vậy, tòa án có thể lấy lời khai của đương sự, người làm chứng tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án.
4. Có phải trả chi phí cho người làm chứng?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi cho một người vay 50 triệu, nhưng khi vay tôi chỉ thỏa thuận miệng có anh A là người làm chứng. Nay người vay tiền tôi chối không muốn trả, tôi lại không có căn cứ gì nên tôi nhờ anh A làm chứng, anh A nói từ chối muốn ra làm chứng thì phải cho anh 5 triệu. Vậy anh A có bắt buộc ra làm chứng không? Tôi có phải trả tiền không?
Luật sư tư vấn:
Người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án. Căn cứ theo khoản 8 Điều 78 thì người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu người làm chứng vắng mặt không có lý do chính đáng và việc vắng mặt cản trở giải quyết vụ án thì người làm chứng còn có thể bị dẫn giải.
Vì vậy anh A là người làm chứng thì anh A có nghĩa vụ phải ra làm chứng tại Tòa án.
Về chi phí cho người làm chứng, Điều 167 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
“1. Chi phí hợp lý và thực tế cho người làm chứng do đương sự chịu.
2. Người đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng phải chịu tiền chi phí cho người làm chứng nếu lời làm chứng phù hợp với sự thật nhưng không đúng với yêu cầu của người đề nghị. Trường hợp lời làm chứng phù hợp với sự thật và đúng với yêu cầu của người đề nghị triệu tập người làm chứng thì chi phí này do đương sự có yêu cầu độc lập với yêu cầu của người đề nghị chịu.”
5. Người làm chứng trong trường hợp lập di chúc
Tóm tắt câu hỏi:
Giả sử A muốn lập di chúc để lại di sản của mình cho cha mẹ A. Hỏi B có được làm chứng cho A không giải thích? Nếu A có vợ thì vợ của A có được thừa kế khi A chết không. Nếu được thừa kế sẽ là bao nhiêu (di sản A gồm tài sản riêng 200 triệu và tài sản chung với vợ 500 triệu góp mua xe)?
Luật sư tư vấn:
Ở đây, không nói rõ A và B có mối quan hệ như thế nào, vì vậy căn cứ Điều 632 Bộ luật dân sự 2015 quy định người làm chứng việc lập di chúc:
“Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.”
Như vậy, ở đây A muốn lập di chúc để lại tài sản cho cha mẹ của A, nếu B thuộc các trường hợp nêu trên thì B sẽ không được làm chứng cho di chúc của A.
Tiếp theo, trong trường hợp A có vợ khi A chết vợ có được hưởng thừa kế hay không cần chia hai trường hợp:
Trong trường hợp A viết di chúc nhưng không chỉ định cho B.
Căn cứ Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định trường hợp được hưởng thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
Như vậy, chị B vẫn có quyền hưởng thừa kế phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, ngay cả khi A không chỉ định.
Trong trường hợp A chết mà không để lại di chúc thì chị B sẽ có quyền được hưởng thừa kế theo pháp luật
Căn cứ Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Luật sư tư vấn quy định pháp luật về di chúc qua tổng đài: 1900.6568
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vậy, nếu A chết thì vợ của A thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoàn toàn có quyền hưởng di chúc.
Nếu chia di sản cần phải tính số tài sản của A. Theo thông tin cung cấp A có 200 triệu tài sản riêng và 500 triệu tài sản chung với vợ mua xe. Trong trường hợp này nếu A lập di chúc thì A sẽ chỉ định rõ số tài sản vợ của A được nhận.
Căn cứ Điều 659 Bộ luật dân sự 2015 quy định phân chia di sản theo di chúc
“1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.”
Ở đây, tài sản chung của A với B là 500 triệu tiền góp mua xe, khi A chết số tiền tài sản chung góp mua xe sẽ được chia đôi số tiền chung đó. Cụ thể là giá trị 250 triệu. Như vậy, số tài sản mà A để lại là 200 triệu tài sản riêng và 250 triệu chia tài sản chung, tổng di sản để lại là 450 triệu. Theo quy định trên, việc phân chia di sản có hiện vật là chiếc ô tô nếu ai nhận chiếc ô tô thì có nghĩa vụ chi trả khoản tiền tương ứng với suất thừa kế của người kia.
Trong trường hợp A không lập di chúc thì sẽ phân chia theo pháp luật xét theo hàng thừa kế, theo quy định Bộ luật dân sự 2015 hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Căn cứ Điều 660 Bộ luật dân sự 2015 quy định phân chia di sản theo pháp luật:
“Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.”
Như vậy, theo quy định trên trong trường hợp chia di sản ở đây là chiếc ô tô, nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật mà cụ thể là chiếc ô tô, nếu không thỏa thuận được thì chiếc ô tô sẽ được bán để chia.