Trường hợp người mẹ sinh con ngoài giá thú, người cha không nhận con, làm cách nào để xác định cha cho con?
Tóm tắt câu hỏi:
Trường hợp người mẹ sinh con ngoài giá thú, người cha không nhận con, làm cách nào để xác định cha cho con?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.
Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, do người cha không muốn nhận con cũng như không muốn thực hiện nghĩa vụ của mình với con nên người mẹ có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi người cha có hộ khẩu thường trú để giải quyết với nội dung xác định cha cho con (theo khoản 4 Điều 27 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Hồ sơ để yêu cầu xác định cha cho con bao gồm:
– Đơn yêu cầu xác đinh cha cho con (có thể xin tại Tòa án);
– Chứng minh thư nhân dân của mẹ (photo có chứng thực);
– Sổ hộ khẩu của mẹ (photo có chứng thực);
– Giấy khai sinh của con (photo có chứng thực);
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha con (có thể là: – Giấy tờ hoặc thư do người bị kiện viết trong đó có thừa nhận đứa bé là con mình; – Xác nhận của công đồng dân cư về việc chung sống như vợ chồng,…).
Trong trường hợp vụ án được thụ lý giải quyết và đưa ra xét xử, Tòa án có thể yêu cầu trưng cầu giám định AND để xác định quan hệ cha con. Tuy nhiên, để trưng cầu giám định, nguyên đơn là người mẹ phải tạm ứng chi phí giám định (hiện nay vào khoảng 20 triệu đồng). Mặt khác, người cha trong trường hợp này hoàn toàn có quyền từ chối và Tòa án không thể ép buộc. Do vậy, điều này sẽ gây trở ngại lớn cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Bởi vây, người mẹ cần chủ động thu thập và chuẩn bị những chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con để Tòa án có thêm căn cứ giải quyết vụ việc. Chỉ khi cơ quan có thẩm quyền công nhận mối quan hệ cha con thì người mẹ mới có quyền yêu cầu người cha thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mình.
Sau khi xác đinh được quan hệ cha con, người cha không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Người mẹ có thể làm đơn yêu cầu cấp dưỡng sau khi đã có quyết định xác định cha con của Tòa án hoặc gửi đồng thời yêu cầu này khi nộp đơn xác định quan hệ cha con.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.