Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi VAC là gì? Thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi VAC? Các thông tin liên quan về hệ thống VAC?
Vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành chủ chương chính sách phát triển mô hình Kinh tế trang trại, theo đó các Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành và địa phương đã có chủ trương, chính sách, động viên, khuyến khích nông dân phát triển mô hình kinh tế trang trại trong đó việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi VAC rất được chú trọng. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc về thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi VAC mới nhất hiện nay.
1. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi VAC là gì?
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là việc tập trung vào việc chuyển đổi từ cây trồng, vật nuôi có giá trị thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn và chuyển sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
VAC được hiểu là hệ thống sản xuất nông nghiệp tổng hợp bao gồm Vườn (sản xuất trồng trọt), Ao (nuôi trồng thủy sản) và Chuồng (chăn nuôi gia súc gia cầm); là kiểu sản xuất phổ biến tại nhiều vùng nông thôn ở Việt Nam, là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp; là mô hình kinh tế sinh thái nông nghiệp bền vững, có chức năng chính là cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu cho nhu cầu thực phẩm của con người và tạo một nguồn thu nhập nhất định.
Theo đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi VAC được hiểu là việc chuyển đổi từ hình thức sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị thấp sang hình thức sản xuất nông nghiệp vườn ao chuồng, là việc kết hợp giữa sản xuất trồng trọt với nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm.
2. Đặc điểm của mô hình VAC
– Mô hình VAC là một hệ thống khép kín, trong đó các thành phần vườn, ao, chuồng có mối liên hệ mật thiết, ảnh hưởng lẫn nhau. Trong hệ thống VAC, nguồn thức ăn của các loài cá nuôi trong ao được sử dụng từ phân do gia súc, gia cầm thải ra, bên cạnh đó phân còn được sử dụng để bón vườn; ao cá cung cấp nguồn nước phục vụ cho việc tưới tiêu, đất bùn dưới ao được sử dụng để bổ sung đất tốt phục vụ cho việc trồng cây trong vườn; còn vườn cung cấp nguồn thức ăn là rau xanh phục vụ cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mô hình VAC được áp dụng phổ biến trong hoạt động nông nghiệp tại vùng nông thôn và cả các vùng ven biển ở Việt Nam.
– Hệ thống VAC là một hệ thống sinh thái hoàn chỉnh, thống nhất các khâu, các thành phần và có chi phí đầu tư thấp phù hợp với đặc điểm hầu hết ở các các vùng ngoại thành và nông thôn Việt Nam. Hệ thống VAC sử dụng một cách tối ưu nguyên vật liệu, thức ăn, năng lượng bằng những cơ cấu cây trồng vật nuôi ổn định, phù hợp điều kiện thời tiết, lợi dụng được tối đa điều kiện tài nguyên môi trường, chính vì vậy hình thức nông nghiệp này có khả năng ứng dụng cao nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình tại các vùng nông thôn, đặc biệt đối với các hộ gia đình nghèo tại các vùng miền núi và ven biển.
– Trong hệ thống VAC, phân và nước tiểu của các vật nuôi được sử dụng để bón cho cây trồng và một phần được sử dụng làm nguồn thức ăn cho cá, do đó nitơ trong phân sẽ được cây trồng hấp thu và tổng hợp lên các thành phần của cây trồng, tiếp đó vật nuôi lại sử dụng cây trồng để tổng hợp các thành phần của cơ thể. Như vậy, nitơ sẽ được luân chuyển trong một hệ thống khép kín từ cơ thể thực vật (cây trồng) sang cơ thể động vật (vật nuôi) và ngược lại, chính điều này đã hạn chế được việc thải nitơ ra ngoài môi gây ô nhiễm môi trường, giúp giảm thiểu được tác động đối với môi trường do tác hại của các chất thải từ chăn nuôi gây ra, đặc biệt là nitơ trong phân và nước tiểu của các vật nuôi.
3. Thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi VAC
– Về trình tự thực hiện:
Bước 1: Tổ chức đi thực hiện TTHC cần chuẩn bị hồ sơ hợp lệ theo quy định.
Bước 2: Tổ chức nộp hồ sơ tại Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện (Thành phố)
Cán bộ nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ:
+ Nếu hồ sơ hợp lệ thì vào sổ theo dõi, viết giấy hẹn thời gian trả kết quả.
+ Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cho tổ chức hoàn thiện bổ sung.
Bước 3: Tổ chức nhận kết quả theo giấy hẹn tại Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện (Thành phố)
– Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện (Thành phố)
– Thành phần hồ sơ bao gồm:
+ Các nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã cho hộ chuyển đổi.
+ Phương án dồn điền, đổi thửa
+ Đơn xin chuyển đổi
+ Đề án xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và cây trồng lâu năm
– Số lượng hồ sơ: 03 bộ
– Thời hạn giải quyết: trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ (không tính thứ7, chủ nhật)
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
+ Cơ quan có thẩm quyền quyết định: UBND huyện
+ Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có):
+ Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Phòng Nông nghiệp & PTNT
+ Cơ quan phối hợp (nếu có): Phòng Tài nguyện & Môi trường, Phòng Công thương