Quyết định hành chính là gì? Hành vi hành chính là gì? Phân biệt hành vi hành chính và quyết định hành chính
Khái niệm ” Quyết định hành chính” và” hành vi hành chính” không còn là những khái niệm quá xa lạ với mỗi chúng ta trong cuộc sống hiện nay. Quyết định hành chính, hành vi hành chính là một trong những công cụ hữu hiệu được dùng trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều người chưa phân biệt được giữa quyết định hành chính và hành vi hành chính. Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn đọc phân biệt hành vi hành chính và quyết định hành chính.
– Cơ sở pháp lý: Luật tố tụng hành chính 2015
1. Quyết định hành chính là gì?
– Căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015 thì khái niệm quyết định hành chính được hiểu như sau: ” Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.”
Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật, nó là kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực của nhà nước thông qua những hành vi của các chủ thể được thực hiện quyền hành pháp trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành theo một trình tự dưới những hình thức nhất định theo quy định của pháp luật, nhằm đưa ra những chủ trương, biện pháp, đặt ra các quy tắc xử sự hoặc áp dụng những quy tắc đó giải quyết một công việc cụ thể trong đời sống xã hội nhằm thực hiện chức năng quản lí hành chính nhà nước
2. Hành vi hành chính là gì?
– Căn cứ theo Khoản 3 Điều 3 Luật tố tụng hành chính quy định về khái niệm hành vi hành chính như sau: ” Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.”
– Theo đó hành vi hành chính được hiểu là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật
– Ví dụ như: hoạt động hỏi cung của cơ quan điều tra, hoạt động xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm an toàn giao thông của
3. Phân biệt hành vi hành chính và quyết định hành chính
– Thứ nhất, về cơ sở pháp lý:
+ Hành vi hành chính: hành vi hành chính được quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015
+ Quyết định hành chính: quyết định hành chính được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015
– Thứ hai, về khái niệm:
+ Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
+ Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể
– Thứ ba, về đặc điểm:
+ Hành vi hành chính: hành vi hành chính có đặc điểm là sự tác động của chủ thể hành chính tạo nên một sự việc hành động trên thực tế, chủ thể đó có thể là: cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật
+ Quyết định hành chính: quyết định hành chính có những đặc điểm sau:
* Quyết định hành chính mang tính quyền lực nhà nước. Việc thực hiện quyền lực nhà nước được thể hiện dưới hinh thức là những quyết định bằng văn bản. Tính quyền lực nhà nước được thể hiện ở ngay hình thức của những quyết định, ngoài ra tính quyền lực, đơn phương của quyết định hành chính còn được thể hiện ở nội dung và mục đích của quyết định. Về nguyên tắc, mọi quyết định đều phải được thi hành m kể cả những quyết định có sự phản kháng từ phía đối tượng quản lý, tức là quyết định hành chính sẽ được đảm bảo thi hành bằng những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước khi cần thiết.
* Quyết định hành chính có tính pháp lý. Các quyết định hành chính nhà nước ban hành đều có những giá trị về mặt pháp lý. Quyết định hành chính xuất hiện đã tác động ngay đến cơ chế điều chỉnh pháp luật, quyết định hành chính có thể đưa ra những biện pháp hoặc những chủ trương lớn trong lĩnh vực quản lý hành chính. Ngoài ra, tính pháp lý của quyết định hành chính còn được thể hiện ở việc làm xuất hiện quy phạm pháp luật, thay thế hoặc hủy bỏ quy phạm pháp luật hoặc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một quan hệ pháp luật cụ thể.
* Quyết định hành chính có tính dưới luật. Điều đó xuất phát từ thẩm quyền ban hành những quyết định hành chính, đó là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước, do đó các quyết định hành chính do các chủ thể có thẩm quyền trong hệ thống hành chính nhà nước ban hành là những văn bản dưới luật nhằm thi hành luật.
* Quyết định hành chính có là những quyết định được nhiều củ thể trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ban hành, đó là những chủ thể ở trung ương, địa phương, những chủ thể có thẩm quyền chung cũng như những chủ thể có thẩm quyền chuyên môn.
* Quyết định hành chính có những nội dung và mục đích và nội dung phong phú. Điều này được xuất phát từ những đặc điểm của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, quyết định hành chính còn là những quyết định mà về mặt hình thức có những tên gọi khác nhau như quyết định, nghị định, nghị quyết, thông tư…. đây cũng chính là những văn bản dưới luật.
– Thứ tư, về phân loại:
+ Hành vi hành chính: Hành vi hành chính được phân thành 2 loại bao gồm hành vi hành chính thực hiện và hành vi hành chính không thực hiện.
+ Quyết định hành chính: dựa vào những tiêu chí khác nhau mà có những cách phân loại về quyết định hành chính khác nhau:
* Dựa vào tình chất pháp lý: quyết định hành chính được chia thành quyết định hành chính chủ đạo và quyết định quy phạm, quyết định cá biệt. Theo đó, quyết định hành chính chủ đạo là loại quyết định mà các chủ thể có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích đưa ra những chủ trương, chính sách, giải pháp về quản lý hành chính đối với nhà nước, một khu vực, một đơn vị hành chính nào đó. Quyết định hành chính quy phạm là quyết định hành chính mang tính đặc trưng của các chủ thể được sử dụng quyền hành pháp, quyết định hành chính quy phạm được chủ thể có thẩm quyền khác nhau tùy thuộc vào nội dung điều chỉnh mà ban hành những loại văn bản với những nội dung khác nhau. Quyết định hành chính cá biệt, quyết định hành chính cá biệt được ban hành nhằm mục đích hướng đến việc cho các chủ thể pháp luật hành chính thực hiện được các quyền cũng như nghĩa vụ của mình trên các lĩnh vực của đời sống, quyết định cá biệt được ban hành dựa trên cơ sở quyết đinh chủ đạo, quyết định quy phạm nhằm với mục đích để các chủ thể có thẩm quyền giải quyết các công việc cụ thể trên từng lĩnh vực của quản lý hành chính nhà nước,
* Dựa vào chủ thể ban hành quyết định thì quyết định hành chính được chia thành quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết định hành chính của các bộ và cơ quan. ngang bộ, quyết định hành chính của ủy ban nhân dân và quyết định hành chính liên tịch. Theo đó, căn cứ vào hiến pháp, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, Chính phủ ra quyết định hành chính dưới hình thức là nghị quyết và quyết định; Thủ tướng Chính phủ ra quyết định hành chính dưới hình thức là các quyết định và chỉ thị. Người đứng đầu của mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, đều có quyền ra các quyết định hành chính dưới hình thức là các quyết định, chỉ thị, thông tư. Quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có quyền ban hành quyết định hành chính dưới hình thức là quyết định và chỉ thị( chỉ thị cá biệt). Quyết định hành chính của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân được ban hành dưới hình thức quyết định và chỉ thị ( quyết định cá biệt). Quyết định hành chính liên tịch là những quyết định do có sự phối hợp của nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau, và cả sự phối hợp của các tổ chức xã hội dưới hình thức là thông tư liên tịch, nghị quyết liên tịch.