Chuẩn bị xét xử sơ thẩm là gì? Chuẩn bị xét xử sơ thẩm trong Tiếng anh là gì? Thời hạn và cách tính thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự? Các vấn đề pháp lý về khác về chuẩn bị xét xử sơ thẩm?
Xét xử là giai đoạn trọng tâm trong cả quá trình tố tụng hình sự. Xét xử được coi là đỉnh cao của quyền tư pháp. Để có một quyết định chuẩn xác, công bằng tại phiên tòa, đòi hỏi Hội đồng xét xử phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị trước khi mở phiên tòa. Chính vì vậy, chuẩn bị xét xử là một khâu phức tạp không chì vì tính đa dạng các hoạt động tố tụng được thực hiện mà còn vì các hoạt động chuẩn bị liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của những người tiến hành tố tụng và các chủ thể khác với nhau. Cũng giống như các giai đoạn tố tụng khác, chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự cũng cần phải được thực hiện trong một thời hạn nhất định. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ đi sâu phân tích về chuẩn bị xét xử sơ thẩm, đặc biệt là thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.
1. Chuẩn bị xét xử sơ thẩm là gì?
Theo Từ điển Luật học, thuật ngữ “xét xử” là xem xét và xử các vụ án, “sơ thẩm” là xét xử vụ án lần thứ nhất. Về phương diện khoa học pháp lý thì “xét xử sơ thẩm” là việc đưa vụ án ra xét xử ở Tòa án có thẩm quyền cấp thứ nhất.
Như vậy, có thể hiểu, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là xét xử lần đầu do Tòa án có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật.
Theo từ điển Tiếng Việt, “chuẩn bị” là “làm cho có sẵn cái cần thiết để làm việc gì”. Trong khoa học Luật tố tụng hình sự chưa có khái niệm chính thống về chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thực chất là việc Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ vụ án để nắm được nội dung vụ án, từ đó có hướng giải quyết vụ án một cách đúng đắn, chính xác nhất. Giai đoạn này giúp cho thẩm phán xác định được vụ án đã đủ điều kiện đưa ra xét ử hay chưa, có đúng thẩm quyền hay không, có cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung không, có cần áp dụng các biên pháp ngăn chặn hoặc có căn cứ để đình chỉ hoặc tạm đình chỉ không? Đây cũng là khoảng thời gian để Thẩm phán có thể lên kế hoạch xét hỏi, chủ động đặt ra các phương án cho các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa và chuẩn bị các công việc cần thiết khác cho việc mở phiên tòa sơ thẩm. Giai đoạn này được tiến hành trong một thời hạn nhất định.
Tham khảo ý kiến, quan điểm khác nhau, có thể khái quát về chuẩn bị xét xử sơ thẩm như sau: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là hoạt động tố tụng mang tính quyền lực nhà nước do Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký tòa được phân công giải quyết vụ án thực hiện nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc mở phiên tòa ở cấp sơ thẩm hoặc ra các quyết định tố tụng khác để giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự từ khi thụ lý vụ án cho đến khi mở phiên tòa.
Chuẩn bị xét xử sơ thẩm có các đặc điểm sau:
– Thứ nhất, chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là một trình tự, thủ tục tố tụng.
– Thứ hai, chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
– Thứ ba, chủ thể tiến hành là chủ thể đặc biệt. Chủ yếu là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án.
2. Chuẩn bị xét xử sơ thẩm trong Tiếng anh là gì?
Chuẩn bị xét xử sơ thẩm trong Tiếng anh là “Preparation for trial in the first instance“
3. Thời hạn và cách tính thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự?
Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là khoảng thời gian được luật định để chủ thể có thẩm quyền xem xét, đánh giá tài liệu, thực hiện các hoạt động cần thiết và đưa ra một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử; Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định cụ thể tại Điều 277
“1. Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
a) Đưa vụ án ra xét xử;
b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
c) Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải
2. Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.”
Trên cơ sở Điều luật này, dưới đây tác giả đưa ra một số phân tích cụ thể:
– Thứ nhất, thời điểm bắt đầu thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm được tính từ khi nhận hồ sơ do Viện Kiểm sát chuyển sang. Ngay sau khi nhận hồ sơ, Tòa án phải vào sổ thụ lý và đóng dấu hoặc ghi ngày nhận hồ sơ vào bìa hồ sơ (góc bên trái).
– Thứ hai, thời điểm kết thúc của thời hạn chuẩn bị xét xử; tuy không có quy định cụ thể nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì thời điểm kết thúc là khi Tòa án mở phiên tòa sơ thẩm.
– Thứ ba, thời hạn chuẩn bị xét xử được tính từ ngày Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa nhận được hồ sơ vụ án và về nguyên tắc không quá 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
– Thứ tư, trong trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày tòa án ra quyết định phục hồi vụ án. Phục hồi vụ án được quy định tại Điều 283
Trong quá trình tìm hiểu pháp luật thế giới, quy định của pháp luật tố tụng hình sự Lào về về thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm khá ngắn gọn, theo đó “Tòa án sơ thẩm cấp khu vực, tỉnh, và thủ đô và Tòa án quân sự khu vực phải xem xét và quyết định việc xét xử vụ án trong vòng ba mươi ngày kể từ ngày nhận được quyết định truy tố của Viện Kiểm sát”. Tương quan với quy định tại Điều 277, có thể thấy, Bộ luật tố tụng nước ta đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án.
4. Các vấn đề pháp lý về khác về chuẩn bị xét xử sơ thẩm?
Chuẩn bị xét xử sơ thẩm được quy định từ Điều 276 đến Điều 287
Một trong các quy định tác động trực tiếp đến thời hạn chuẩn bị xét xử, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của chuẩn bị xét xử là quy định về nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án, theo đó, Điều 276 quy định:
“1. Khi Viện kiểm sát giao bản cáo trạng, hồ sơ vụ án và vật chứng kèm theo (nếu có), Tòa án phải kiểm tra và xử lý:
a) Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản cáo trạng đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì nhận hồ sơ vụ án;
b) Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện của bị can.
2. Việc giao, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án.
Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án.”
Như vậy, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án kèm bản cáo trạng, thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ bắt đầu được tính.