Đơn đăng ký tham gia hệ thống Ecosys là gì? Đơn đăng ký tham gia hệ thống Ecosys dùng để làm gì? Đơn đăng ký tham gia hệ thống Ecosys 2021? Hướng dẫn viết đơn đăng tham gia hệ thống Ecosys? Các vấn đề về hệ thống EcoSys và đăng ký tham gia hệ thống EcoSys?
Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys ra đời là bước tiến quan trọng của Bộ Công Thương trong việc giải quyết tất cả những khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trước đó. Việc đăng ký tham gia hệ thống Ecosys có thể được thực hiện trực tuyến hoặc thông qua đơn đăng ký. Nhận thấy được tầm quan trọng của hệ thống này, Luật Dương Gia sẽ hướng dẫn người đọc mẫu đơn đăng ký tham gia hệ thống Ecosy, đồng thời hướng dẫn cách thức đăng ký online.
1. Đơn đăng ký tham gia hệ thống Ecosys là gì?
Đơn đăng ký tham gia hệ thống Ecosys là văn bản do doanh nghiệp (nhập khẩu hàng hóa) gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan thuộc Bộ Công Thương) với mục đích tham gia hệ thống phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận xuất hàng hóa.
2. Đơn đăng ký tham gia hệ thống Ecosys dùng để làm gì?
Đơn đăng ký tham gia hệ thống Ecosys là cơ sở phát sinh nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền trong việc đánh giá, xem xét, quyết định cấp mã số, tài khoản, chữ kí số để doanh nghiệp tiến hành giao dịch qua hệ thống.
3. Đơn đăng ký tham gia hệ thống Ecosys?
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TÊN CÔNG TY
ĐƠN ĐĂNG KÝ THAM GIA HỆ THỐNG ECOSYS
Kính gửi: Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương
Công ty : ………
Địa chỉ:…………..
Điện thoại:…………… Fax:………… Email:………
Mã số thuế:…….
Đăng ký cấp CO tại (Phòng QLXNK/Ban Quản lý KCN-KCX):……..
Đăng ký tham gia Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (eCoSys) và đề nghị được cấp thiết bị với nội dung sau:
Tên công ty (trên hóa đơn VAT):………
Địa chỉ (trên hóa đơn VAT):…….
Địa chỉ (nhận thiết bị):………
Số lượng đầu đọc thẻ:………….
Số lượng thẻ chữ ký điện tử:………
DANH SÁCH NGƯỜI KÝ ĐỀ NGHỊ CẤP CHỮ KÝ ĐIỆN TỬ
STT
Họ và tên
Chức vụ
Họ và tên người liên hệ:……… Điện thoại di động:…..
Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đầy đủ và nghiêm túc những yêu cầu của Bộ Công Thương khi tham gia Hệ thống eCoSys.
…., ngày tháng năm
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(ký, đóng dấu)
4. Hướng dẫn viết đơn đăng tham gia hệ thống Ecosys?
Đơn đăng ký tham gia hệ thống Ecosys gồm 3 phần chính phải bảo đảm:
– Thứ nhất, thông tin của doanh nghiệp, bao gồm tên, địa chỉ, phương thức liên hệ, mã số thuế.
– Thứ hai, Đăng ký cấp CO tại (Phòng QLXNK/Ban Quản lý KCN-KCX- ghi tên cụ thể); bộ thiết bị chữ ký số;
– Thứ ba, danh sách tên cá nhân đăng ký chữ ký số
Bên cạnh các phần này, người làm đơn phải chú ý đến hình thức phải bao gồm quốc hiệu, tiêu ngữ, tên công ty ở góc trái trên cùng, ngày tháng năm làm đơn, chữ ký của thủ trưởng đơn vị ở cuối đơn.
5. Các vấn đề về hệ thống EcoSys và đăng ký tham gia hệ thống EcoSys?
5.1. Sự ra đời và vai trò của hệ thống Ecosys.
– Theo Luật định, Bộ Công Thương là cơ quan nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý về Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Trong đó, Bộ trực tiếp cấp toàn bộ các mẫu C/O ưu đãi. Riêng đối với toàn bộ chứng nhận xuất xứ không ưu đãi đều do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cấp.
– Nhận thức được tầm quan trọng về việc cấp chứng nhận xuất xứ điện tử, tạo điều kiện cho việc xử lý, tiếp nhận hồ sơ một cách nhanh chóng, Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys được Bộ Thương mại (cũ) cho triển khai thực hiện vào năm 2006
– Ban đầu, Hệ thống chỉ đơn giản là nhập liệu dữ liệu C/O từ 7 phòng Quản lý xuất nhập khẩu, các Ban quản lý khu công nghiệp và các điểm cấp C/O của VCCI trên toàn quốc. Tiếp đến năm 2007, hệ thống thí điểm triển khai cho 50 doanh nghiệp có uy tín, kim ngạch xuất khẩu cao và ổn định. Từ năm 2008, Hệ thống được triển khai rộng rãi cho toàn bộ thương nhân đề nghị cấp C/O form ưu đãi do Bộ Công Thương cấp. Mọi hồ sơ đều được ký điện tử trên hệ thống.
– Đến nay, có thể thấy rằng, Hệ thống eCoSys là một hệ thống dịch vụ công được biết đến như là một điểm sáng trong công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương cũng như trong cả cả nước. Ngày 24 tháng 4 năm 2015, Bộ Trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 40482/QĐ-BCT về việc ban hành Quy trình thí điểm tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet.
– Trước mắt, việc thí điểm sẽ được thực hiện đối với form D cho 57 doanh nghiệp trên cả nước (theo Quyết định số 4099/QĐ-BCT ngày 24 tháng 4 năm 2015). Quyết định này có ý nghĩa vô cùng to lớn nhằm đáp ứng nhu cầu cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình trao đổi thông tin và dữ liệu liên quan đến việc cấp và kiểm tra xuất xứ giữa Bộ Công Thương với các Bộ ngành liên quan. Việc thực hiện cơ chế thí điểm làm cơ sở để trao đổi dữ liệu với cơ quan hải quan các nước ASEAN và trong tương lai triển khai giám sát doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ.
5.2. Hướng dẫn đăng ký tham gia hệ thống Ecosys trực tuyến.
Bước 1: Đăng ký hồ sơ thương nhân điện tử và tài khoản tham gia Hệ thống eCoSys
– Chọn nút “Đăng ký” trên trang chủ của Ecosys.
– Điền đầy đủ thông tin và ấn nút gửi
+ Các mục * bắt buộc phải khai.
+ Tên đăng nhập mặc định là Mã số thuế của DN (mật khẩu do DN tự đặt).
Lưu ý:
Sau khi đăng ký, nếu gặp dòng
Bước 2: Đăng ký mua Bộ thiết bị chữ ký số
Để đăng ký mua bộ thiết bị chữ ký số, Quý Doanh nghiệp truy cập địa chỉ: http://ecosys.gov.vn/Homepage/VSignRegister.aspx
5.3. Các vấn đề pháp lý về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa?
Theo quy định tại Thông tư 19/2020/TT-BCT Thông tư Sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN như sau:
“Nhà xuất khẩu đủ điều kiện có thể nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D (sau đây gọi là C/O mẫu D) thay cho việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.”
Nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
– Thương nhân đáp ứng các điều kiện sau đây có thể đề nghị được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa:
+ Là nhà xuất khẩu đồng thời là nhà sản xuất.
+ Không vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
+ Có cán bộ được đào tạo về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo đã được Bộ Công Thương hoặc được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ định.
– Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, thương nhân đề nghị được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo cơ chế AWSC phải đáp ứng quy định sau:
+ Đã được cấp C/O ưu đãi đối với hàng hóa cùng nhóm HS (4 số) trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận.
+ Trong trường hợp nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu phải được nhà sản xuất cam kết bằng văn bản về xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu và sẵn sàng hợp tác trong trường hợp kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất.”
Như vậy, dù bằng cách thức nào, thì thương nhân cũng buộc phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Theo khoản 5, Điều 3:
– Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) là cơ quan có thẩm quyền cấp Văn bản chấp thuận để thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
– Thương nhân đáp ứng quy định tại Điều 4 Thông tư này đề nghị cấp Văn bản chấp thuận và đính kèm hồ sơ qua Hệ thống Quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ http://www.ecosys.gov.vn (sau đây gọi là Hệ thống eCoSys).
– Hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận gồm:
+ Đơn đề nghị cấp Văn bản chấp thuận.
+ Danh sách kèm theo mẫu chữ ký của người có thẩm quyền ký nội dung khai báo xuất xứ hàng hóa: 01 bản sao.
+ Báo cáo năng lực sản xuất, cơ sở sản xuất đối với từng mặt hàng đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 01 bản sao.
– Thời hạn xử lý:
+ Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, cơ quan có thẩm quyền thông báo trên Hệ thống eCoSys:
– Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, đề nghị thương nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
– Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, đề nghị tổ chức cấp C/O nơi thương nhân đăng ký hồ sơ thương nhân kiểm tra thực tế năng lực sản xuất của thương nhân theo quy định tại Thông tư số 39/2018/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
+ Trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều này, tổ chức cấp C/O nơi thương nhân đăng ký hồ sơ thương nhân kiểm tra thực tế năng lực sản xuất của thương nhân hoặc của nhà sản xuất liên quan.
+ Trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất kiểm tra thực tế năng lực sản xuất của thương nhân, tổ chức cấp C/O cập nhật kết quả kiểm tra trên Hệ thống eCoSys.
+ Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức cấp C/O cập nhật kết quả kiểm tra thực tế năng lực sản xuất của thương nhân phù hợp theo quy định, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp Văn bản chấp thuận kèm theo mã số tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho thương nhân. Trường hợp không cấp Văn bản chấp thuận, cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
+ Cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất của thương nhân theo quy định tại điểm b khoản này đối với Nhà xuất khẩu đủ điều kiện đã tham gia cơ chế thí điểm.
– Sửa đổi, bổ sung Văn bản chấp thuận
+ Trường hợp thay đổi hoặc bổ sung mặt hàng đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thay đổi hoặc bổ sung người có thẩm quyền ký nội dung tự khai báo xuất xứ hàng hóa, thương nhân kê khai sửa đổi, bổ sung và đính kèm hồ sơ qua Hệ thống eCoSys.
+ Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Văn bản chấp thuận đối với trường hợp thay đổi hoặc bổ sung mặt hàng đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm:
– Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
– Báo cáo năng lực sản xuất, cơ sở sản xuất đối với từng mặt hàng đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 01 bản sao.
– Đối với thương nhân tham gia cơ chế AWSC, trường hợp không phải nhà sản xuất, thương nhân đề nghị đăng ký tự chứng nhận xuất xứ đính kèm bản sao cam kết của nhà sản xuất theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
+ Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Văn bản chấp thuận đối với trường hợp thay đổi hoặc bổ sung người có thẩm quyền ký nội dung tự khai báo xuất xứ hàng hóa gồm:
– Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
– Danh sách kèm theo mẫu chữ ký của người có thẩm quyền ký nội dung khai báo xuất xứ hàng hóa: 01 bản sao.
+ Quy trình, thời hạn xử lý và đăng ký đối với các trường hợp sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản này thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này.
+ Trường hợp các mặt hàng thay đổi hoặc bổ sung phù hợp với năng lực sản xuất của thương nhân, cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất của thương nhân khi sửa đổi, bổ sung Văn bản chấp thuận cho thương nhân.
– Trường hợp Văn bản chấp thuận hết hiệu lực thi hành, thương nhân đề nghị cấp lại Văn bản chấp thuận và đính kèm hồ sơ qua Hệ thống eCoSys theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Trường hợp mặt hàng đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa không thay đổi so với những lần đăng ký trước đó, cơ quan có thẩm quyền xem xét, miễn kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất của thương nhân khi cấp Văn bản chấp thuận.
Qua quá trình tìm hiểu, ta thấy rằng, hệ thống Ecosys thực sự là công cụ quan trọng để Bộ Công thương thực hiện nhanh chóng, hiệu quả vai trò của mình. Trong tương lai, hệ thống này phải được nâng cấp hơn nữa, dự đoán phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho hàng ngàn doanh nghiệp, đây sẽ là mở đầu cho một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, tinh gọn, nhanh chóng, hiệu quả.