Theo quy định của pháp luật thì như thế nào thì đủ yếu tố cấu thành nên tội làm giả giấy tờ?
Tóm tắt câu hỏi:
Tháng 9 năm 2014 tôi làm giả giấy tờ cho anh T là 1 giấy chứng nhận đăng ký xe (Cavet), lúc đầu tôi từ chối là không làm được nhưng sau đó tôi có làm thử để chứng minh cho anh T là tôi làm không được, anh T không nhận giấy mà tôi làm. Sau khoảng 2 giờ thì anh T nhận đc điện thoại thông báo cavet đã xong và trực tiếp đi giao cho V . Sau đó T cho tôi 500.000 và tôi nhận. Tháng 12/2014 anh T lại tới nhà tôi cùng V nhờ tôi làm giấy mua bán xe, cũng như lần trước tôi cũng làm để chứng minh rằng tôi không làm được, chữ ký trên giấy mua bán là tôi dùng máy scan từ một giấy CMND của tôi lần trước đi xin việc có công chứng còn dư, sau đó dùng máy in in vào tờ giấy mua bán mà anh T đã chuẩn bị sẵn nên chữ ký không được giống màu mực nên anh nhờ tôi ký lai theo chữ ký đó. Cuối tháng 12 thì có vụ trộm cắp tại địa phương bị bắt quả tang sau đó các đối tượng T và V bị bắt và họ khai tôi làm mấy giấy tờ đó. Ở cơ quan điều tra tôi có đối chất với T và cả 2 cùng xác nhận cái cavet mà công an đang giữ làm tang vật không phải của tôi, còn giấy mua bán xe thì tôi có yêu cầu cơ quan điều tra cho đối chất thì các điều tra viên không cung cấp cho tôi xem và lập biên bản có phải của tôi hay không. Tháng 4/2015, tôi nhận được cáo trạng từ Viện kiểm sát là tôi phạm tội ở điểm b khoản 2 điểu 267. Mong luật sư tư vấn giúp tôi có thật sự bị tội như thế không? Nếu trước tòa tôi trình bày 2 giấy đó không phải do tôi làm thì tình tiết sẽ ra sao? Tôi có nghe một luật sư nói cứ có hành vi là bị quy tội, dù vật chứng để phạm tội không phải là của mình. Như vậy là đúng hay sai và tôi phải làm sao để bảo vệ quyền lợi của mình?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 267 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:
“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.”
Đối chiếu với điều luật này, cơ quan điều tra phải chứng minh được bạn có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức hoặc sử dụng giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự của bạn tại Khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự 1999.
Tuy nhiên, như bạn trình bày, cơ quan điều tra không chứng minh được rằng bạn là người làm giả cavet mà T và V sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội; ngoài ra cơ quan điều tra còn có hành vi không cho bạn đối chất đối với giấy tờ mua bán xe – là một chứng cứ quan trọng của vụ án, như vậy cơ quan điều tra ở đây đã vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 138 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 quy định về việc Đối chất như sau:
“1. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất.
2. Nếu có người làm chứng hoặc người bị hại tham gia đối chất thì trước tiên Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc này phải được ghi vào biên bản.
3. Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Khi đã nghe những lời khai trong đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.
Điều tra viên cũng có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải được ghi vào biên bản.
Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai lần trước của họ.
4. Biên bản đối chất phải lập theo quy định tại các điều 95, 125 và 132 của Bộ luật này.
5. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất. Việc đối chất được tiến hành theo quy định tại Điều này.”
Trong trường hợp này, giữa bạn, T và V có sự mâu thuẫn trong lời khai về hợp đồng mua bán xe đó nên điều tra viên phải tiến hành đối chất. Tuy nhiên điều tra viên không cho bạn đối chất và không lập biên bản là trái với quy định của pháp luật.
Khi cơ quan điều tra không chứng minh được bạn là người đã làm giả giấy tờ để T và V thực hiện hành vi trộm cắp của mình thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bạn có thể làm đơn khiếu nại về việc cơ quan điều tra đã không tuân thủ theo đúng trình tự tố tụng, cụ thể là việc không cho bạn đối chất lời khai cũng như chứng cứ, để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được bạn là người đã làm giả giấy tờ mua bán xe mà T và V sử dụng để thực hiện hành vi trộm cắp bị bắt quả tang, thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, hình phạt có thể bạn có thể phải chịu sẽ được quy định tại Khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự 1999 chứ không phải tại Khoản 2 Điều 267 bởi theo như bạn trình bày thì bạn không thuộc trong các tình tiết: Có tổ chức; Phạm tội nhiều lần; Gây hậu quả nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.