Tôi đang mua 8 chiếc ô tô điện trẻ em về cho thuê. Vậy có phải xin phép hay xin cấp phép gì không? Trường hợp không có xin phép thì có bị sai phạm gì không?
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện tôi đang ở trên Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Tôi đang mua 8 chiếc ô tô điện trẻ em về cho thuê. Vậy việc cho trẻ em thuê này tại nhà có phải xin phép hay xin cấp phép gì không? Trường hợp không có xin phép thì có bị sai phạm gì không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Nghị định 39/2007/NĐ-CP về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh có quy định các trường hợp kinh doanh nhưng không phải đăng kí kinh doanh. Theo đó, những đối tượng sau không cần đăng kí kinh doanh:
“a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác. (Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP).
Có thể thấy, trường hợp của bạn không thuộc trường hợp không phải đăng kí kinh doanh. Do vậy, nếu vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh mà không có giấy đăng kí kinh doanh thì bạn có thể bị xử phạt hành chính.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định 112/2010/NĐ-CP, bạn có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt như sau:
“Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.”
Nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi của bạn điều kiện cấu thành tội phạm theo Điều 159 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về Tội kinh doanh trái phép. Cụ thể:
1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;
c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
d) Thu lợi bất chính lớn.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng."
Bởi vậy, để không bị xử phạt, bạn cần đăng kí kinh doanh với hình thức hộ kinh doanh cá thể theo quy định của pháp luật.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.