Đối tượng tranh chấp của vụ kiện trên và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là tài sản không?
Tóm tắt câu hỏi:
Vụ án dân sự giữa nguyên đơn là bà Võ ThịThành với bị đơn là bà Phan Thị Tòng tại thị xã T, tỉnh L. Nội dung vụ án: Tháng 7-2005, bà Võ Thị Thành cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Thành cho bà Phan Thị Tòng để vay 1.000.000 đồng, nhưng bà Tòng chưa đưa tiền cho bà Thành và cũng không trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Thành, nên bà Thành khởi kiện yêu cầu bà Tòng trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà Tòng cho rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Thành bà đã cầm cố cho bà Hồ Thị Mỹ Hương, bà Hương lại cầm cố cho ông Lưu Công Tấn nên không đồng ý trả. Tại quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 50/2007/QĐST-DS ngày 31-7-2007, Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh L đã quyết định: Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm thụ lý sổ 104/2007/TLST- DS ngày 15-3-2007 về việc “Đòi tài sản” giữa nguyên đơn là bà Vô Thị Thành với bị đơn là bà Phan Thị Tòng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Hồ Thị Mỹ Hương, ông Lưu Công Tấn. Ngày 31-10-2007, bà Thành kháng cáo. Tại quyết định dân sự phúc thẩm số 05/2008/QĐ-PT ngày 26-02-2008, Tòa án nhân dân tỉnh L quyết định: Hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 50/2007/QĐST-DS ngày 31-7-2007 của Tòa án nhân dân thị xã T. Giao toàn bộ hồ sơ về cho Tòa án nhân dân thị xã T giải quyết lại theo thẩm quyền. Tại quyết định số 105/2011/KN-DS ngày 25/2/2011, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với quyết định phúc thẩm nêu trên, đề nghị Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy quyết định dân sự phúc thẩm nêu trên và giữ nguyên quyết định sơ thấm số 50/2007/QĐST-DS ngày 31-7-2007 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh L với nhận xét: Bà Thành chỉ yêu cầu Tòa án buộc bà Tòng trả lại cho bà Thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không tranh chấp về diện tích đất này, cũng không tranh chấp số tiền vay. Trong khi đó tại Mục 1 Chương III Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của đương sự về việc đòi các loại giấy tờ do các cơ quan hành chính nhà nước cấp cho các đương sự để xác định quyền sở hữu tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở… Hơn nữa, pháp luật cũng không xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là loại giấy tờ có giá nên theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự thì các loại giấy tờ trên không phải là tài sản để giao dịch trao đổi. Do đó, Tòa án cấp sơ thấm đã đình chỉ giải quyết vụ án là đúng. Tòa án cấp phúc thẩm xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Thành là tài sản và cho rằng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân là không đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Hãy cho biết: 1, Đối tượng tranh chấp của vụ kiện trên? 2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là tài sản không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Câu hỏi của bạn gồm 2 vấn đề:
Vấn đề 1: Đối tượng tranh chấp của vụ kiện trên là tranh chấp về tài sản, còn việc đòi lại giấy tờ quyền sử dụng đất thì không được thụ lý.
Vấn đề 2: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được coi là tài sản?
Điều 163 của Bộ luật dân sự 2005: “Tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ là văn bản chứa đựng Quyền sử dụng đất, Quyền sử dụng đất là quyền tài sản theo Điều 163 còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Ngoài ra, Điều 2 của Công văn 141/2011/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của Tòa án nhân dân tối cao về “Thẩm quyền giải quyết yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản”cũng làm rõ việc quy định “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” không phải là tài sản. Cụ thể là:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
“2. Theo các quy định trên đây thì các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…) không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005; do đó, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết.”
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.