Tại Việt Nam Tòa án đã được thừa nhận trong hiến pháp của Việt Nam và đó chính là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể hơn về cơ quan này.
Mục lục bài viết
1. Tòa án nhân dân là gì?
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
Nhà nước đã ban hành ra pháp luật thì phải có cơ chế để đảm bảo cho pháp luật được thực thi, bởi lẽ pháp luật sẽ trở nên vô nghĩa, nếu nó không được các giai cấp và tầng lớp khác tuân theo, pháp luật không đi vào đời sống hàng ngày của dân cư. Mặt khác trong bất cứ xã hội nào, luôn luôn có các cá nhân, tổ chức hoặc giai cấp đối lập tìm mọi cách để làm trái các điều luật của nhà nước, đi ngược lại với lợi ích của giai cấp thống trị. Do vậy giai cấp thống trị đã tổ chức ra một hệ thống các cơ quan chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ và bảo đảm cho pháp luật được thực thi như quân đội, cảnh sát…
Nhưng không thể sử dụng đội quân này có thể bắt bớ, giam cầm một cách tùy tiện, bởi như thế sẽ tạo nên sự hỗn loạn trong xã hội. Bởi lẽ đó cần có một cơ quan được lập ra để đảm nhiệm chức năng xét xử, xem xét hành vi nào là đúng, là sai. Cơ quan đó chính là tòa án, luôn tồn tại trong bất kỳ chế độ nhà nước nào.
Tòa án là biểu hiện tập trung của quyền tư pháp, là cơ quan thực hiện chức năng xét xử. Ngay từ buổi đầu của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tòa án đã chiếm một vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong việc xét xử những hành vi vi phạm pháp luật, chống phá nhà nước ta. Cùng với quá trình phát triển của cách mạng, ở mỗi một giai đoạn khác nhau, do những yêu cầu đặt ra khác nhau, tổ chức, họat động của tòa án nhân dân cũng có những nhiệm vụ và mục tiêu khác nhau.
Tuy nhiên nó cũng chiếm một vị trí và vai trò hết sức quan trọng, “…là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…. Trong phạm vi chức năng của mình có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân ; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân…”
Tòa án nhân dân tiếng anh là: People’s court hoặc People’s tribunal
2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án:
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án được quy định như thế nào? Sau đây Luật Dương Gia xin đưa ra một số quy định của pháp luật như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 có quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án rất cụ thể và rõ ràng, theo quy định của luật này thì cũng phân định ra thẩm quyền của Tòa án các cấp có sự phân cấp rõ rệt.
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án được quy định như sau:
1. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
2. Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.
Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
3. Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền:
a) Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án;
b) Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp;
c) Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;
d) Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm;
e) Ra quyết định để thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
4. Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng.
5. Xử lý vi phạm hành chính; xem xét đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật.
6. Ra quyết định thi hành bản án hình sự, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích, miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật hình sự, Luật thi hành án hình sự,Luật thi hành án dân sự.
Ra quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp xử lý hành chính do Tòa án áp dụng và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định.
7. Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án.
8. Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
9. Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của luật.
Theo quy đinh tại Khoản 3 Điều 102
Hiến pháp nhấn mạnh rằng bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân là những nhiệm vụ đầu tiên của Tòa án nhân dân, sau đó mới là nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án phải là nơi mà mọi người, mọi công dân tìm đến lẽ phải, sự thật; có nhiệm vụ bảo vệ công lý khi quyền, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm hại; khi công dân yêu cầu Toà án giải quyết mọi tranh chấp thì Toà án có trách nhiệm thụ lý giải quyết mà không có quyền từ chối.
3. Các cấp Tòa án nhân dân tại Việt Nam:
Theo quy định tại Điều 3 Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014
có quy định về Tòa án nhân dân Việt Nam bao gôm những cấp tòa án như sau:
“Điều 3. Tổ chức Tòa án nhân dân
1. Tòa án nhân dân tối cao.
2. Tòa án nhân dân cấp cao.
3. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
4. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
5. Tòa án quân sự.”
Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao là giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
Theo quy định tại Điều 29 Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014 có quy định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ của Tòa án cấp cao như sau:
“Điều 29. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao
1. Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
2. Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.”
Căn cứ Điều 37 Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014 thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ có nhiệm vụ và quyền hạn như sau
“Điều 37. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.
2. Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
3. Kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị.
4. Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.”
Còn Tòa án nhân dân huyện theo quy định tại Điều 44 Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014 có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
“Điều 44. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương
1. Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.
2. Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy theo các quy đinh trên cho thấy Tòa án nhân giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong nền tư pháp của nước nhà, trong việc bảo vệ gìn giữ hòa bình, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện việc giải quyết tranh chấp trong xã hội, bảo vệ quyền con người là quyền cao nhất và đã được Hiến định, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ công lý, nơi mà công dân thực hiện gửi gắm niềm tin để bảo vệ công bằng xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Tuy nhiên để Tòa án thực hiện được chức trách nặng nề vậy đòi hỏi mỗi cá nhân trong cơ quan tư pháp cần phải luôn nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện được trọng trách nặng nề đó.