Rủi ro với doanh nghiệp bảo hiểm? Rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm?
Bảo hiểm hiện nay được coi là một lĩnh vực tài chính rất quan trọng đối với các quốc gia nói chung và với Việt Nam nói riêng. Bảo hiểm không chỉ là một biện pháp di chuyển rủi ro mà ngày nay bảo hiểm đã trở thành một trong những kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Thực tế hiện nay, không chỉ trong nước mà ngay cả nước ngoài việc các công ty bảo hiểm thành lập ngày càng nhiều đã tạo ra sức ép cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với nhau khiến thị trường ngày càng diễn biến phức tạp. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc về rủi ro đối với doanh nghiệp bảo hiểm và rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm.
1. Rủi ro với doanh nghiệp bảo hiểm
Rủi ro với doanh nghiệp bảo hiểm trên thực tế thường xuất phát từ đối tượng được bảo hiểm. Bảo hiểm là loại hình kinh doanh đặc thù, đối tượng của loại hình kinh doanh này thường là con người, tài sản và hàng hóa,… tuy nhiên các đối tượng bảo hiểm này không nằm trong sự chiếm hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm mà lại nằm trong sự quản lý của người tham gia bảo hiểm. Do vậy các doanh nghiệp bảo hiểm rất khó kiểm soát trong trường hợp người tham gia bảo hiểm muốn hủy hoại tài sản nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm.
Thêm vào đó, xuất phát từ việc đánh giá không đúng khả năng tài chính của chính doanh nghiệp bảo hiểm là có tương xứng hay không tương xứng với giá trị tài sản được bảo hiểm mà dẫn đến tình trạng trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm không tương xứng với nhau, đôi khi làm mất uy tín của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Đây cũng có thể được coi là một trong những rủi ro ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.
1.1. Vốn nhỏ, rủi ro tiềm ẩn cao
Các doanh nghiệp bảo hiểm trước khi phát hành một đơn bảo hiểm đều phải đánh giá rủi ro được bảo hiểm và thực hiện xem xét các yếu tố dẫn đến sự tăng giảm rủi ro có thể xảy ra. Từ đó doanh nghiệp bảo hiểm mới đưa ra quyết định chấp nhận hay từ chối rủi ro với phạm vi bảo hiểm như thế nào, với tỷ lệ phí bảo hiểm là bao nhiêu cho phù hợp. Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ đánh giá được rủi ro của đối tượng được bảo hiểm mà chưa thể đánh giá được những rủi ro tiềm ẩn trong chính bản thân doanh nghiệp bảo hiểm đó.
Hiện nay ở Việt Nam chưa có một tổ chức nào thực hiện việc đánh giá chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, có rất nhiều tình trạng khả năng tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm không tương xứng với giá trị tài sản được bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đó vẫn nhận bảo hiểm. Từ đó mà dẫn đến trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm là không tương xứng. Thêm vào đó, việc cạnh tranh không lành mạnh về hạ phí bảo hiểm dưới mức an toàn, tăng hoa hồng quá mức quy định hoặc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác hiện nay càng làm tăng rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam. Dẫn tới nguy cơ phá sản, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không thu xếp được tái bảo hiểm, mất uy tín hoặc ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm là khá cao.
1.2. Trục lợi bảo hiểm vẫn luôn là thách thức của doanh nghiệp
Trong hoạt động cấp đơn bảo hiểm, bởi tính minh bạch chưa cao nên người tham gia bảo hiểm hiện nay có xu hướng trục lợi bảo hiểm. Tình trạng khách hàng tham gia bảo hiểm ở nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tại cùng một thời điểm để trục lợi bảo hiểm không phải là điều hiếm gặp.
Chẳng hạn như đối với trường hợp hàng hóa được yêu cầu bảo hiểm trong hành trình vận chuyển, nhưng chưa đóng phí bảo hiểm thì khi biết hàng hóa đã về đến nơi an toàn nên khách hàng xin hủy đơn bảo hiểm hoặc hủy hợp đồng bảo hiểm nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm đóng phí bảo hiểm. Cũng có nhiều trường hợp trục lợi bảo hiểm bị phát hiện khi hàng hóa được mua bảo hiểm vận chuyển trên một con tàu ma tức là con tàu đó không tồn tại thực tế. Khách hàng đã thực hiện hành vi lừa đảo mua bảo hiểm rồi quy cho tàu vận chuyển mất tích để trục lợi đòi bồi thường toàn bộ chi phí.
Ngoài ra trong bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tàu thuyền, hành vi trục lợi bảo hiểm được thực hiện thông qua việc hợp lý hóa ngày và hiệu lực bảo hiểm. Chẳng hạn như việc tạo hiện trường giả các vụ tai nạn xe cơ giới, cháy hoặc chìm tàu hay cố ý gây tai nạn trong bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm. Hành vi trục lợi bảo hiểm còn thể hiện qua việc thực hiện gian lận đối với người thứ ba như không bồi thường cho người thứ ba, mặc dù đã nhận tiền bảo hiểm hoặc trường hợp đã đòi người thứ ba có liên đới bồi thường, tuy nhiên không khai báo với doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm
2.1. Khái niệm rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm
Rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm được hiểu là những sự kiện bất ngờ không mong đợi khi xảy ra dẫn đến một sự sai lệch, trái nghịch với kết quả mong muốn từ đó gây thiệt hại trong kinh doanh bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Khái niệm liên quan đến rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm bao gồm các khái niệm sau:
– Nguy cơ rủi ro: được hiểu là những đe dọa nguy hiểm có thể xảy ra hoặc có thể là những tình huống có thể tạo nên rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm bất kỳ lúc nào.
– Tổn thất: được hiểu là những thiệt hại, mất mát về con người hoặc tài sản do nguyên nhân từ các rủi ro gây ra, những thiệt hại đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm.
– Chi phí rủi ro: được hiểu là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ chi phí trong việc phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm được phân chia thành chi phí vô hình và chi phí hữu hình.
– Mức độ rủi ro: bởi rủi ro xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và từ đó mức độ tổn thất cũng khác nhau. Mức độ rủi ro có thể hiểu là mức độ nghiêm trọng mà thirtj hại gây ra.
2.2. Phân loại rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm
– Căn cứ về mặt giá trị, rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm được chia thành hai loại:
+ Rủi ro tài chính: được hiểu là rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể xác định hậu quả bằng tiền cũng như ấn định một số giá trị của hậu quả.
+ Rủi ro phi tài chính: đây là rủi ro gây ảnh hưởng yếu về mặt tinh thần và những vấn đề xã hội, chính vì vậy việc xác định hậu quả bằng một giá trị tài chính là điều không thể thực hiện được. Đối với một doanh nghiệp bảo hiểm thì rủi ro phi tài chính có thể là thiệt hại về mặt hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm trong mắt khách hàng và trên thị trường bảo hiểm.
– Căn cứ vào tính chất của rủi ro có thể phân chia thành:
+ Rủi ro thuần túy: đây được hiểu là rủi ro xảy ra mà chỉ dẫn đến thiệt hại, mất mát. Chẳng hạn như: người chủ sở hữu của một chiếc xe có rủi ro tổn thất tiềm ẩn liên quan đến một vụ đụng xe. Nếu xảy ra tai nạn xe thì người đó sẽ có tổn thất về tài sản, nếu không xảy ra tai nạn xe thì tình trạng tài chính của người đó sẽ vẫn như cũ.
+ Rủi ro suy đoán: đây được hiểu là những rủi ro có thể đưa đến kết quả trái ngược nhau liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.
Trên thực tế, các rủi ro thuần túy thông thường thường có được bảo hiểm, còn rủi ro suy đoán thì lại không được bảo hiểm. Bởi thực tế không ai muốn bảo hiểm các loại rủi ro mà trong đó hậu quả có thể là một món lời. Người ta sẵn sàng bỏ chi phí ra để mua bảo hiểm cho những rủi ro đầu cơ cùng với cơ hội kiếm lời.
– Căn cứ vào phạm vi tác động, rủi ro kinh doanh bảo hiểm chia thành:
+ Rủi ro cơ bản: đây được hiểu là những rủi ro xuất phát từ những biến cố khách quan và có ảnh hưởng đến toàn xã hội như chiến tranh, khủng bố, khủng hoảng kinh tế, lạm phát, thất nghiệp hoặc bất ổn về chính trị xã hội. Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không thực hiện bảo hiểm cho những loại rủi ro này.
+ Rủi ro riêng biệt: đây là các rủi ro xuất phát từ các biến cố chủ quan hoặc khách quan của từng cá nhận, tổ chức là khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm. Chẳng hạn như kho chứa hàng của một doanh nghiệp bị cháy, hoặc bị mất trộm. Thì rủi ro loại này thường nằm trong phạm vi được bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phải thực hiện chi trả cho khách hàng nhằm khắc phục những tổn thất xảy ra.
– Căn cứ vào nguyên nhân gây ra rủi ro, rủi ro kinh doanh bảo hiểm gồm có:
+ Rủi ro thiên tai: đây là những rủi ro do hiện tượng do thiên nhiên gây ra như động đất, giông bão, …
+ Rủi ro do tai nạn bất ngờ: đây là những rủi ro xuất phát từ việc đâm va, lật đổ, …
+ Rủi ro do các hiện tượng xã hội: đây là những rủi ro do chiến tranh, đình công, bạo động, nổi loạn… gây ra
– Căn cứ vào tác động của môi trường gây ra rủi ro, rủi ro kinh doanh bảo hiểm chia thành:
+ Rủi ro kinh tế: đây là những rủi ro bắt nguồn từ yếu tố kinh tế như lạm phát, kinh tế toàn cầu bị suy thoái hay khủng hoảng tài chính…Rủi ro loại này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khâu khai thác của các doanh nghiệp bảo hiểm.
+ Rủi ro về mặt pháp lý : đây là loại rủi ro liên quan đến sự đầy đủ, rõ ràng và tính minh bạch của pháp luật và tính hiện thực của luật pháp. Nếu luật pháp không đầy đủ, không rõ ràng và minh bạch thì các doanh nghiệp bảo hiểm rất dễ gặp rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
+ Rủi ro từ môi trường cạnh tranh: trên thực tế số lượng các doanh nghiệp ngày càng tăng kéo theo đó cũng làm gia tăng mức độ cạnh tranh cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
+ Rủi ro cũng có thể bắt nguồn từ thông tin về môi trường kinh doanh như doanh nghiệp bảo hiểm không nhận được thông tin hoặc nhận thông tin chậm, thiếu thông tin hay thông tin sai lệch về khách hàng.
– Căn cứ theo hoàn cảnh tác động, rủi ro kinh doanh bảo hiểm chia thành:
+ Rủi ro bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan: đây là rủi ro bắt nguồn từ tác động từ môi trường vĩ mô mà doanh nghiệp bảo hiểm không kiểm soát được như suy thoái kinh tế, lạm phát,…
+ Rủi ro bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan: đây là rủi ro xuất phát từ những yếu kém của doanh nghiệp bảo hiểm trong kinh doanh như thiếu vốn, không cập nhật thông tin trong quản lý hay không có kiến thức và kinh nghiệm…