Hình thức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được pháp luật hành chính quy định như sau:
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức phạt chính sau đây: Cảnh cáo; Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt đối với hành vi đó. Trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, mức phạt tiền có thể thấp hơn nhưng không thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt. Đối với hành vi có tình tiết tăng nặng, mức phạt có thể tăng lên nhưng không quá mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó.
Các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khác được áp dụng kèm theo hình phạt chính nếu pháp luật có quy định. Theo đó, cá nhân, tổ chức có thể bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung kèm theo hình thức phạt chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm.
Cá nhân, tổ chức có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung sau đây:
– Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với các loại Giấy chứng nhận, Giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày
– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài các hình thức xử phạt chính và bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 179/2013/NĐ-CP, theo đó sẽ bị áp dụng những biện pháp khắc phục hậu quả cơ bản sau đây:
– Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc trồng lại, chăm sóc và bảo vệ diện tích khu bảo tồn đã bị phá hủy, phục hồi sinh cảnh ban đầu cho các loài sinh vật, thu hồi nguồn gen từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật;
– Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không đúng quy định về bảo vệ môi trường; buộc tháo dỡ công trình, trại chăn nuôi, khu nuôi trồng thủy sản, nhà ở, lán trại xây dựng trái phép trong khu bảo tồn;
– Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học;
– Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, máy móc, thiết bị phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, vật phẩm, chế phẩm sinh học và phương tiện nhập khẩu, đưa vào trong nước không đúng quy định về bảo vệ môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện có chứa loài ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Buộc tiêu hủy pháo nổ, hàng hóa, máy móc, thiết bị phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, vật phẩm, chế phẩm sinh học và phương tiện nhập khẩu đưa vào trong nước không đúng quy định về bảo vệ môi trường hoặc gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường; buộc tiêu hủy loài sinh vật ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen chưa có Giấy chứng nhận an toàn sinh học;
– v.v…