Để hợp đồng kinh doanh quốc tế có hiệu lực thì nội dung và mục đích không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội của các quốc gia có liên quan.
Để hợp đồng có hiệu lực thì nội dung và mục đích của hợp đồng kinh doanh quốc tế không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội của các quốc gia có liên quan. Để bảo vệ trật tự công cộng, bảo vệ các giá trị đạo đức xã hội, bảo vệ quyền tự do và lợi ích của người khác, hệ thống pháp luật nào cũng có những quy định cấm một số hành vi nhất định không được làm, ví dụ cấm kinh doanh một số hàng hóa/dịch vụ nhất định. Hợp đồng sẽ bị vô hiệu nếu hàng hóa, dịch vụ – đối tượng của hợp đồng bị cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật của một trong số các quốc gia có liên quan. Tùy thuộc vào từng giai đoạn của nền kinh tế, xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước mà những hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh được pháp luật quy định một cách phù hợp.
Đạo đức xã hội không phải là một khái niệm pháp luật, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như văn hóa, lịch sử, kinh tế… Hầu hết các hệ thống pháp luật không có giải thích chính thức về vấn đề này. Các thẩm phán, trọng tài viên thường căn cứ vào án lệ hoặc tư duy logic của mình để giải thích. Nhìn chung, đạo đức xã hội là những hành vi được số đông trong xã hội ứng xử và chấp nhận. Hành vi trái với những hành vi đó có thể coi là trái với đạo đức xã hội.
Trong kinh doanh quốc tế, các hợp đồng vi phạm trật tự công cộng thường cũng bị coi là không có hiệu lực. Trật tự công cộng cũng là một vấn đề không được quy định rõ bằng pháp luật và thường được giải thích bằng án lệ, phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau.
Nội dung của hợp đồng hợp pháp còn có nghĩa là các điều khoản của hợp đồng phải tuân theo các quy phạm bắt buộc của pháp luật. Ví dụ, điều khoản phạt tron hợp đồng nếu quy định mức phạt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm thì sẽ tuyên bố vô hiệu do trái với quy định của pháp
Nội dung hợp đồng phải hợp pháp nghĩa là hợp đồng đó phải có các điều khoản chủ yếu của hợp đồng. Điều khoản chủ yếu của hợp đồng, hay còn gọi là điều khoản cơ bản, điều khoản luật định của hợp đồng, là những điều khoản bắt buộc phải có trong hợp đồng, nếu thiếu một trong các điều khoản đó thì hợp đồng không có giá trị pháp lý.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Tuy nhiên, luật pháp các nước quy định về các điều khoản này lại không giống nhau. Ví dụ, theo luật Anh – Mỹ, điều khoản chủ yếu của một hợp đồng mua bán hàng hóa là đối tượng hợp đồng. Như vậy, khi ký hợp đồng các bên chỉ cần thỏa thuận xong đối tượng hợp đồng thì coi như hợp đồng đã được thành lập, còn các điều khoản khác có thể quy định sau. Theo luật của các nước Pháp, Đức, Nhật Bản… thì điều khoản chủ yếu của hợp đồng là đối tượng và giá cả. Luật pháp của các nước Đông Âu quy định điều khoản chủ yếu của hợp đồng bao gồm đối tượng, giá cả và thời hạn giao hàng. Theo Công ước Viên năm 1980 thì một đề nghị ký kết hợp đồng đủ chính xác phải bao gồm tên hàng hóa, số lượng và giá cả. Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 không quy định những nội dung chủ yếu mà một hợp đồng mua bán phải có.
Như vậy, về vấn đề điều khoản chủ yếu của hợp đồng bao gồm những điều khoản nào thì chưa được các nguồn luật thống nhất. Vì thế, trong kinh doanh quốc tế có trường hợp hợp đồng được coi là đã ký kết theo luật nước này, nhưng lại bị coi là chưa được ký kết theo luật nước khác.