Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm phải là hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh và đáp ứng các điều kiện. Khi xuất khẩu văn hóa phẩm, cơ quan, tổ chức phải viết đơn đề nghị giám định văn hóa phẩm xuất khẩu.
Mục lục bài viết
1. Đơn đề nghị giám định văn hóa phẩm xuất khẩu là gì?
Đơn đề nghị giám định văn hóa phẩm xuất khẩu là văn bản do cơ quan, tổ chức xuất khẩu văn hóa phẩm gửi tới cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan này thực hiện hoạt động thẩm định nội dung văn hóa phẩm.
Tại sao phải đặt ra vấn đề giám định văn hóa phẩm xuất khẩu? Trả lời cho câu hỏi này, tác giả đưa ra hai vấn đề như sau:
– Thứ nhất, việc giám định nhằm tránh tình trạng xuất khẩu tràn lan, các văn hóa phẩm liên quan đến an ninh quốc gia, các giá trị văn hóa cấm xuất khẩu.
– Thứ hai, việc giám định văn hóa phẩm xuất khẩu nhằm đưa đến nước bạn các văn hóa phẩm đặc sắc, thể hiện được các giá trị của đất nước, con người.
Đơn đề nghị giám định văn hóa phẩm xuất khẩu là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quản lý văn hóa phẩm xuất khẩu, là cơ sở để cho phép hay không chó phép đối với các văn hóa phẩm có nội dung vi phạm quy định, là cơ sở nắm bắt tình hình xuất khẩu văn hóa phẩm trong phạm vi, địa bàn nhất định.
2. Mẫu đơn đề nghị giám định văn hóa phẩm xuất khẩu mới nhất:
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC
(nếu là cơ quan, tổ chức)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
………, ngày…… tháng…….. năm …
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
GIÁM ĐỊNH VĂN HOÁ PHẨM XUẤT KHẨU
Kính gửi: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
(hoặc) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh/thành
Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân (đề nghị giám định)…….
Địa chỉ: ………….
Điện thoại: ……..
Đề nghị …………… (tên cơ quan giám định) giám định văn hóa phẩm xuất khẩu dưới đây:
Loại văn hoá phẩm: ……….
Số lượng:………….
Nội dung văn hoá phẩm:………..
Gửi từ: ………
Đến:………….
Mục đích sử dụng:…………..
Chúng tôi xin cam kết thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về xuất khẩu văn hóa phẩm./.
Người đề nghị giám định
(nếu là cơ quan, tổ chức phải ký tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn mẫu đơn đề nghị giám định văn hóa phẩm xuất khẩu chi tiết nhất:
Trước hết, người viết đơn ghi tên cơ quan, tổ chức ở góc trái trên cùng của tờ đơn.
Tiếp đến, người viết đơn ghi địa danh, ngày tháng năm làm đơn, ví dụ: Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2021.
Ghi các thông tin gắn với cơ quan tổ chức bao gồm tên, địa chỉ, cách thức liên hệ.
Ghi rõ các nội dung đề nghị cơ quan giám định thực hiện bao gồm: loại văn hóa phẩm, số lượng; nội dung; mục đích sử dụng và nơi gửi và nơi đến.
Cuối đơn, người đề nghị ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu (nếu có).
4. Các vấn đề pháp lý về xuất khẩu văn hóa phẩm:
Hoạt động xuất khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (sau đây gọi là xuất khẩu văn hóa phẩm): Là hoạt động đưa từ Việt Nam ra nước ngoài qua cửa khẩu, mạng internet hoặc các hình thức khác đối với văn hóa phẩm để sử dụng riêng, biếu, tặng, thừa kế, triển lãm, dự thi, hợp tác trao đổi, hội thảo, liên hoan, viện trợ, phổ biến hoặc các mục đích khác không mang tính thương mại thu lợi nhuận.
Văn hóa phẩm bao gồm:
– Các bản ghi âm, ghi hình; các loại phim, băng từ, đĩa mềm, đĩa cứng, đĩa quang đã ghi nội dung; các sản phẩm công nghệ nghe nhìn khác đã ghi thông tin ở dạng chữ viết, âm thanh hoặc hình ảnh;
– Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, tranh, nhiếp ảnh;
– Di sản văn hóa vật thể và các sản phẩm liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể.
Cá nhân, tổ chức có văn hóa phẩm xuất khẩu đã được sản xuất, công bố, phổ biến và lưu hành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam khi xuất khẩu không cần giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch, chỉ làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp cần giám định nội dung văn hóa phẩm, cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu tiến hành trưng cầu giám định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có văn hóa phẩm xuất khẩu, cụ thể:
– Các loại băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình các loại phim, các loại băng từ, đĩa mềm, đĩa cứng, đĩa quang đã ghi nội dung, các sản phẩm công nghệ nghe nhìn khác đã ghi thông tin ở dạng chữ viết, âm thanh, hình ảnh đã phát hành, lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
– Các loại phim chụp ảnh, băng, đĩa ghi tiếng, ghi hình có nội dung về sinh hoạt cá nhân, gia đình.
– Các loại tranh, tượng, tác phẩm mỹ thuật không vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP là tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức và không phải là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Các loại văn hóa phẩm dưới đây phải được cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch giám định trước khi xuất khẩu: Các loại phim của các cơ quan, tổ chức hoặc phim hợp tác cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài chưa được công bố, phổ biến; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Thủ tục giám định văn hóa phẩm xuất khẩu:
– Cá nhân, tổ chức có văn hóa phẩm phải được giám định trước khi xuất khẩu nộp trực tiếp 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị giám định tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch có thẩm quyền được quy định tại Điều 4 Thông tư này. Hồ sơ đề nghị giám định gồm:
+ Đơn đề nghị giám định văn hóa phẩm (mẫu đơn BM.GĐ ban hành kèm theo Thông tư này);
+ Văn hóa phẩm đề nghị giám định;
+ Bản gốc hoặc bản sao có công chứng quyết định cho phép hợp tác làm phim với nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền; bản gốc hoặc bản sao có công chứng quyết định cho phép xuất khẩu di vật, cổ vật (bao gồm cả di vật, cổ vật tái xuất khẩu) của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
+ Tài liệu có liên quan chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của di vật, cổ vật.
Thời gian giám định tối đa không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan giám định sẽ quyết định thời gian giám định. Biên bản giám định văn hóa phẩm là cơ sở để cơ quan hải quan giải quyết thủ tục xuất khẩu văn hóa phẩm.
Nhìn chung thủ tục giám định văn hóa phẩm xuất khẩu khá đơn giản, đơn giản trong hồ sơ và cả trình tự thực hiện. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động xuất khẩu không vì mục đích thương mại.
Thẩm quyền giám định văn hóa phẩm xuất khẩu:
Cơ quan văn hóa, thể thao và du lịch có trách nhiệm giám định văn hóa phẩm xuất khẩu, cụ thể:
– Phòng Quản lý xuất nhập văn hóa phẩm thuộc Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm thủ tục giám định văn hóa phẩm đối với cá nhân, tổ chức ở Trung ương.
– Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan văn hóa, thể thao và du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch uỷ quyền làm thủ tục giám định văn hóa phẩm đối với cá nhân, tổ chức tại địa phương.
Thẩm quyền được trao cho cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương, điều này nhằm chia sẻ gánh nặng trong trách nhiệm giám định giữa cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
– Nghiên cứu, soạn thảo trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước về văn hóa phẩm, hướng dẫn trình tự, thủ tục giám định văn hóa phẩm xuất khẩu, nhập khẩu và các điều, khoản có liên quan tại Nghị định này.
– Kiểm tra, cấp giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm theo thẩm quyền; tổ chức giám định hoặc giám định văn hóa phẩm theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
– Thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm theo thẩm quyền.
– Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm.
Với tư cách là cơ quan quản lý hoạt động văn hóa thể dục, thể thao, Bộ văn hóa thể thao và dụ lịch có nhiệm vụ quyền hạn đặc trưng, đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo mọi vấn đề phát sinh trong việc giám định văn hóa phẩm xuất khẩu.
Kiểm tra, thanh tra:
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thanh tra, kiểm tra việc quản lý, cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm của cá nhân, tổ chức hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm.
– Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thanh tra, kiểm tra thủ tục hải quan về xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm theo Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra việc xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng văn hóa phẩm của các đơn vị thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Để đảm bảo được rằng việc thực hiện giám định, xuất khẩu văn hóa phẩm là đúng pháp luật, quy định về kiểm tra, thanh tra là cơ sở pháp lý quan trọng để phát sinh trách nhiệm của chủ thể có thẩm quyền nhằm phát hiện, xử lý hành vi vi phạm.
Văn hóa phẩm cấm xuất khẩu:
– Nghiêm cấm xuất khẩu các loại văn hóa phẩm sau đây:
+ Có nội dung chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân;
+ Có nội dung kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác;
+ Có nội dung thuộc về bí mật nhà nước;
+ Có nội dung thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống nhằm xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm công dân;
+ Các loại văn hóa phẩm khác mà pháp luật cấm tàng trữ, phổ biến, lưu hành tại Việt Nam.
– Trong trường hợp cần thiết, các Bộ, ngành ở Trung ương được nhập khẩu các loại văn hóa phẩm quy định tại Khoản 1 Điều này để phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ hoặc nghiên cứu. Thủ tục nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này. Người đứng đầu cơ quan có văn hóa phẩm nhập khẩu phải quản lý, sử dụng đúng theo quy định của pháp luật.
Việc quy định về văn hóa phẩm cấm xuất khẩu là điều hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh các văn hóa phẩm được “xuất khẩu” qua môi trường internet ngày càng nhiều. Phần lớn các đối tượng cấm xuất khẩu là các văn hóa phẩm liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật quốc gia, các anh hùng dân tốc, vĩ nhân việt nam, là những văn hóa phẩm không được lưu hành tại Việt Nam và càng không được xuất khẩu.
Cơ sở pháp lý:
Thông tư 07/2012/TT-BVHTTDL hướng dẫn Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.