Tổng quan về đánh giá môi trường chiến lược? Lợi ích của đánh giá môi trường chiến lược? Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC)?
Việc bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm. Đánh giá môi trường chiến lược được xem là một công cụ hữu hiệu nhằm mục đích mang lại có con người một cuộc sống an toàn, tốt đẹp và trong sạch hơn. Ngoài ra, đánh giá tác động môi trường còn giúp cho việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường được thuận lợi hơn trong thực tế. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về đánh giá môi trường chiến lược và thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Dịch vụ Luật sư
1. Tổng quan về đánh giá môi trường chiến lược:
1.1. Đánh giá môi trường chiến lược là gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đánh giá môi trường chiến lược được hiểu là việc các chủ thể thực hiện việc phân tích, dự báo các tác động liên quan đến môi trường của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển để tư đó đưa ra các giải pháp nhằm mục đích giảm thiểu các tác động bất lợi đến môi trường, làm nền tảng và được tích hợp trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
1.2. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược:
Các nhóm chiến lược, quy hoạch phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược gồm các đối tượng sau đây:
– Thứ nhất, chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế – xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế.
– Thứ hai, các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của các cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
– Thứ ba, các chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp.
– Thứ tư, các chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quy mô từ hai tỉnh trở lên.
– Thứ năm, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có tác động lớn đến môi trường.
– Cuối cùng là điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các đối tượng nêu trên.
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nêu trên phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
1.3. Nội dung chính của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, nội dung chính của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược bao gồm:
– Trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược phải nêu rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý của nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
– Trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cần nêu phương pháp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
– Phải tóm tắt nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
– Môi trường tự nhiên và kinh tế – xã hội của vùng chịu sự tác động bởi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
– Các đối tượng thực hiện báo cáo cần đánh giá sự phù hợp của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường.
– Đánh giá, dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường trong trường hợp thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
– Các đối tượng thực hiện báo cáo cần đưa ra đánh giá, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
– Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
– Đưa ra các giải pháp duy trì xu hướng tích cực, phòng ngừa, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
– Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và kiến nghị hướng xử lý.
2. Lợi ích của đánh giá môi trường chiến lược:
Đánh giá môi trường chiến lược có một số những lợi ích cụ thể như sau:
– Đánh giá môi trường chiến lược giúp làm giảm chi phí do đánh giá môi trường chiến lược là công cụ để sớm loại bỏ được các dự án phát triển không khả thi mà sau đó có thể sẽ bị bác bỏ do các nguyên nhân về môi trường. Từ đó việc đánh giá môi trường chiến lược còn giúp cho nhà nước ta tiết kiệm được các khoản chi phí liên quan đến việc giải quyết các vấn đề về môi trường.
– Đánh giá môi trường chiến lược còn giúp tiết kiệm được thời gian do đánh giá môi trường chiến lược là một công cụ được sử dụng với mục đích để sớm giải quyết được các xung đột xảy ra trong thực tế. Đánh giá môi trường chiến lược còn làm giảm các rủi ro xảy ra do các xung đột giữa các bên liên quan về vấn đề môi trường và giảm được sự chậm trễ trong việc thực hiện các CKQ. Do nó hướng được trọng tâm (và có thể làm đơn giản hóa) cho công tác đánh giá môi trường chiến lược đối với các dự án trong giai đoạn thực hiện quyết định chiến lược – điều này giúp tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí.
– Đánh giá môi trường chiến lược giúp nâng cao được sự tin cậy của công chúng đối với quá trình xây dựng CQK và quá trình ra quyết định. Bởi vì đánh giá môi trường chiến lược đã góp phần tạo ra được những cơ hội để công chúng có thể đóng góp ý kiến của mình cho quá trình xây dựng CQK. Khi được thực hiện tốt, đánh giá môi trường chiến lược còn có thể giúp huy động được sự hỗ trợ của các bên liên quan chủ chốt trong việc thực hiện các CKQ.
– Đánh giá môi trường chiến lược nâng cao được chất lượng của việc ra quyết định của các CKQ. Đánh giá môi trường chiến lược làm tăng cường được sự gắn kết giữa mục tiêu phát triển kinh tế trong quá trình xây dựng CQK và các vấn đề môi trường. Do đánh giá môi trường chiến lược góp phần tạo ra khả năng để Nhà nước ta đạt được những mục tiêu về môi trường. Không những thế, đánh giá môi trường chiến lược đã trợ giúp để chuyển đổi từng bước trong phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Tại Việt Nam, đánh giá môi trường chiến lược được coi là một công cụ lồng ghép phát triển bền vững vào quá trình lập kế hoạch, quy hoạch và chiến lược. Quan điểm phát triển bền vững được xác định là phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững thông qua tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
– Đánh giá môi trường chiến lược còn là một trong những công cụ quan trọng giúp con người mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn mà không gây tác động đến môi trường sinh thái. Với các công cụ nghiên cứu cũng như sự nỗ lực lồng ghép các mục tiêu môi trường vào quá trình làm Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch sẽ giúp cho việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường được thuận lợi hơn và mang lại những hiệu quả thiết thực hơn. Chỉ với chí phí nhỏ nhưng mang lại một lợi ích lớn. Hiện nay, đánh giá môi trường chiến lược đang dần chứng tỏ nó là một công cụ hữu dụng nếu được sự quan tâm thích đáng của những người làm Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch.
– Bản chất của việc đánh giá môi trường chiến lược là việc thực hiện đánh giá, xác định hiệu quả của các chính sách, kế hoạch và chương trình trên cơ sở lợi ích lâu dài của đất nước và xã hội. Nếu không từng bước đạt được những thành công trong việc bảo tồn tài nguyên hay nguồn nhân lực của một quốc gia hay vùng lãnh thổ thì các chính sách môi trường viết hay nhất, hoặc các chương trình môi trường diễn tả hay nhất cũng sẽ trở lên vô nghĩa. Các chính sách và chương trình môi trường cần phải được đánh giá một cách đầy đủ về hiệu quả và thông qua cảnh báo sớm gắn với quá trình đánh giá môi trường chiến lược, cũng chính từ đó chúng có thể được điều chỉnh để phục vụ tốt hơn các ưu tiên về bảo vệ môi trường trong thực tế đời sống.
3. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC):
Căn cứ theo quy định tại Điều 10
– Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược phải được tiến hành thông qua Hội đồng thẩm định do Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thành lập với ít nhất chín thành viên.
Cơ cấu hội đồng thẩm định bao gồm:
+ Chủ tịch hội đồng.
+ Một Phó Chủ tịch hội đồng trong trường hợp cần thiết.
+ Một Ủy viên thư ký.
+ Hai Ủy viên phản biện.
+ Một số Ủy viên.
Cần lưu ý rằng trong đó có ít nhất 30% số thành viên hội đồng có từ năm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh giá môi trường chiến lược.
– Hội đồng thẩm định có trách nhiệm xem xét nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và đưa ra ý kiến thẩm định. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn hoạt động của hội đồng thẩm định.
– Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược có thể được thực hiện bổ sung các hoạt động sau đây, cụ thể là:
+ Thứ nhất: Khảo sát vùng thực hiện dự án và khu vực phụ cận;
+ Thứ hai: Kiểm chứng, đánh giá các thông tin, dữ liệu, kết quả phân tích, đánh giá, dự báo trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;
+ Thứ ba: Lấy ý kiến của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các chuyên gia liên quan;
+ Thứ tư: Tổ chức các cuộc họp chuyên gia đánh giá theo chuyên đề.
Nội dung thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gồm:
– Thứ nhất: thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cơ sở pháp lý được sử dụng để lập chiến lược, quy hoạch và thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
– Thứ hai: Các phương pháp được sử dụng thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (bao gồm phương pháp sử dụng, cách sử dụng phương pháp).
– Thứ ba: Các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp về bảo vệ môi trường liên quan đến chiến lược, quy hoạch nêu trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
– Thứ tư: Các vấn đề môi trường chính đã được dự báo, nhận dạng khi triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch.
– Thứ năm: Các đánh giá, dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường chính.
– Thứ sáu: Các đánh giá, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch.
– Thứ bảy: Các giải pháp được đề xuất để duy trì xu hướng tích cực, phòng ngừa, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính.
– Thứ tám: Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược, quy hoạch được đề xuất bổ sung, điều chỉnh; các vấn đề môi trường đã được nhận diện nhưng chưa được điều chỉnh trong chiến lược, quy hoạch.
– Cuối cùng là những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, phân tích trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch.
Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là một công cụ được sử dụng để quản lý và bảo vệ môi trường. Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược mang lại những ý nghĩa to lớn trong thực tiễn. Dựa vào kết quả của đánh giá của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược mà người ta có thể chỉ ra các định hướng chính xác hơn, cụ thể hơn cho công tác ĐTM trong giai đoạn xây dựng các dự án đầu tư tiếp theo đối với những ngành, những vùng cụ thể. Cũng chính vì thế mà công tác ĐTM sẽ nâng cao hiệu quả và có chất lượng cao hơn.