Ngân sách nhà nước là bản thông điệp phản ánh những ưu tiên phát triển của quốc gia gắn với kế hoạch phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính công
* Cơ sở pháp lý:
Cơ sở pháp lý cao nhất để Quốc hội thực hiện quyền và trách nhiệm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 84 Hiến pháp năm 1992: “Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”.
Khoản 7 Điều 15 Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 quy định về trách nhiệm quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính – ngân sách như sau: “Giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước, các dự án và công trình quan trọng quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, các dự án và công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác”.
a, Hình thức giám sát.
hứ nhất, về hình thức xét báo cáo. Theo quy định của thì hoạt động xét báo cáo của Quốc hội dựa trên cơ sở hoạt động thẩm tra báo cáo của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội. Thông qua hoạt động thẩm tra, các báo cáo công tác của đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội được đánh giá mức độ chính xác, trung thực và khách quan. Trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, Quốc hội xem xét các báo cáo sau: báo cáo tình hình thực hiện dự toán NSNN năm hiện hành và dự toán NSNN năm sau; báo cáo về tình hình phân bổ ngân sách năm hiện hành và phương án bổ sung ngân sách năm sau; báo cáo tình hình đầu tư và sử dụng vốn NSNN của các công trình dự án quan trọng của quốc gia…
Thứ hai, về hình thức giám sát thông qua việc thành lập các đoàn giám sát. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội thành lập các đoàn giám sát để đi giám sát hoạt động của các cơ quan của Chính phủ, hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương. Việc thành lập các đoàn đi giám sát được tiến hành trên cơ sở căn cứ vào chương trình giám sát của các chủ thể có quyền giám sát (giám sát theo định kỳ) hoặc theo yêu cầu của Quốc hội hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan (giám sát đột xuất). Cử thành viên Đoàn giám sát đi xác minh các vấn đề tài chính – ngân sách.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba, về hình thức chất vấn của đại biểu Quốc hội. Chất vấn của đại biểu Quốc hội là yêu cầu của đại biểu (với tư cách là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội) đối với Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, buộc người bị chất vấn phải giải thích về những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, thuộc lĩnh vực hoạt động của cơ quan do người bị chất vấn phụ trách. Trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ tài chính về quản lý, sử dụng ngân sách; kiểm tra, thanh tra, chất lượng kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực tài chính ngân sách… Qua việc chất vấn này, Quốc hội giám sát công tác quản lý điều hành NSNN…Như vậy, chất vấn tuy là quyền của cá nhân từng đại biểu Quốc hội, nhưng khi đại biểu thực hiện quyền này thì có tính chất là một hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Hình thức chất vấn có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tính công khai, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.
b, Nội dung giám sát.
Pháp luật hiện hành của nhà nước ta quy định: Quốc hội quyết định NSNN và Quốc hội cũng là cơ quan giám sát việc thực hiện NSNN. Quốc hội đã và đang thực hiện quyền giám sát đối với tất cả các công đoạn của quy trình ngân sách, từ giai đoạn quyết định dự toán, phân bổ ngân sách đến quyết toán ngân sách. Chính phủ trình bản dự toán phương án phân bổ và bản quyết toán ngân sách lên Quốc hội để Quốc hội quyết định hoặc phê chuẩn. Còn việc Quốc hội có quyết định hoặc phê chuẩn những nội dung do Chính phủ trình hay không là quyền của Quốc hội. Để có thể quyết định hoặc phê chuẩn một cách thực chất các văn bản, báo cáo, các nội dung về NSNN do Chính phủ trình lên, thì Quốc hội cần đôn đốc, kiểm tra, theo dõi ngay từ khi bắt đầu quy trình ngân sách, đề nghị điều chỉnh kịp thời (nếu cần thiết), chứ không thể đợi đến khi được trình lên rồi mới xem xét, góp ý. Sau khi Chính phủ trình lên Quốc hội, Quốc hội tiếp tục xem xét, thẩm tra và thảo luận. Trong quá trình xem xét, thẩm tra và thảo luận, nếu cần làm sáng tỏ hoặc cần có sự điều chỉnh, Quốc hội có quyền yêu cầu Chính phủ giải trình hoặc chỉnh sửa. Đó chính là các công việc cần làm của giám sát. Khi Quốc hội thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa các chức năng lập pháp, chức năng quyết định các vấn đề về ngân sách như quy định của pháp luật thì cũng chính là Quốc hội đã thực hiện quyền giám sát ngân sách ở tất cả các công đoạn của quy trình ngân sách. Như vậy, giám sát của Quốc hội về NSNN là một quá trình từ lúc bắt đầu lập dự toán NSNN cho đến khi Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN. Bao gồm:
– Giám sát quá trình lập, thẩm tra và quyết định dự toán ngân sách.
– Giám sát quá trình xây dựng phương án, thẩm tra và quyết định phương án phân bổ ngân sách trung ương.
– Giám sát việc giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các Bộ, ngành trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Giám sát quá trình chấp hành dự toán, quản lý và điều hành NSNN.
– Giám sát quá trình lập, thẩm định, thẩm tra, xét duyệt và phê chuẩn quyết toán ngân sách (gọi tắt là phê duyệt quyết toán ngân sách).