Tặng quà là hình thức thương nhân dùng hàng hóa, dịch vụ làm quà tặng cho khách hàng không thu tiền.
a. Khái niệm và đặc điểm
Tặng quà là hình thức thương nhân dùng hàng hóa, dịch vụ làm quà tặng cho khách hàng không thu tiền. Hàng hóa, dịch vụ làm quà tặng có thể là hàng hóa, dịch vụ của thương nhân đang kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác.
Việc tặng quà cho khách hàng có thể được thực hiện trực tiếp tức là quà được trao trực tiếp cho khách hàng vào thời điểm họ mua hàng (như gắn quà tặng vào gói hàng; gói quà trong bao bì sản phẩm, phát tận tay khách hàng) hoặc tặng quà theo yêu cầu sau khi người tiêu dùng gửi bằng chứng về việc mua hàng của mình qua bưu điện hoặc trực tiếp tới địa điểm khuyến mại
b. Quy định pháp luật
Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại: Hàng hóa, dịch vụ làm quà tặng có thể là hàng hóa do chính thương nhân đang kinh doanh hoặc là hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác và phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp (khoản 2,3 Điều 94 Luật thương mại 2005). Việc luật pháp cho phép sử dụng hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác để phát tặng khuyến khích sự liên kết xúc tiến thương mại của các thương nhân nhằm khai thác lợi ích tối đa. Việc tặng quà trong trường hợp này không chỉ có cơ hội quảng cáo, mà còn giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ của nhau.
Nghĩa vụ của thương nhân thực hiện khuyến mại: thương nhân phải đảm bảo cho quyền lợi của khách hàng: chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa tặng cho khách hàng, dịch vụ không thu tiền; phải thông bào cho khách hàng đầy đủ thông tin liên quan đến chương trình khuyến mại (tên, thời gian, địa điểm, điều kiện, nội dung chương trình khuyến mại ). Việc không thông báo công khai thông tin theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức nhất định. Những quy định này góp phần siết chặt các hoạt động khuyến mại vào khuôn khổ pháp luật, đòi hỏi sự nghiêm túc, trung thực của các thương nhân khi thực hiện khuyến mại, ngăn ngừa các hành vi gian lận và bảo vệ lợi ích chính đáng của đông đảo người tiêu dùng. Quà tặng bao giờ cũng đi kèm với hàng vi mua bán hàng hóa. Giá trị của quà tặng phải đảm bảo được giá trị quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 37/2006/NĐ-CP nghĩa là: Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để làm quà tặng mà thương nhân thực hiện trong chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
c. Ưu, nhược điểm
Mục đích của quà tặng là nhằm tăng thêm số lượng hàng hóa bán ra, lôi kéo khách hàng đang sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thương nhân khuyến mại. Hình thức khuyến mại này có tác dụng đặc biệt tạo nên sức hấp dẫn người mua khi giữa các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường không có sự khác biệt đáng kể. Ngoài ra, một chiến dịch tặng quà được tổ chức chuyện nghiệp sẽ phát huy hiệu quả lớn trong việc xây dựng cảm tình của khách hàng với doanh nghiệp, củng cố mối quan hệ tốt đẹp và duy trì vững chắc sự gắn bó với các thương hiệu của doanh nghiệp. Để đạt được điều đó, quà tặng phải đáp ứng được các yêu cầu như: giá trị quà tặng phải vượt lên so với giá trị thực mà khách hàng phải trả (tức là phải có một giá trị thật về giá cả và chất lượng); quà tặng phải là sản phẩm hữu ích, phải có sức hấp dẫn nhất định đủ để làm cho khách hàng muốn sở hữu nó.
Tuy nhiên, đây là hình thức sẽ làm giảm lợi nhuận trong thời gian đầu áp dụng. Vì tất nhiên thương nhân sẽ mất phần lợi nhuận vào hàng hóa, hay dịch vụ miễn phí. Thứ hai, đối với khách hàng thì hàng hóa, dịch vụ được tặng miễn phí sẽ không được đảm bảo về chất lượng một cách tốt nhất. Cũng do đây là hình thức được áp dụng phổ biến nên dần dần khi áp dụng nhiều sẽ tạo nên tâm lý chờ đợi chỉ mua hàng khí có khuyến mại.