Tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định trong luật doanh nghiệp đã gây ra nhiều bất cập trong thực tiễn.
Tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
1. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
– Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật này;
– Là cá nhân sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ của công ty hoặc người không phải là thành viên, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong các ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.
2. Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định như trên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ.
3. Ngoài ra Tổng giám đốc (giám đốc) Công ty cổ phần không được làm Giám đốc (Tổng giám đốc) doanh ngiệp khác.
Tại Điều 57 – Luật doanh nghiệp 2005 (giống như Công ty TNHH hai thành viên) là “Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp khác”. Vậy tại sao chỉ Giám đốc công ty cổ phần mới không được làm Giám đốc của các doanh nghiệp khác, còn Giám đốc của các doanh nghiệp khác lại được làm Giám đốc của nhiều doanh nghiệp khác? Đây là vấn đề mà có lẽ ngay cả những người soạn thảo Luật doanh nghiệp 2005 cũng không thể trả lời một cách thoả đáng và thuyết phục về mặt lý luận và thực tiễn. Hệ luỵ là các doanh nghiệp đành “lách luật” bằng cách quy định trong Điều lệ công ty cổ phần rằng Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật và đứng tên trong đăng ký doanh để cá nhân đó có thể đồng thời làm Giám đốc các doanh nghiệp khác hoặc làm Giám đốc của công ty cổ phần và đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của các doanh nghiệp khác.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Quay lại tiêu chuẩn và điều kiện phải “sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ” trong Điều 57 – Luật doanh nghiệp 2005 được áp dụng với công ty cổ phần sẽ thấy sự bất hợp lý của quy định này. Thông thường một cổ đông sở hữu được từ 10% vốn điều lệ quả là không nhiều ở các công ty cổ phần có quy mô lớn, vì sở hữu 5% tổng số cổ phần phổ thông đã được coi là “cổ đông lớn” (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ…). Do vậy chính quy định này sẽ hạn chế cơ hội tham gia quản lý của rất nhiều “cổ đông lớn” trong công ty cổ phần. Hơn thế nữa chỉ cần sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông (chứ chưa nói đến tổng vốn điều lệ) đã có thể trở thành thành viên Hội đồng quản trị (cơ quan có thẩm quyền cao hơn) theo Điều 110 – Luật doanh nghiệp 2005, nhưng lại phải “sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ” mới có thể làm Giám đốc là hơi ngược và không hợp lý trong quy luật chung về quản lý.
Từ các quy định của Luật doanh nghiệp 2005 về tiêu chuẩn và điều kiện của Giám đốc hay thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát áp dụng vào thực tiễn sẽ để lại nhiều hệ luỵ phức tạp, khó khăn cho cả nhà nước, các doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan khác. Thậm chí là cơ sở để các Bộ, Ngành khác có cơ sở ban hành các văn bản hướng dẫn quy định thêm các điều kiện, tiêu chuẩn khác liên quan đến đặc thù của lĩnh vực (ví dụ chứng chỉ hành nghề, thâm niên công tác…) gây cản trở cho hoạt động kinh doanh, quản lý nội bộ của doanh nghiệp và là rào cản trong việc gia nhập thị trường trong nước và quốc tế của các nhà đầu tư.
Thiết nghĩ vấn đề về tiêu chuẩn và điều kiện của những người lãnh đạo quan trọng trong công ty vốn là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp và nhất thiết phải dành doanh nghiệp có quyền tự chủ trong việc đưa ra các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình trên cơ sở các quy định khung của luật. Có như vậy pháp về doanh nghiệp mới tạo điều kiện để thúc đẩy các quan hệ kinh doanh – thương mại, lao động phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.