Tôi và bạn trai (mang quốc tịch Mỹ) sống với nhau tại Việt Nam được 5 năm, chưa đăng ký kết hôn. Đứa con sắp chào đời của tôi có được mang họ và quốc tịch của cha không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi và bạn trai (mang quốc tịch Mỹ) sống với nhau tại Việt Nam được 5 năm, chưa đăng ký kết hôn. Đứa con sắp chào đời của tôi có được mang họ và quốc tịch của cha không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Do bạn và bạn trai chưa đăng ký kết hôn nên đứa con sinh ra được gọi là con ngoài giá thú. Thủ tục làm đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú cũng giống như đăng ký khai sinh cho con trong giá thú, nếu cả cha và mẹ đều thừa nhận đứa con, đồng thời làm thủ tục nhận con.
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày đứa con sinh ra, cha hoặc mẹ (hoặc ông, bà) phải đi đăng ký khai sinh cho con.
Vì bạn trai của bạn là người nước ngoài (quốc tịch Mỹ) nên đây được xác định là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Hiện tại, bạn sống ở Việt Nam nên theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về thẩm quyền đăng ký khai sinh: “Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam, được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha là công dân Việt Nam”. Như vậy, để đăng ký khai sinh cho con, bạn cần đến Sở Tư pháp nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú (hoặc tạm trú) để làm thủ tục.
Điều 50 Nghị định 158/2005/NĐ-CP cũng quy định về thủ tục đăng ký khai sinh như sau: “1. Người đi đăng ký khai sinh nộp Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ trẻ em có đăng ký kết hôn).
Trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì phải có giấy thỏa thuận của cha và mẹ về việc chọn quốc tịch. Giấy thoả thuận về việc chọn quốc tịch phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó.
2. Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp một bản chính Giấy khai sinh cho người đi khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con thì Sở Tư pháp kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh”.
Như vậy, với các quy định nêu trên, để làm giấy khai sinh cho con bạn có đầy đủ tên cha và tên mẹ, cháu bé được mang họ của cha thì khi đi đăng ký khai sinh cho con tại Sở Tư pháp, bạn cần đồng thời thực hiện thủ tục nhận con.
Khoản 2 Điều 18 Nghị định 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ quy định về điều kiện nhận con như sau: “Trong trường hợp người được nhận là con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của người đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự”. Như vậy, để người cha thực hiện thủ tục nhận con thì bạn (người mẹ) phải có sự đồng ý (bằng văn bản) gửi kèm hồ sơ nhận con đến Sở Tư pháp nơi bạn cư trú.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 24/2013/NĐ-CP thì hồ sơ nhận con bao gồm các giấy tờ sau:
– Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con (theo mẫu quy định);
– Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân, như Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);
– Bản sao Giấy khai sinh của cháu bé (nếu có);
– Căn cứ chứng minh quan hệ cha, con (nếu có);
– Bản sao Thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của người được nhận là cha, mẹ, con.
Ngoài ra, nếu bạn chọn quốc tịch Việt Nam cho con thì cần lưu ý, tại Mục 1 phần 3 Thông tư 01/2008/TT- BTP ngày 2/6/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định: “Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài; nếu cha, mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì cũng phải có thỏa thuận bằng văn bản của cha, mẹ theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam; trường hợp không có thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con (vì lý do cha, mẹ không liên hệ được với nhau), thì quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam theo quốc tịch của người cha hoặc người mẹ là công dân Việt Nam.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.