Chức năng của trạm y tế xã, phường, thị trấn? Nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn? Các yêu cầu khác về trạm y tế xã, phường, thị trấn?
Trạm y tế là một trong những cơ sở thuộc hệ thống y tế khám chữa bệnh được xây dựng ở mỗi xã, phường, thị trấn. Trạm y tế được Bộ y tế quy định cụ thể về các chức năng và nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn. Vậy theo pháp luật thì trạm y tế xã, phường, thị trấn có chức năng và nhiệm vụ cụ thể như thế nào?
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
– Thông tư 33/2015/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Mục lục bài viết
1. Chức năng của trạm y tế xã, phường, thị trấn:
Theo quy định của pháp luật thì Trạm Y tế xã là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện, chịu sự quản lý toàn diện, điều hành trực tiếp của Giám đốc Trung tâm Y tế huyện.
Trong quá trình hoạt động ở xã, phường, thị trấn thì Trạm y tế xã xã, phường, thị trấn sẽ phải chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật do việc hoạt động trên địa bàn xã cần được sự quản lý từ chính quyền địa phương.
Để có thể bảo đảm sức khỏe đến từng người dân, Trạm y tế xã phải phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã và Trưởng thôn, bản trong việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
Theo Điều 1 Thông tư 33/2015/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì chức năng của trạm y tế xã, phường, thị trấn về cơ bản sẽ là việc cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã.
2. Nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn:
Nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn được quy định tại Điều 2 Thông tư 33/2015/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Cụ thể như sau:
– Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh; kết hợp, ứng dụng y học cổ truyền trong phòng bệnh và chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng, truyền thông, giáo dục sức khoẻ.
Về y tế dự phòng:
+ Thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về tiêm chủng vắc xin phòng bệnh;
+ Giám sát, thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân; phát hiện và báo cáo kịp thời các bệnh, dịch;
+ Hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh môi trường, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tại cộng đồng; phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn; y tế học đường; dinh dưỡng cộng đồng theo quy định của pháp luật;
+ Tham gia kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.
Về khám bệnh, chữa bệnh; kết hợp, ứng dụng y học cổ truyền trong phòng bệnh và chữa bệnh:
+ Thực hiện sơ cứu, cấp cứu ban đầu;
+ Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng theo phân tuyến kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định của pháp luật;
+ Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh bằng các phương pháp dùng thuốc và các phương pháp không dùng thuốc; ứng dụng, kế thừa kinh nghiệm, bài thuốc, phương pháp điều trị hiệu quả, bảo tồn cây thuốc quý tại địa phương trong chăm sóc sức khỏe nhân dân;
+ Tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự
Về chăm sóc sức khỏe sinh sản:
+ Triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về quản lý thai; hỗ trợ đẻ và đỡ đẻ thường;
+ Thực hiện các kỹ thuật chuyên môn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em theo phân tuyến kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định của pháp luật.
Về cung ứng thuốc thiết yếu:
+ Quản lý các nguồn thuốc, vắc xin được giao theo quy định;
+ Hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả;
+ Phát triển vườn thuốc nam mẫu phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Về quản lý sức khỏe cộng đồng:
+ Triển khai việc quản lý sức khỏe hộ gia đình, người cao tuổi, các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân, bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính;
+ Phối hợp thực hiện quản lý sức khỏe học đường.
Về truyền thông, giáo dục sức khoẻ:
+ Thực hiện cung cấp các thông tin liên quan đến bệnh, dịch; tiêm chủng; các vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và tuyên truyền biện pháp phòng, chống;
+ Tổ chức tuyên truyền, tư vấn, vận động quần chúng cùng tham gia thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân; công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình.
Ngoài các hoạt động chuyên môn kỹ thuật nêu trên, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn và hoạt động đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản.
+ Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trong quá trình hoạt động cần đến đội ngũ trợ giúp quản lý nhân viên y tế thôn, bản sẽ có nhiệm vụ xem xét và đề xuất với Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương về công tác tuyển chọn và quản lý đội ngũ này một cách hiệu quả nhất;
+ Sau khi Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đã tuyển chọn được nhân viên y tế thôn bản thì cần có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật đối với nhân viên y tế thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và cô đỡ thôn, bản theo quy định của pháp luật. Điều này giúp cho những nhân viên y tế thôn, bản được đào tạo chuyên môn và có kỹ thuật cũng như hiểu biết trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
+ Không chỉ hướng dẫn nhân viên y tế thôn, bản về chăm sóc sức khỏe ban đầu, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn còn phải tổ chức giao ban định kỳ theo tháng hoặc quý và tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản theo phân cấp, nhằm cập nhật kịp thời những quy định của Bộ y tế cũng như nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ này.
+ Trạm Y tế xã, phường, thị trấn không chỉ có nhiệm vụ trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân mà còn có trách nhiệm đối với công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình do đó Trạm y tế cần phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình; thực hiện cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình theo phân tuyến kỹ thuật và theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra Trạm y tế còn có trách nhiệm tham gia kiểm tra các hoạt động hành nghề y, dược tư nhân và các dịch vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, thường trực Ban Chăm sóc sức khỏe cấp xã về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn cũng như thực hiện kết hợp quân – dân y theo tình hình thực tế ở địa phương.
3. Các yêu cầu khác về trạm y tế xã, phường, thị trấn:
Để một trạm y tế được thành lập thì trạm y tế phải đáp ứng được các yêu cầu về tổ chức và nhân lực theo quy định:
Theo đó tại Điều 3 Thông tư 33/2015/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy định như sau:
Về tổ chức trạm y tế: Để đảm bảo Trạm y tế được hoạt động đúng những gì Bộ y tế quy định thì Trạm y tế bao gồm Trưởng trạm, phó trưởng trạm và viên chức. Theo đó Trạm Y tế xã có Trưởng trạm và 01 Phó trưởng trạm và các viên chức khác. Trưởng trạm, phó trưởng trạm phụ trách việc điều hành Trạm y tế hoạt động cũng như thực hiện các công việc chuyên môn. Viên chức làm việc tại Trạm Y tế xã chịu trách nhiệm phụ trách lĩnh vực công tác theo sự phân công của Trưởng trạm bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ của Trạm y tế.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện quyết định theo thẩm quyền và phân cấp quản lý ở địa phương sẽ thực hiện việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng trạm, Phó Trưởng trạm và luân chuyển, điều động viên chức làm việc tại Trạm Y tế phụ thuộc vào nhu cầu nhân lực của các Trạm y tế.
Đồng thời dựa trên cơ cấu chức danh nghề nghiệp và số lượng của từng chức danh nghề nghiệp làm việc tại Trạm y tế xã xác định trên cơ sở nhu cầu thực tế, khối lượng công việc và đặc điểm, điều kiện kinh tế xã hội của đơn vị hành chính cấp xã nơi có Trạm Y tế.