Đặc điểm và sự liên kết về mặt cơ cấu tổ chức trong mô hình công ty mẹ- công ty con theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014. Mô hình công ty mẹ - Công ty con hiện nay.
Công ty mẹ và công ty con đều là các chủ thể pháp lý độc lập. Quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con không phải là quan hệ mệnh lệnh hành chính mà là quan hệ hợp đồng. Công ty mẹ chi phối công ty con thông qua số phiếu biểu quyết tại cơ quan quyền lực của công ty con. Mô hình công ty mẹ và công ty con là sự liên kết mềm dẻo, linh hoạt giữa các doanh nghiệp có quan hện chặt chẽ với nhau về vốn, thị trường, công nghệ, chiến lược kinh doanh, hay kinh nghiệm quản lý nhân sự, hàng hóa sản xuất,..
CĂN CỨ PHÁP LÝ:
–Luật doanh nghiệp 2014 số 68/2014/QH13
–Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước.
NỘI DUNG TƯ VẤN:
Mục lục bài viết
1. Công ty mẹ
Công ty mẹ là công ty nắm một phần hoặc toàn bộ vốn của một hoặc nhiều doanh nghiệp khác ( gọi là doanh nghiệp con hoặc công ty con) và có khả năng kiểm soát một cách hợp pháp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này. Khả năng kiểm soát của công ty mẹ đối với hoạt động của công ty con được hình thành do công ty mẹ nắm giữ phần vốn cho phối hoặc theo sự thỏa thuận đặc biệt giữa công ty mẹ và công ty con.
2. Công ty con
Công ty con là công ty mà trong đó một phần hoặc toàn bộ điều lệ do một doanh nghiệp khác ( gọi là công ty mẹ) nắm giữ và bị doanh nghiệp đó kiểm soát chiến lược kinh doanh. Hiện nay nhiều nước trên thế giới coi là một công ty con ( công ty phụ thuộc – subsidiary company) của một công ty mẹ khi công ty mẹ sở hữu trên 50% cổ phần hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn nhưng cho phép công ty mẹ khống chế một cách hợp pháp hoạt động kinh doanh của công ty con.Công ty con có thể được thành lập dưới các hình thức khác nhau nhưng đều là những thực thể pháp lý độc lập với công ty mẹ. Công ty con tham gia quan hệ pháp luật bằng danh nghĩa của chính mình. Các hoạt động kinh doanh của công ty con được điều hành bởi chính bộ máy quản lý của mình. Công ty mẹ chỉ có thể tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của công ty con thông qua các cơ quan quyền lực của công ty con.
3. Đặc điểm mô hình công ty mẹ – công ty con
Công ty mẹ – công ty con thực chất là những doanh nghiệp liên kết lại với nhau hình thành loại hình công ty mẹ – công ty con. Với những đặc điểm sau:
– Thứ nhất, về quy mô: Đây là điểm đặc trưng của hình thức này, với quy mô lớn về vốn, lao động, doanh thu và hoạt động.
– Thứ hai, về huy động vốn: Có hai con đường để tạo ra vốn là hướng nội và hướng ngoại. Con đường hướng nội, là con đường chủ yếu hơn cả, tạo ra bằng cách tích lũy nội bộ nền kinh tế, sử dụng nguồn vốn nhà nước cấp ban đầu, cho vay tín dụng, sáp nhập, hay hợp nhất các công ty lớn cùng ngành nghề; Con đường hướng ngoại, là thu hút nguồn đầu tư thông qua các dự án đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết, phát hành trái phiếu, cổ phiểu và vay vốn nước ngoài.
– Thứ ba, về lĩnh vực hoạt động: Các công ty trong hình thức công ty mẹ – công ty con đều hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Sở dĩ có đặc điểm này là vì công ty mẹ – công ty con hoạt động với quy mô lớn nếu có một mặt hàng rủi ro xảy ra thì các khoản thất thoát là rất nhiều do đó hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nhằm phân tán rủi ro và bảo đảm cho các hoạt động của công ty không bị đóng băng cho dù có một lĩnh vực bị đóng băng, đồng thời tận dụng được cơ sở vật chất cũng như khả năng lao động của các công ty trong hình thức này.
– Thứ tư, tư cách pháp lý: Công ty mẹ – công ty con là một tập hợp các công ty, mỗi công ty là một pháp nhân độc lập, có tài sản riêng, có bộ máy điều hành quản lý riêng và tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản của mình. Nghị định khoản 4 Điều 4 Nghị định 69/2014/NĐ-CP quy định “Công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên có tư cách pháp nhân; có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận chung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhà nước trực tiếp đầu tư tại công ty mẹ. Công ty mẹ là chủ sở hữu vốn do công ty mẹ đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết”.
4. Sự liên kết trong hình thức công ty mẹ – công ty con
Việt Nam đang từng bước hình thành, phát triển mô hình công ty mẹ – công ty con trên thực tế cũng như trong pháp luật, minh chứng cho điều này là sự xuất hiện của những quy định có liên quan tới mô hình trong những văn bản mang tính pháp lý như Luật Doanh nghiệp năm 2014
Công ty mẹ – công ty con là hai thực thể pháp lý độc lập, có tư cách pháp nhân, song lại có mối quan hệ ràng buộc và sự liên kết chặt chẽ với nhau. Trong đó yếu tố vốn là nút liên kết cơ bản, sự vận động của các cổ phần trong vốn điều lệ dẫn tới sự vận động của quyền sở hữu và sự thay đổi mức sở hữu của công ty này đối với vốn điều lệ của công ty khác dẫn tới sự thiết lập mối quan hệ mẹ – con hoặc chấm dứt mối quan hệ đó.
Điều đó có nghĩa là công ty mẹ đầu tư toàn bộ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối ở các công ty con, sự chi phối này phụ thuộc vào mức độ vốn đầu tư, thông thường công ty mẹ phải sở hữu trên 50% vốn của công ty con. Bằng việc nắm giữ và chi phối về vốn đầu tư, công ty mẹ có vị trí, vai trò quan trọng trong việc quyết định chiến lược phát triển của các công ty con thông qua việc quyết định về tổ chức, quản lý, nhân sự chủ chốt, thị trường cũng như những vấn đề quan trọng khác nhằm thực hiện mục tiêu chung của cả tập đoàn.
Công ty con được công ty mẹ góp 100% vốn thì mối quan hệ với công ty mẹ sẽ hết sức chặt chẽ, thể hiện ở việc công ty mẹ có quyền quyết định hoàn toàn những vấn đề quan trọng của công ty con. Các công ty con mà công ty mẹ giữ cổ phần hoặc vốn góp chi phối sẽ có mối quan hệ ít chặt chẽ với công ty mẹ. Tuy nhiên, với tỷ lệ vốn góp giành được quyền chi phối, các công ty mẹ vẫn đủ sức kiểm soát và định hướng cho công ty con hoạt động nhằm phục vụ lợi ích, chiến lược của công ty mẹ.
>>> Luật sư
Ngoài ra, giữa các công ty con lại có mối quan hệ ràng buộc với nhau, phụ thuộc vào sự điều tiết của công ty mẹ. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, các công ty con vẫn hoàn toàn độc lập và tự chủ trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của mình. Bộ máy quản lý và điều hành của loại hình này như bất cứ một công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn nào.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014
“a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty đó.”
Từ quy định trên ta thấy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định cụ thể về mối quan hệ, giữa công ty mẹ – công ty con, qua đó thấy được mối liên hệ trong mô hình này ngoài về vốn còn về hoạt động, công ty mẹ nắm quyền kiểm soát và chi phối đối với công ty con. Luật doanh nghiệp năm 2014 cũng đã quy định rõ về quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con tại Điều 190 như sau:
Điều 190. Quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con:
1. Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.
3. Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
4. Người quản lý của công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều này phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về các thiệt hại đó.
5. Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con đòi công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.
6. Trường hợp hoạt động kinh doanh như quy định tại khoản 3 Điều này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi đó phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng đó cho công ty con bị thiệt hại.
Công ty mẹ thực hiện việc định hướng, điều phối hoạt động và quyết định các vấn đề quan trọng về nhân sự và sản xuất kinh doanh của công ty con theo chiến lược chung của cả mô hình liên kết công ty mẹ – công ty con. Mô hình này không chỉ có hai tầng lớp liên kết công ty mẹ – công ty con mà có thêm các tầng liên kết giữa công ty con – công ty con của nó (còn gọi là công ty cháu nếu lấy công ty mẹ làm trung tâm), sự liên kết giữa công ty mẹ – công ty cháu và phần lớn các công ty đều mang họ mẹ.