Khái niệm và cách phân loại vật chứng các theo quy định của pháp luật hình sự.
Vật chứng là một trong các loại nguồn của chứng cứ đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ghi nhận. Cụ thể, theo Điều 74 BLTTHS:
"Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội"
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 BLTTHS thì vật chứng được coi là một nguồn của chứng cứ, có nghĩa rằng, vật chứng là một hình thức tồn tại của chứng cứ, là một phần của chứng cứ chứng minh cho các tình tiết của vụ án được rút ra từ vật chứng. Vật chứng là những vật vô tri, không bị chi phối bởi các yếu tố tình cảm, tâm lý như các loại nguồn chứng cứ khác; chúng mang tính khách quan, tồn tại ngoài ý muốn của con người nên phải ánh một cách nguyên si, trung thực về vụ án xảy ra.Như vậy, vật chứng có vị trí đặc biệt quan trong trong quá trình chứng minh vụ án hình sự – thông qua vật chứng, chúng ta có thể chứng minh được tình tiết này hay tình tiết khác của vụ án, trong một số trường hợp nó còn có ý nghĩa quyết định trong việc điều tra, xử lý tội phạm và người phạm tội.
Có rất nhiều cách phân loại vật chứng, cụ thể:
– Căn cứ vào mối quan hệ giữa vật gây vết và vật bị tác động, vật chứng được phân thành các loại: vật chứng là những vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật chứng là vật mang dấu vết tội phạm; vật chứng là những vật được coi là đối tượng của tội phạm; vật chứng là tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.
– Căn cứ vào giá trị chứng minh, vật chứng được chia thành các loại: vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm; vật chứng có giá trị chứng minh người phạm tội là những vật chứng có chứa đựng chứng cứ có thể xác định được ai là người thực hiện hành vi phạm tội; vật chứng có giá trị chứng minh những tình tiết khác liên quan đến tội phạm là vật chứng chứa đựng chứng cứ có giá trị chứng minh chủ sở hữu, người bị hại, yêu cầu bồi thường,…
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Căn cứ vào giá trị sử dụng, vật chứng được phân thành: vật chứng có giá trị sử dụng; vật chứng không có giá trị sử dụng.
– Căn cứ vào thời gian tồn tại giá trị sử dụng, vật chứng được chia thành: vật chứng thuộc loại mau hỏng; vật chứng là loại dễ bị phân hủy; vật chứng thuộc loại tài sản có thời hạn sử dụng ngắn.
– Căn cứ vào tính chất đặc biệt của vật chứng, người ta chia vật chứng thành: vật chứng là loại tiền, vàng, kim khí quý, đá quý; vật chứng là vật cấm lưu hành: vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất phóng xạ, chất ma túy; vật chứng là tài sản thông thường…
Ngoài ra, pháp luật cũng có quy định cụ thể về việc thu thập và bảo quản vật chứng tại Điều 75 BLTTHS và việc xử lý vật chứng theo Điều 76 BLTTHS. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định tại Điều 74 và Điều 76 BLTTHS đang còn nhưng bất cập, dẫn đến việc khó áp dụng.