Doanh nghiệp kinh doanh thuốc uống mà sử dụng đồ uống hết hạn trộn với đồ uống vẫn còn hạn thì có vi phạm pháp luật không?
Tóm tắt câu hỏi:
Cho tôi hỏi: Một doanh nghiệp kinh doanh thuốc uống mà sử dụng đồ uống hết hạn trộn với đồ uống vẫn còn hạn thì có vi phạm pháp luật không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
– Thứ nhất, về vấn đề kinh doanh mặt hàng đồ uống. Cần xác định doanh nghiệp đó có được kinh doanh đồ uống hay không. Cụ thể những ngành nghề được phép kinh doanh được ghi trong giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Nếu doanh nghiệp đó có giấy phép kinh doanh nhưng nội dung giấy phép đó không có ngành nghề kinh doanh đồ uống theo thì quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”
Nếu doanh nghiệp đó không có giấy phép kinh doanh thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì:
“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Thứ hai, về hành vi sử dụng đồ uống hết hạn sử dụng trộn với đồ uống còn hạn sử dụng. Về “hàng giả”, tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP gồm:
“a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa….”
Như vậy, để xác định đồ uống đó có được coi là hàng giả hay không phải dựa vào những quy định này của pháp luật.
Nếu có đủ chứng cứ chứng minh hành vi này của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp đó ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như đã nêu trên thì có thể bị xử lý như sau:
– Xử lý hình sự theo quy định tại Điều 157 Bộ Luật Hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm hoặc bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 157 Bộ Luật Hình sự.
– Đối với trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 500.000 đồng đến 50.000.000 tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa bị làm giả được quy định cụ thể tại Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.