Bài viết nói về quyền tự quyết định về tham gia tố tụng dân sự và về quyền, nghĩa vụ của đương sự.
Quyền tự định đoạt của đương sự là một vấn đề cơ bản của tố tụng dân sự, chi phối quá trình tố tụng dân sự nên quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự được quy định là một nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự. Trong đó, quyền tự quyết định về việc tham gia tố tụng dân sự và về quyền, lợi ích dân sự là một trong những quyền tự định đoạtcủa đương sự.
Thứ nhất, Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc đưa ra yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.
– Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự.
Điều 161 BLTTDS 2004 quy định:
“Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại
tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Việc ghi nhận quyền khởi kiện vụ án dân sự, trước hết cho phép cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền, lợi ích bị xâm hại hoặc có tranh chấp yêu cầu
– Quyền tự định đoạt trong việc đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn.
Khoản 4 Điều 60 BLTTDS 2004 quy định bị đơn có quyền:
“Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ mà nguyên đơn yêu cầu”.
Ngoài ra, BLTTDS 2004 cũng quy định cho bị đơn có quyền bác bỏ đơn yêu cầu của nguyên đơn. (Khoản 3 Điều 60 BLTTDS 2004). Với việc quy định quyền phản tố, quyền bác bỏ của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn là sự thể hiện ghi nhân của pháp luật đối với quyền tự định đoạt của đương sự.
– Quyền tự định đoạt trong việc đưa ra yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn.
Theo Điều 177 BLTTDS thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập có đủ điều kiện pháp lý khởi kiện vụ án dân sự. Tuy nhiên có thể thấy rằng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập có đủ điều kiện pháp lý khởi kiện vụ án dân sự nhưng do vụ án dân sự đã phát sinh giữa nguyên đơn, bị đơn và việc họ tham gia vào vụ kiện đó có nhiều lợi thế đối với họ hơn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình nếu không việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ sau đó sẽ gặp khó khăn hơn. Có thể thấy, việc quyết định có tham gia vào vụ kiện đã phát sinh giữa nguyên đơn, bị đơn hay không tùy thuộc vào sự lựa chọn và tự định đoạt của chính người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng không độc lập là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng phụ thuộc vào nguyên đơn hoặc bị đơn, lợi ích pháp lý của họ gắn liền với lợi ích pháp lý của nguyên đơn và bị đơn. Tuy nhiên, họ cũng có quyền cùng nguyên đơn hoặc bị đơn thỏa thuận với đương sự kia, có quyền thừa nhận một phần hay chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bên đương sự kia.
Thứ hai, Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc thay đổi, bổ sung và rút yêu cầu.
Khi đương sự thực hiện hành vi khởi kiện, họ hoàn toàn có quyền quyết định các hành vi tố tụng tiếp theo của mình. Theo đó, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi hoặc bổ sung yêu cầu của mình. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng mà việc thay đổi, bổ sung yêu cầu có thê được Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận.
Trước phiên tòa sơ thẩm, BLTTDS 2004 không quy đinh giới hạn phạm vi thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bị giới hạn là không được vượt quá so với phạm vi yêu cầu ban đầu.(Khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2004)
Các đương sự không chỉ có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu mà còn có quyền rút yêu cầu. Đối với nguyên đơn, đó chính là việc rút đơn khởi kiện, đối với bị đơn là rút yêu cầu phản tố, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là rút yêu cầu độc lập. Việc rút đơn khởi kiện, rút đơn yêu cầu trong mọi giai đoạn tố tụng đều có thể được Tòa án chấp nhận.
>>> Luật sư
Thứ ba, Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc kháng cáo, thay đổi, bổ sung và rút yêu cầu kháng cáo.
Quyền kháng cáo là một trong những quyền tố tụng cơ bản của đương sự được quy định tại điểm s Khoản 2 Điều 58 BLTTDS. Theo quy định của pháp luật, đương sự được tự quyết định việc thực hiện quyền này nên quyền kháng cáo cũng thuộc nội dung quyền tự định đoạt của đương sự. Điều 243 BLTTDS quy định:
“Đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”
Bên cạnh việc quy định đương sự có quyền kháng cáo, pháp luật cũng quy định đương sự có quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo. Khoản 1 Điều 256 BLTTDS quy định đương sự có quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu.
Có thể thấy, thông qua việc kháng cáo hay không kháng cáo, đương sự đã thể hiện ý chí của mình đối với bản án, quyết định của Tòa án một cách công khai, độc lập. Khi thực hiện việc kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án, đương sự được quyền tự định đoạt nội dung kháng cáo. Như vậy, kháng cáo cũng là một trong những nội dung thuộc quyền tự định đoạt của đương sự khi tham gia vào quá trình tố tụng.
Thứ tư, Quyền tự định đoạt về nội dung hòa giải và tự hòa giải.
Trong suốt quá trình tham gia tố tụng, các đương sự có quyền tự thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Đó cũng được xem là quyền tự định đoạt của đương sự.
Theo quy định của BLTTDS, ở bất kể giai đoạn nào của quá trình tố tụng, các đương sự đều có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Nhưng trong mọi trường hợp, thỏa thuận đó đều phải đảm bảo yếu tố tự nguyện, không trái pháp luật.
Theo Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “những quy định chung của BLTTDS năm 2004” phần I, mục 7 quy định:
“Trường hợp có tranh chấp và có đơn khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết, nếu sau khi toà án thụ lý vụ án và trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm các đương sự tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án thì toà án phải lập biên bản về sự tự thoả thuận đó và ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự theo quy định tại Điều 187 BLTTDS”.
Như vậy, quyền thỏa thuận giải quyết vụ án dân sự là một quyền tố tụng rất quan trọng của đương sự được thực hiện ở tất cả các giai đoạn sơ thẩm (Điều 220), phúc thẩm,(Điều 270) trừ những trường hợp BLTTDS quy định không được tiến hành hòa giải. Việc ghi nhận quyền thỏa thuận của các đương sự chính là sự tôn trọng của pháp luật đối với các quyền cơ bản của con người. Việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức này cũng góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật, giáo dục nếp sống và làm việc theo pháp luật của nhân dân.