Tìm hiểu về phương pháp trị giá giao dịch đối với hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự theo quy định của pháp luật.
Trong hoạt động quản lý Nhà nước về hải quan trên lĩnh vực xác định giá tính thuế, đứng trước những thách thức to lớn để vừa tạo những thuận lợi cho thương mại nước nhà, vừa đảm bảo sự tuân thủ với tinh thần của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong những năm qua nhiều văn bản pháp luật đã có những quy định cụ thể, giải thích, bổ sung về phương pháp trị giá giao dịch đối với hàng hóa nhập khẩu.
Trị giá giao dịch được hiểu là phần số liệu về giá trị của hàng hóa được đưa ra hoặc đưa vào lãnh thổ hải quan do cơ quan Hải quan quản lý và sử dụng phục vụ cho các mục tiêu quản lý Nhà nước về hải quan. Có hai loại: Trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu và trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên và được xác định bằng cách áp dụng tuần tự các phương pháp xác định trị giá và dừng lại ngay ở phương pháp đã xác định được trị giá.
Định nghĩa về hàng hóa nhập khẩu giống hệt và tương tự được ghi nhận tại Khoản 8, 9 Điều 2 Nghị định 40/2007/NĐ-CP. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu giống hệt được hiểu là “những hàng hóa giống nhau về mọi phương diện, kể cả đặc điểm vật lý, chất lượng và danh tiếng; được sản xuất ở cùng một nước, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất khác theo sự ủy quyền của nhà sản xuất đó, được nhập khẩu vào Việt Nam”. Hàng hóa nhập khẩu tương tự: “là những hàng hóa mặc dù không giống nhau về mọi phương diện nhưng có các đặc trưng cơ bản giống nhau, được làm từ các nguyên, vật liệu giống nhau; có cùng chức năng và có thể hoán đổi cho nhau trong giao dịch thương mại; được sản xuất ở cùng một nước, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất khác theo sự ủy quyền của nhà sản xuất đó, được nhập khẩu vào Việt Nam”.
Cách xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự theo quy định của pháp luật hiện hành:
Thứ nhất, cách xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu giống hệt được quy định cụ thể tại Khoản 8 Điều 2 Thông tư 205/2010/TT-BTC, được sửa đổi bổ sung tại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư 29/2014/TT-BTC. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu giống hệt là những hàng hóa giống nhau về mọi phương diện gồm:
– Đặc điểm vật chất gồm bề mặt sản phẩm, vật liệu cấu thành, phương pháp chế tạo, chức năng, mục đích sử dụng, tính chất cơ, lý, hóa, có cùng mã số theo phân loại của Danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam;
– Chất lượng sản phẩm;
– Nhãn hiệu sản phẩm;
– Nhãn hiêu sản phẩm;
– Được sản xuất ở cùng một nước, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất được ủy quyền.
Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu có những khác biệt không đáng kể về bề ngoài như màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng mà không làm ảnh hưởng đến giá trị hàng hóa thì vẫn được coi là hàng hóa nhập khẩu giống hệt. Pháp luật cũng quy định cụ thể trường hợp không được coi là hàng hóa nhập khẩu giống hệt. Đó là trường hợp hàng hóa sản xuất dựa trên các thiết kế kĩ thuật, thi công, triển khai, mỹ thuật, sơ đồ… đã được làm ra ở Việt Nam.
Thứ hai, cách xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu tương tự. Đối tượng hàng hóa được coi là hàng hóa nhập khẩu tương tự là hàng hóa mặc dù không giống nhau về mọi phương diện nhưng có các đặc trưng cơ bản giống nhau. Những đặc trưng cơ bản đó được quy định tại Khoản 9 Điều 2 Thông tư 205/2010/TT-BTC, bao gồm:
– Được làm từ các nguyên liệu, vật liệu tương đương, có cùng phương pháp chế tạo;
– Có cùng mục đích sử dụng;
– Chất lượng sản phẩm tương đương nhau;
– Có thể hoán đổi trong giao dịch thương mại, tức là người mua chấp nhân thay thế hàng hóa này cho hàng hóa kia;
– Được sản xuất ở cùng một nước bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất khác được ủy quyền, được nhập khẩu vào Việt Nam. Điều kiện và nguyên tắc áp dụng trị giá giao dịch của hàng hóa giống hệt, tương tự:
Thứ nhất, để áp dụng phương pháp trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu giống hệt thì hàng hóa nhập khẩu phải đảm bảo những đảm bảo những điều kiện nhất định. Khi không thể xác định trị giá tính thuế theo phương pháp trị giá giao dịch thì phải áp dụng phương pháp tiếp theo là trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu giống hệt. Điều kiện áp dụng được quy định tại Điều 8 Nghị định 40/2007/NĐ-CP, cụ thể là:
– Lô hàng nhập khẩu giống hệt được xuất khẩu đến Việt Nam vào cùng ngày hoặc trong vòng 60 ngày trước hoặc sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế;
– Lô hàng nhập khẩu giống hệt có giao dịch mua bán ở cùng cấp độ hoặc đã được điều chỉnh về cùng cấp độ bán buôn hoặc bán lẻ; có cùng số lượng hoặc đã được điều chỉnh về cùng số lượng với lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế;
– Lô hàng nhập khẩu giống hệt có cùng khoảng cách và phương thức vận chuyển hoặc đã được điều chỉnh về cùng khoảng cách và phương thức vận chuyển giống như lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế.
Cần phải lưu ý rằng, nếu không có lô hàng nhập khẩu được sản xuất bởi cùng một nhà sản xuất thì mới xét đến hàng hoá được sản xuất bởi nhà sản xuất khác, nhưng phải đảm bảo các quy định về hàng hoá nhập khẩu giống hệt. Mặt khác, khi xác định được từ hai trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt trở lên thì trị giá tính thuế là trị giá giao dịch thấp nhất.
Thứ hai, để áp dụng phương pháp trị giá đối với hàng hóa nhập khẩu tương tự thì hàng hóa nhập khẩu cần đảm bảo những điều kiện cơ bản. Khi không đủ điều kiện để áp dụng hai phương pháp đầu tiên thì phải áp dụng trị giá tính thuế của hàng hóa tượng tự. Điều kiện áp dụng được quy định cụ thể tại Điều 9 Nghị định 40/2007/NĐ-CP, đó là:
– Lô hàng nhập khẩu tương tự được xuất khẩu đến Việt Nam vào cùng ngày hoặc trong vòng 60 ngày trước hoặc sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế;
– Lô hàng nhập khẩu tương tự có giao dịch mua bán ở cùng cấp độ hoặc đã được điều chỉnh về cùng cấp độ bán buôn hoặc bán lẻ, có cùng số lượng hoặc đã được điều chỉnh về cùng số lượng với lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế;
– Lô hàng nhập khẩu tương tự có cùng khoảng cách và phương thức vận chuyển hoặc đã được điều chỉnh về cùng khoảng cách và phương thức vận chuyển giống như lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế.
Cần lưu ý rằng, khi áp dụng phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Điều này, nếu không có lô hàng nhập khẩu được sản xuất bởi cùng một nhà sản xuất thì mới xét đến hàng hoá được sản xuất bởi nhà sản xuất khác, nhưng phải đảm bảo các quy định về hàng hoá nhập khẩu tương tự. Bên cạnh đó, khi xác định được từ hai trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu tương tự trở lên thì trị giá tính thuế là trị giá giao dịch thấp nhất.
Nguyên tắc áp dụng trị giá giao dịch đối với hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự cũng giống như nguyên tắc chung về xác định trị giá đối với hàng hóa nhập khẩu. Đó là: “trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên” (Điều 12 Thông tư 205/2010/TT-BTC)
Theo quy định tại Điều 15, 16 Thông tư 205/2010/TT-BTC có quy định về phương pháp xác định trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự. Theo đó, điều kiện cơ bản nhất để áp dụng hai phương pháp này đó là:
– Đối với hàng hóa nhập khẩu giống hệt: phương pháp trị giá giao dịch đối với hàng hóa nhập khẩu giống hệt được áp dụng khi không xác định được giá tính thuế theo phương pháp trị giá giao dịch tại Điều 13 Thông tư (Điều 15 Thông tư 205/2010/NĐ-CP)
– Đối với hàng hóa nhập khẩu tương tự: phương pháp trị giá giao dịch đối với hàng hóa nhập khẩu tương tự được áp dụng khi không xác định được giá tính thuế theo phương pháp hướng dẫn tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư (Điều 16 Thông tư 205/2010/NĐ-CP)
Theo quy định của pháp luật, việc áp dụng phương pháp trị giá giao dịch hàng nhập khẩu giống hệt và tương tự được thực hiện giống nhau. Cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 16 Thông tư 205/2010/NĐ-CP quy định rõ: áp dụng phương pháp trị giá giao dịch hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự với điều kiện: Hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự đã được cơ quan hải quan chấp nhận xác định trị giá tính thuế theo phương pháp trị giá giao dịch và có cùng các điều kiện mua bán, điều kiện về thời gian xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu đang xác định trị giá tính thuế. Trường hợp không tìm được lô hàng nhập khẩu giống hệt, tương tự có cùng điều kiện mua bán với lô hàng nhập khẩu đang được xác định giá tính thuế thì lựa chọn lô hàng nhập khẩu giống hệt, tương tự khác về điều kiện mua bán, nhưng phải được điều chỉnh về cùng điều kiện mua bán. Cụ thể việc thực hiện cần chú ý những điểm sau:
– Điều kiện thời gian xuất khẩu: lô hàng nhập khẩu giống hệt, tương tự phải được xuất khẩu đến Việt Nam vào cùng ngày hoặc trong khoảng thời gian 60 ngày trước hoặc 60 ngày sau ngày xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu đang được xác định giá tính thuế.
Ta có thể thấy, quy định này của pháp luật Việt Nam được xây dựng trên tinh thần của GATT 1994. Theo đó Hiệp định quy định rằng lô hàng nhập khẩu giống hệt, tương tự phải được xuất khẩu vào cùng thời điểm hay cùng kỳ với lô hàng được xác định trị giá. Xét về mặt lý thuyết, việc tìm kiếm một lô hàng nhập khẩu giống hệt, tương tự luôn là lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào việc này cũng có thể thực hiện. Do vậy, GATT đã quy định điều kiện thời gian là “cùng thời điểm” hay “cùng kỳ” với lô hàng đang được xác định trị giá. Khái niệm này đã được pháp luật Việt Nam quy định rõ khoảng thời gian cụ thể là “60 ngày trước hoặc 60 ngày sau ngày xuất khẩu”.
– Điều kiện mua bán:
+ Cấp độ thương mại và số lượng:
Xét trong lĩnh vực thương mại có ba chủ thể là người sản xuất, thương nhân và người tiêu dùng cuối cùng không sản xuất. Trong hoạt động mua bán hàng hóa, có hai cấp độ thương mại thường gặp là bán buôn và bán lẻ. Trong nhiều trường hợp, giá cả hàng hóa còn phụ thuộc vào số lượng hàng hóa được mua, số lượng mua càng lớn thì giá trị càng hạ. Cũng giống như GATT, pháp luật Việt Nam tại Khoản 2.2.1 Điều 16 Thông tư 205/2010/NĐ-CP, phải lựa chọn hàng hóa giống hệt, tương tự được bán vớii cùng cấp độ thương mại và số lượng với lô hàng nhập khẩu đang được xác định trị giá. Tuy nhiên, nếu không tìm được những lô hàng như vậy thì cho phép tìm những lô hàng nhập khẩu có điều kiện thương mại khác theo thứ tự ưu tiên:
- Lô hàng có cùng cấp độ thương mại nhưng khác về số lượng;
- Lô hàng khác cấp độ thương mại nhưng cùng số lượng;
- Lô hàng khác cấp độ thương mại, khác về số lượng.
Sau đó, tiến hành thực hiện việc điều chỉnh giá về cùng số lượng, cấp độ thương mại với lô hàng nhập khẩu đang được xác định giá.
+ Điều kiện về quãng đường và phương thức vận tải, bảo hiểm:
Lô hàng giống hệt, tương tự có cùng quãng đường và phương thức vận chuyển đã được điều chỉnh về cùng khoảng cách và phương thức vận tải với lô hàng đã được điều chỉnh về cùng khoảng các và phương thức vận tải với lô hàng đang được xác định giá tính thuế.
- Việc áp dụng phương pháp này phải ưu tiên xem xét hàng hóa đang được xác định trị giá với hàng hóa cùng nhà sản xuất hoặc người sản xuất khác được ủy quyền thì mới xem xét đến hàng hóa của nhà sản xuất khác.
- Chứng từ, tài liệu cần chuẩn bị để xác định trị giá theo phương pháp này đó là:
+ Tờ khai hải quan và tờ khai trị giá của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự;
+ Hợp đồng vận tải (nếu có sự điều chỉnh chi phí);
+ Hợp đồng bảo hiểm (nếu có sự điều chỉnh chi phí);
+ Bảng giá bán hàng hóa xuất khẩu của đối tác nước ngoài;
+ Các hồ sơ, chứng từ khác có liên quan.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Vấn đề điều chỉnh trị giá hải quan:
Thứ nhất, điều chỉnh trị giá hải quan theo cấp độ thương mại và số lượng:
Như đã nói ở trên, nếu không tìm được những lô hàng có cùng cấp độ thương mại và cùng số lượng thì phải tìm những lô hàng giống hệt, tương tự có cấp độ thương mại giống nhau hoặc có số lượng khác nhau hoặc có cấp độ thương mại và số lượng đều khác nhau để xem xét, xác định mức độ. Có thể thực hiện việc điều chỉnh theo hướng:
- Chỉ điều chỉnh chênh lệch về cấp độ thương mại;
- Chỉ điều chỉnh chênh lệch về số lượng;
- Điều chỉnh chênh lệch cả cấp độ thương mại và số lượng.
Nếu tìm được nhiều lô hàng giống hệt, tương tự thỏa mãn tất cả các điều kiện thì lô hàng được lựa chọn là lô hàng có giá trị thấp nhất để làm cơ sở tính toán trị giá hải quan cho lô hàng đang được xác định giá.
Thứ hai, điều chỉnh trị giá hải quan về cùng điều kiện vận chuyển của lô hàng đang xác định trị giá:
Trong trường hợp lô hàng nhập khẩu giống hệt, tương tự có sự khác biệt đáng kể về cước phí vận tải, về quãng đường vận chuyển, phương thức vận chuyển thì phải điều chỉnh trị giá hải quan của lô hàng giống hệt, tương tự về cùng một điều kiện vận chuyển của lô hàng xác định giá. Khi điều chỉnh giá theo điều kiện vận chuyển thì không sử dụng cước vận chuyển của lô hàng giống hệt, tương tự mà sử dụng luôn cước vận chuyển của lô hàng đang xác định trị giá.