Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được quy định.
QUY CHẾ
Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng
(Ban hành kèm theo
ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ)
__________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với hoạt động văn hoá của cơ quan, tổ chức mình
1. Các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng phải nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giáo dục nếp sống lành mạnh và phong cách ứng xử có văn hóa cho mọi người; kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa tình, thuần phong mỹ tục; nâng cao hiểu biết và trình độ thẩm mỹ, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; ngăn chặn sự xâm nhập và bài trừ những sản phẩm văn hóa có nội dung độc hại; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
2. Người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá thuộc phạm vi quản lý của mình.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Quy chế này quy định các hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng (sau đây gọi là Quy chế) bao gồm: lưu hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hoá, nghệ thuật; tổ chức lễ hội; viết, đặt biển hiệu; hoạt động vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và các hình thức vui chơi giải trí khác;
b) Nơi tổ chức hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng quy định tại Quy chế này bao gồm nhà hát, nhà văn hoá, nhà triển lãm, trung tâm văn hoá, câu lạc bộ, cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, giải khát, cửa hàng, cửa hiệu, sân vận động, nhà thi đấu thể thao, quảng trường, phương tiện vận tải hành khách công cộng và các phương tiện, địa điểm khác có tổ chức các hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá quy định tại điểm a khoản này.
2. Đối tượng áp dụng:
Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Quy định cấm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng
Nghiêm cấm các hoạt động sau đây:
1/ Các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa có nội dung:
a) Kích động nhân dân chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân;
b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, gây hại cho sức khỏe và hủy hoại môi trường sinh thái;
c) Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định.
d) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, xúc phạm dân tộc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
2. Lưu hành, phổ biến và kinh doanh các sản phẩm văn hóa; sản xuất, nhập khẩu trái phép các sản phẩm văn hóa đã có quyết định đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy; kinh doanh dịch vụ văn hóa mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh theo quy định.
3. Tổ chức các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, an ninh, trật tự và phòng, chống cháy nổ.
Chương 2.
LƯU HÀNH, KINH DOANH BĂNG, ĐĨA CA NHẠC, SÂN KHẤU
Điều 4. Các loại băng, đĩa ca nhạc, sân khấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế
1/ Băng, đĩa ca nhạc, sân khấu quy định tại Quy chế này bao gồm băng cát – xét, băng video, đĩa CD, VCD, DVD, CD-ROM, đĩa vi tính, IC chips, USD và các loại phương tiện, thiết bị, vật liệu khác có nội dung ca nhạc, sân khấu, thời trang, hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, thể thao, sau đây gọi chung là băng, đĩa ca nhạc, sân khấu.
2. Băng, đĩa ca nhạc, sân khấu của các nhà xuất bản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.
Điều 5. Thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép lưu hành và cấp nhãn kiểm soát băng, đĩa ca nhạc, sân khấu
1/ Băng, đĩa ca nhạc, sân khấu được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này duyệt và cấp giấy phép mới được lưu hành rộng rãi. Băng, đĩa ca nhạc, sân khấu được phép lưu hành rộng rãi phải dán nhãn kiểm soát theo quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu:
a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép lưu hành băng, đĩa do các tổ chức thuộc Trung ương sản xuất hoặc nhập khẩu;
b) Sở Văn hóa, Thể hao và Du lịch cấp giấp phép lưu hành băng, đĩa do các tổ chức, cá nhân thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu;
c) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép lưu hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu phải nộp lưu chiểu 2 bản băng, đĩa tại cơ quan cấp giấy phép; cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm nhận và lưu giữ băng, đĩa lưu chiểu trong thời hạn 2 năm. Hết thời hạn lưu chiểu, cơ quan cấp giấy phép xử lý băng, đĩa lưu chiểu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
>>> Luật sư
3. Thủ tục cấp giấy phép lưu hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu:
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này.
a) Hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp phép lưu hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu trong đó ghi rõ: nội dung (chủ đề) băng, đĩa, tên tác phẩm, tác giả, nguồn gốc;
– Giấy tờ chứng minh chủ sở hữu bản quyền sản phẩm;
– Sản phẩm đề nghị cấp phép, kèm theo bản nhạc, kịch bản.
b) Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
4. Thủ tục cấp nhãn kiểm soát băng, đĩa ca nhạc, sân khấu:
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp nhãn kiểm soát gửi hồ sơ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
a) Hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp nhãn kiểm soát trong đó ghi rõ: tên băng, đĩa ca nhạc, sân khấu, số quyết định cho phép lưu hành, số lượng nhãn kiểm soát;
– Bản sao quyết định cho phép lưu hành có giá trị pháp lý (đối với trường hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép lưu hành).
b) Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp nhãn kiểm soát; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 6. Quy định đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, phổ biến băng, đĩa ca nhạc, sân khấu
1/ Tổ chức, cá nhân kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu chỉ được nhân bản băng, đĩa đã được phép lưu hành, bán, cho thuê băng, đĩa đã dán nhãn kiểm soát theo quy định.
2. Tổ chức, cá nhân phổ biến băng đĩa, ca nhạc, sân khấu có mục đích kinh doanh hoặc không có mục đích kinh doanh chỉ được phổ biến băng, đĩa đã được phép lưu hành, có dán nhãn kiểm soát theo quy định.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh nhân bản, bán cho thuê băng, đĩa ca nhạc, sân khấu không được thực hiện các hành vi sau:
a) Nhân bản băng, đĩa mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền;
b) Thêm, bớt hình ảnh hoặc âm thanh làm thay đổi nội dung băng, đĩa đã được phép lưu hành;
c) Nhân bản băng, đĩa cấm lưu hành hoặc đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.
Chương 3.
BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT, TRÌNH DIỄN THỜI TRANG
Điều 7. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang
1. Tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trước công chúng phải có giấy phép công diễn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định sau đây:
a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với các đoàn nghệ thuật thuộc các cơ quan trung ương biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, các đoàn nghệ thuật nước ngoài vào biểu diễn theo chương trình hợp tác văn hóa giữa các cơ quan trung ương với nước ngoài; nghệ sỹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về biểu diễn ở Việt Nam;
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với các đoàn nghệ thuật thuộc địa phương, các đoàn nghệ thuật, cá nhân nghệ sĩ nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn tại địa phương, trình diễn thời trang tại địa phương không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, cá nhân nghệ sĩ Việt Nam (không phải là đoàn nghệ thuật) biểu diễn tại địa phương.
2. Thủ tục cấp giấy phép công diễn:
Tổ chức, cá nhân muốn tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép công diễn tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.
a) Hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép công diễn (ghi rõ tên chương trình, tiết mục, tác giả, đạo diễn, người biểu diễn);
– Bản cam kết khi tổ chức biểu diễn không vi phạm các quy định cấm tại Điều 3 Quy chế này;
– Bản nhạc, kịch bản đối với tác phẩm đề nghị công diễn lần đầu; ảnh hoặc mẫu thiết kế trang phục trình diễn đối với trình diễn thời trang.
b) Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép công diễn; trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do; trường hợp cần duyệt chương trình trước khi cấp giấy phép công diễn, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt.