Quy tắc xuất xứ hàng hóa phổ biến được pháp luật nước ta quy định cụ thể như thế nào?
Quy tắc xuất xứ hàng hóa phổ biến được pháp luật quy định tại Nghị định 19/2006/NĐ-CP bao gồm:
Thứ nhất, xuất xứ thuần túy
Điều 7 Nghị định 19/2006/NĐ-CP quy định cụ thể cách xác định hàng hoá có xuất xứ thuần túy. Theo đó, những sản phẩm có xuất xứ thuần túy bao gồm: 1. Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được thu hoạch tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó; 2. Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó; 3. Các sản phẩm từ động vật sống; 4. Các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó; 5. Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó; 6. Các sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia, vùng lãnh thổ, với điều kiện quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế; 7. Các sản phẩm đánh bắt và các hải sản khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng ký với quốc gia đó và được phép treo cờ của quốc gia đó; 8. Các sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất ngay trên tàu từ các sản phẩm nêu tại khoản 7 được đăng ký ở quốc gia, vùng lãnh thổ đó và được phép treo cờ của quốc gia, vùng lãnh thổ đó; 9. Các vật phẩm có được ở quốc gia, vùng lãnh thổ đó hiện không còn thực hiện được những chức năng ban đầu và cũng không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên liệu, vật liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế; 10. Các hàng hoá có được hoặc được sản xuất từ các sản phẩm ở quốc gia, vùng lãnh thổ đó.
Thứ hai, xuất xứ không thuần túy
Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được quy định chi tiết tại Điều 8 Nghị định 19/2006/NĐ-CP . Theo đó, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy là hàng hóa trong quá trình sản xuất hoặc gia công hay chế biến có thành phần nguyên vật liệu hoặc lao động của hai hay nhiều nước tham gia vào hoạt động tạo ra sản phẩm này. Hàng hóa được công nhận có xuất xứ từ một quốc gia, vùng lãnh thổ khi quốc gia, vùng lãnh thổ đó thực hiện cộng đoạn chế biến cơ bản cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa này.
Thứ ba, quy tắc xuất xứ cộng gộp
Xuất xứ cộng gộp cho phép sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu có từ nước được hưởng ưu đãi để sản xuất tại một nước cũng được hưởng ưu đãi, không phải đáp ứng yêu cầu chuyền đổi mã HS hoặc gia công chế biến.
Nước xuất xứ hàng hóa được ưu đãi theo quy tắc cộng gộp là nước tham gia sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đó sang nước có thỏa thuận cho hưởng ưu đãi thuế quan.
Thứ tư, quy tắc vận tải trực tiếp
Quy tắc vận tải trực tiếp hàng hóa phải được vận chuyển từ nước được hưởng đến nước cho hưởng, không qua lãnh thổ quốc gia nào khác, hoặc quá cảnh lãnh thổ một quốc gia khác, có hoặc không chuyển tải hoặc lưu khi tạm thời với điều kiện:
– quá cảnh là cần thiết vì lý do hoặc yêu cầu vận tải;
– Không được mua bán hoặc tiêu thụ tại đó;
– Không xử lý gì trừ việc bốc dỡ, tái xếp hàng nhằm đảm bảo giữ hàng trong tình trạng tốt.
Thứ năm, quy tắc xuất xứ ưu đãi và xuất xứ không ưu đãi
– Quy tắc xuất xứ ưu đãi là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có thỏa thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi về phi thuế quan.
Quy tắc xuất xứ ưu đãi theo các điều ước quốc tế: Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quy định chi tiết việc thi hành các Điều ước này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Quy tắc xuất xứ ưu đãi theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và các ưu đãi đơn phương khác: Việc xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và các ưu đãi đơn phương khác được thực hiện theo quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu dành cho các ưu đãi này.
– Quy tắc xuất xứ không ưu đãi là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa không thực hiện theo quy tắc xuất xứ ưu đãi và trong các trường hợp áp dụng các biện pháp thương mại không ưu đãi về đối xử tối huệ quốc, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan, mua sắm chính phủ và thống kê thương mại
Chuyên viên tư vấn: Vũ Hồng Ngọc