Áp giải là gì? Áp giải tiếng Anh là gì? Quy định về thẩm quyền và thủ tục áp giải bị cáo tại ngoại? Áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính?
Trong quá trình điều tra mà bị cáo được tại ngoại không có nghĩa là bị cáo không còn có tội nữa mà vẫn phải đến Tòa án và Cơ quan điều tra khi có lệnh triệu tập để phối hợp giải quyết vụ án hình sự. Chính vì vậy mà việc áp giải bị cáo tại ngoại là một biện pháp cưỡng chế vô cùng cần thiết. Vậy Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định như thế nào về thẩm quyền và thủ tục áp giải bị cáo tại ngoại?
Căn cứ pháp lý:
–
–
1. Áp giải là gì?
Áp giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử.
Áp giải là biện pháp cưỡng chế cần thiết trong tố tụng hình sự, áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội. Áp giải là hoạt động dẫn giải có sử dụng vũ trang được áp dụng để buộc người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội đi đến một địa điểm đã định theo lệnh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc trong trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Áp giải tiếng Anh là gì?
Áp giải tiếng Anh là : “escort”.
3. Quy định về thẩm quyền và thủ tục áp giải bị cáo tại ngoại
3.1. Bị cáo: Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ Tố tụng Hình sự 2015.
Quyền và nghĩa vụ của bị cáo được quy định cụ thể tại Khoản 2, Khoản 3, Bộ luật Tố tụng HÌnh sự 2015:
“2. Bị cáo có quyền:
a) Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
b) Tham gia phiên tòa;
c) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
d) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;
đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
h) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
i) Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;
k) Nói lời sau cùng trước khi nghị án;
l) Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;
m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Bị cáo có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.”
*Tại ngoại là trường hợp mà một người thuộc đối tượng bị tình nghi, bị điều tra về một vụ án nào đó của cơ quan điều tra nhưng nhưng không bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giam, tạm giữ. Trong quá trình điều tra mà bị cáo được tại ngoại không có nghĩa là bị cáo không còn có tội nữa mà vẫn phải đến Tòa án và Cơ quan điều tra khi có lệnh triệu tập để phối hợp giải quyết vụ án. Sau đó, khi có bản án quyết định của Tòa nếu người đó bị tuyên có tội thì vẫn phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục xin tại ngoại cho bị cáo:
Hồ sơ xin bảo lĩnh: Người thực hiện thủ tục bảo lĩnh cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
+ Giấy cam đoan của người bảo lĩnh. Trường hợp là cơ quan, tổ chức thì phải có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.
+ Giấy cam đoan của bị can, bị cáo về việc thực hiện đúng các nghĩa vụ.
Trình tự, thủ tục bảo lĩnh:
+ Bước 1: Người bảo lĩnh và bị can, bị cáo viết giấy cam đoan, trong trường hợp cần phải xác nhận thông tin thì tiến hành các bước xác nhận.
+ Bước 2: Nộp giấy cam đoan này cho cơ quan có thẩm quyền.
+ Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền xem xét điều kiện của người bảo lĩnh và bị can, bị cáo, nếu đủ điều kiện thì ra quyết định bảo lĩnh.
+ Bước 4: Nhận giấy quyết định bảo lĩnh tại nơi đang tạm giam bị can, bị cáo để được tại ngoại.
Thời hạn bảo lĩnh tại ngoại:
+ Không được quá khoảng thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử.
+ Đối với người bị kết án phạt tù thì thời hạn bảo lĩnh tại ngoại không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó bắt đầu phải chấp hành án phạt tù.
3.1. Thẩm quyền và thủ tục thực hiện áp giải bị cáo tại ngoại
+ Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định áp giải bị cáo tại ngoại.
+Quyết định áp giải bị cáo tại ngoại phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị áp giải; thời gian, địa điểm người bị áp giải, dẫn giải phải có mặt và các nội dung quy định tại khoản 2, Điều 132 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
+Người thi hành quyết định áp giải bị cáo tại ngoại phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
+Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định áp giải bị cáo tại ngoại.
Lưu ý: Cơ quan, chủ thể có thẩm quyền tiến hành áp giải bị cáo tại ngoại không được bắt đầu việc áp giải bị cáo tại ngoại vào ban đêm và không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.
4. Áp giải người theo thủ tục hành chính
Áp giải người vi phạm trong các trường hợp sau đây:
+ Người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì bị áp giải trong các trường hợp sau đây:
– Bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính;
– Đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 132
–Người bị trục xuất không tự giác chấp hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc có hành vi chống đối, bỏ trốn.
Thẩm quyền thực hiện việc áp giải: Những người có thẩm quyền sau đây đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính:
1. Chiến sĩ Công an nhân dân.
2. Chiến sĩ Bộ đội biên phòng.
3. Cảnh sát viên Cảnh sát biển.
4. Công chức Hải quan.
5. Kiểm lâm viên.
6. Công chức Thuế.
7. Kiểm soát viên thị trường.
8. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
9. Chấp hành viên thi hành án dân sự.
Thủ tục thực hiện việc áp giải được thực hiện như sau:
+ Bước 1: Trước khi áp giải, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải phải giải thích cho người bị áp giải về quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình bị áp giải theo quy định của pháp luật, giải đáp thắc mắc của người bị áp giải.
+ Bước 2: Trong khi áp giải phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người có thẩm quyền đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải và cho người bị áp giải. Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ khi áp dụng biện pháp áp giải phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người bị áp giải có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi chống người thi hành công vụ, cán bộ đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải phải báo cáo ngay người có thẩm quyền để ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với người đó.
+ Bước 3: Cán bộ áp giải phải giám sát, quản lý chặt chẽ người bị áp giải, cảnh giác, chủ động, kịp thời xử lý những tình huống phức tạp có thể xảy ra; không được tùy tiện giải quyết các yêu cầu của người bị áp giải trong khi đang tiến hành áp giải.
Lập biên bản áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính:
Biên bản áp giải người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định 112/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất phải bao gồm các nội dung sau:
+ Ghi rõ giờ, phút, ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản.
+ Họ, tên, chức vụ, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bên giao, bên nhận; họ, tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác của người có hành vi vi phạm bị áp giải; hành vi vi phạm; thời gian, địa điểm thực hiện hành vi vi phạm; tình trạng sức khỏe, thái độ của người có hành vi vi phạm, tang vật, tài sản của họ (nếu có) và những tình tiết khác có liên quan đến việc áp giải người vi phạm; trường hợp có người làm chứng phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người làm chứng.
– Biên bản phải có chữ ký của bên giao, bên nhận áp giải và của người có hành vi vi phạm bị áp giải, người làm chứng (nếu có); người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính ký tên vào biên bản giao, nhận người vi phạm bị áp giải. Trường hợp người vi phạm bị áp giải, người làm chứng từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.
– Biên bản giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính bị áp giải phải lập thành hai bản và đọc cho mọi người tham gia ký biên bản nghe; bên nhận, bên giao người vi phạm bị áp giải mỗi bên giữ một bản.