Theo quy định của pháp luật những việc tiến hành sau khi thụ lý sơ thẩm vụ án dân sự bao gồm những việc nào?
Sau khi thụ lý vụ án, Tòa cần tiến hành một số công việc nhất định để tiến hành đưa vụ án ra xét xử, đó là: Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết vụ án; Tòa án
Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án
Vì Thẩm phán có vai trò đặc biệt quan trọng, cho nên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán có thẩm quyền đã thụ lý vụ án phải phân công một Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án.Việc phân công này là cơ sở để Thẩm phán toàn tâm toàn ý với vụ án đã được giao, để Thẩm phán thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 41 BLTTDS 2004, đảm bảo giải quyết vụ án nhanh chóng, khách quan, đúng pháp luật. Theo quy định tại Điều 172 BLTTDS 2004 thì :
“Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán giải quyết vụ án.Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục tiến hành được nhiệm vụ thì Chánh án Toà án phân công Thẩm phán khác tiếp tục nhiệm vụ; trường hợp đang xét xử mà không có Thẩm phán dự khuyết thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu”.
Thông báo việc thụ lý vụ án
Sau khi đã tiến hành các công việc thụ lý, TA phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án để họ biết được vụ án đã được thụ lý. TA cũng phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc đã thụ lý vụ án để Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát của mình đối với việc giải quyết vụ án. Theo quy định của Điều 174 BLTTDS 2004, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, TA phải gửi thông báo cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự. Văn bản thông báo phải có các nội dung sau: Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo; Tên, địa chỉ Toà án đã thụ lý vụ án; Tên, địa chỉ của người khởi kiện; Những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết; Danh sách tài liệu, chứng cứ người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện; Thời hạn người được thông báo phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho Toà án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có.
Hậu quả pháp lý của việc người được thông báo không nộp cho Toà án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu. Người được thông báo có trách nhiệm nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình về yêu cầu của nguyên đơn hay người khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo trong thời hạn nhất định, đó là thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Trong trường hợp cần gia hạn thì người được thông báo phải có đơn xin gia hạn gửi cho Toà án nêu rõ lý do; nếu việc xin gia hạn là có căn cứ thì Toà án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày nữa. Người được thông báo có quyền thể hiện quan điểm của mình về yêu cầu của người khởi kiện trước Toà án là đồng ý hay bác bỏ yêu cầu này; có quyền yêu cầu Toà án cho xem, sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện. Cùng với việc phải nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và các chứng cứ, tài liệu kèm theo, theo Điều 176 BLTTDS bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Đây là trường hợp bị đơn kiện lại đối với nguyên đơn, vì vậy Toà án có thể xem xét để giải quyết trong cùng một vụ án để sớm kết thúc việc giải quyết tranh chấp. Tuy vậy, theo Điều luật này thì yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ được Toà án chấp nhận trong các trường hợp sau đây:
– Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
– Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập ;
– Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Quy định tại Điều 176 BLTTDS nói trên được hướng dẫn tại Điều 12 Nghị quyết 05/2012/NQ – HĐTP như sau:
Thứ nhất: Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu Toà án giải quyết.
Thứ hai: Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập).
Thứ ba: Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Thứ tư: Yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vì không có căn cứ.
Thứ năm : Có sự liên quan giữa yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp hai yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.
>>> Luật sư
Lập hồ sơ vụ án dân sự
Để lập hồ sơ vụ án, căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, TA xác định các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án yêu cầu các đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện cung cấp. Khi nhận được các chứng cứ, tài liệu do các đương sự, cá nhân, cơ quan, tô chức cung cấp, TA phải đưa chúng vào hồ sơ vụ án. Thủ tục giao nhận các chứng cứ tài liệu phải được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 84 BLTTDS. Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án phải được sắp xếp theo thứ tự nhất định để thuận tiện cho việc nghiên cứu, sử dụng và phải có danh mục ghi lại các tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Trong tố tụng dân sự, các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Tuy vậy, trong những trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ để cung cấp cho TA và có yêu cầu thì TA có thể áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ do pháp luật quy định để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án dân sự được đúng đắn. Việc thu thập chứng cứ của TA được thực hiện theo quy định tại các điều, từ Điều 85 đến 94 BLTTDS.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử
Khi việc hòa giải vụ án không đạt được kết quả và không có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án thì Toà án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền ra quyết định này. Quyết định này phải có các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 195 BLTTDS và phải gửi cho các đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi ra quyết định. Trong trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đối với những vụ án do TA thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại thì TA phải gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho TA. Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, TA làm giấy triệu tập những người tham gia tố tụng đến tham gia phiên tòa. Trường hợp nhận được yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng trước khi mở phiên tòa thì tùy từng trường hợp Chánh án TA hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát sẽ xem xét ra quyết định.