Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép là gì? Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép tiếng Anh là gì? Cấu thành Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép? Hình phạt của Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép?
Bên cạnh những hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép thì hiện nay còn tồn tại hoạt động môi giới để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Những hành vi này có xu hướng ngày một tăng lên và thủ đoạn này một tinh vi.
1. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép là gì?
Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự do người có năng lực nhận thức và đạt độ tuổi luật định thực hiện xâm hại đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước.
2. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép tiếng Anh là gì?
Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép tiếng Anh là “Brokering illegal entry, exit, or stay in Vietnam”.
3. Cấu thành tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội phạm này như sau:
“Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Khách thể của tội phạm
Tính nguy hiểm của hành vi phạm tội được quy định tại Điều luật này được thể hiện ở chỗ, nó đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam; xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, làm giảm hiệu quả và hiệu lực quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam. Tội phạm này được quy định nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép luôn thể hiện dưới dạng hành động. Tội phạm này bao gồm hai dạng hành vi đó chính là hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép và hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép thể hiện là hành vi vì mục đích thu lợi bất chính đã chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy giúp người khác ra khỏi biên giới Việt Nam hoặc vào lãnh thổ Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.
Người phạm tội có thể lập kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, lôi kéo, mua sắm phương tiện, vật tư, lương thực, thực phẩm hoặc giấy tờ cần thiết cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, thực hiện các công việc khác cần thiết cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép với vai trò là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy nhằm đưa người khác đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đi vào lãnh thổ Việt Nam trái phép
Hành vi xuất nhập cảnh trái phép có các biểu hiện như không có các giấy tờ theo quy định của Nhà nước về xuất nhập cảnh như không có hộ chiếu, visa, hoặc sử dụng hộ chiếu, các giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu của người khác, thậm trí là làm giả giấy tờ, hộ chiếu
Hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép, được thể hiện bằng các hành vi, hình thức sau:
Người thực hiện hoạt động môi giới thông thường vì mục đích thu lợi bất chính, thông thường đó là hoạt động tìm kiếm khách hàng và tiến hành đàm phán với họ, giúp cho người được môi giới tiếp xúc với khách hàng và hỗ trợ các bên trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng. Người môi giới làm môi giới, trung gian, cầu nối theo yêu cầu của cả người xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép với người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép. Họ có thể chỉ giới thiệu hai người này với nhau rồi họ tự bàn bạc, thỏa thuận với nhau các phương thức, cách thức, giá cả, … nhằm đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đi vào lãnh thổ Việt Nam không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thu lợi bất chính. Hành vi môi giới chỉ cấu thành tội phạm nếu người môi giới nhận thức được hành vi của mình là để hai bên thỏa thuận về việc cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép. Hoặc có thể theo yêu cầu của người xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép hoặc của người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép, người môi giới trực tiếp đến gặp người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép để thỏa thuận về các phương thức, cách thức, giá cả, … cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép.
Hành vi tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép được hiểu rằng người phạm tội lập kế hoạch, tổ chức, lôi kéo nhằm giúp người nước ngoài ở lại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam. Người có nhu cầu ở lại Việt Nam trái phép là khi nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp nhưng không rời khỏi Việt Nam theo thời hạn quy định. Người thực hiện hành vi nhằm mục đích lợi nhuận.
Hành vi môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép thể hiện ở hành vi dẫn dắt, làm trung gian cho người có nhu cầu ở lại Việt Nam trái phép với người có khả năng tổ chức người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép nhằm giúp người nước ngoài ở lại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam. Người thực hiện hoạt động môi giới cũng vì mục đích lợi nhuận mà thực hiện hành vi.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội danh này là bất kỳ người nào từ đủ tuổi theo luật định, có năng lực trách nhiệm hình sự.
Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thì Bộ luật Hình sự quy định như sau:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Về năng lực trách nhiệm hình sự thì tại Điều 21 của Bộ luật Hình sự quy định như sau:
“Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Như vậy, người thực hiện hành vi phạm tội của tội phạm này phải là người có năng lực nhận thức và điều chỉnh hành vi.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm này thực hiện do lỗi cố ý , tức người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Người thực hiện hành vi phạm tội có mục đích và động cơ vụ lợi. Dấu hiệu “vì vụ lợi” là dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vì vụ lợi, lợi ích cá nhân nên mong muốn thực hiện hành vi đó.
Cấu thành tội phạm tăng nặng
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là trường hợp người có chức vụ quyền hạn đã sử dụng vị thể đang có này khi thực hiện hành vi môi giới. Chủ thể sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình đang có để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hành vi môi giới mà nếu không có chức vụ, quyền hạn đó thì người phạm tội sẽ không có điều kiện dễ dàng thuận lợi để thực hiện hành vi phạm tội.
Có tính chất chuyên nghiệp là phạm tội nhiều lần, người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
4. Về hình phạt của Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép
Điều 348 BLHS 2015 quy định ba khung hình phạt:
Khung 1: quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người phạm tội: Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Khung 2: quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với từ 05 người đến 10 người; Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đối với 11 người trở lên; Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; Làm chết người.
Về hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.