Tội hành nghề mê tín, dị đoan là gì? Tội hành nghề mê tín, dị đoan tiếng Anh là gì? Quy định pháp luật về tội hành nghề mê tín, dị đoan? Hình phạt của tội hành nghề mê tín, dị đoan?
Mê tín, dị đoan luôn là vấn nạn của đời sống hiện nay mà Đảng và Nhà nước luôn thực hiện đẩy lùi mê tín, dị đoan.
1. Tội hành nghề mê tín, dị đoan là gì?
Tội hành nghề mê tín, dị đoan là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định thực hiện, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến các quan hệ xã hội mà pháp luật hình sự bảo vệ, người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
2. Tội hành nghề mê tín, dị đoan tiếng Anh là gì?
Tội hành nghề mê tín, dị đoan tiếng Anh là “Practicing superstitions”.
3. Quy định pháp luật về tội hành nghề mê tín, dị đoan
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội phạm này như sau:
“Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Tức họ là người có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thì Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi hành nghề mê tín, dị đoan phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.
Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Tội hành nghề mê tín, dị đoan là tội xâm phạm đến trật tự nếp sống văn minh của xã hội.
Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan: Người phạm tội thực hiện hành vi hành nghề mê tín, dị đoan bằng các hình thức như: dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác.
Mê tín, dị đoan là tin vào một điều mà không có căn cứ, không có cơ sở khoa học (tin một cách mù quáng), cho rằng có những sự việc nhất định đem lại hạnh phúc hoặc gây ra tai họa như: cho rằng giữa người sống và người chết có thể nói chuyện với nhau được thông qua việc lên đồng; tin vào bói toán; … Hành nghề mê tín, dị đoan là kiếm sống lấy việc thu nhập chủ yếu bằng việc bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác, . Nếu việc bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác chỉ có tính chất nhất thời hoặc không vì mục đích lấy việc bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác để kiếm sống thì không gọi là hành nghề.
Bói toán là đoán về quá khứ và tương lai. Có nhiều kiểu bói như: đoán quẻ trong kinh dịch (bói dịch); gieo quẻ bằng ba đồng tiền (bói gieo, bói quẻ); bói quẻ bằng rút lá bài; bói bằng lá trầu, quả cau; căn cứ vào ngày tháng năm sinh, vào chỉ tay, lông mày, nốt ruồi hoặc các đặc điểm khác trên cơ thể để đoán số mệnh (bói số); rút thẻ rồi căn cứ vào các bài thơ, đoạn văn ghi sẵn trong số thể rồi đoán (bói thẻ).v.v…
Đồng bóng là hình thức cúng lễ có người cho thần thánh, hồn ma nhập vào (người ngồi đồng) rồi thông qua người này để nói về quá khứ, hiện tại, tương lai của người sống như là “thánh phán”. Hình thức mê tín, dị đoan này chủ yếu xảy ra ở các đền, chùa hoặc ở nhà riêng của người hành nghề mê tín dị đoan (nơi có lập điện thờ)
Các hình thức mê tín, dị đoan khác: Ngoài hành vi bói toán, đồng bóng thì bát kỳ hình thức mê tín, dị đoan nào mà người phạm tội sử dụng để kiếm sống đều bị coi là hành nghề mê tín, dị đoan như: yểm bùa, cúng giải hạn, cúng trừ tà ma, chữa bệnh bằng bùa, lá sớ,.…
Hậu quả: Hậu quả của hành vi hành nghề mê tín, dị đoan vừa là dấu hiệu bắt buộc vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi hành nghề mê tín, dị đoan hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xóa án tích hay ở khoản 2 của điều luật này quy định về trường hợp làm chết người, thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên. Không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Khi xác định hành vi hành nghề mê tín, dị đoan cần phân biệt với đời sống tâm linh, quyền tự do tín ngưỡng; mê tín, dị đoan mới bị Nhà nước cấm, còn tự do tín ngưỡng là quyền của mọi người được pháp luật bảo vệ. Trong đó, theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì
“Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội. Lễ hội tín ngưỡng là hoạt động tín ngưỡng tập thể được tổ chức theo lễ nghi truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng.” (Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 2)
“Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo. Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo. Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.” (Khoản 5, Khoản 10, 11, 12 Điều 2)
Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi hành nghề mê tín, dị đoan là do cố ý. Tức người hành nghề mê tín, dị đoan nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. (Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)
Cấu thành tăng nặng của tội phạm
Cấu thành tăng nặng của tội phạm bao gồm:
– Làm chết người;
-Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội: an ninh chính sự ổn định, phát triển bền vững của quốc gia, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; trật tự xã hội chỉ sự hoạt động ổn định hài hòa của các thành phần xã hội trong cơ cấu xã hội; trật tự an toàn xã hội là trạng thái xã hội có trật tự, kỷ cương, các cá nhân, pháp nhân tuân theo quy phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức, từ đó có thể hiểu “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là nói đến hành vi của một cá nhân, pháp nhân làm ảnh hưởng, đe dọa, hoặc phá vỡ trật tự, kỷ cương của xã hội, gây ra sự hoang mang, lo sợ, phẫn nộ đối với người dân hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, làm ảnh hưởng, đe dọa hoặc làm phá vỡ quy tắc xử sự trong xã hội.
4. Hình phạt của tội hành nghề mê tín, dị đoan
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với cá nhân dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm (Khoản 1 Điều 320)
– Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với trường hợp: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.