Không phải mọi cuộc bán đấu giá đều đạt được mục đích mà thực tiễn có rất nhiều cuộc đấu giá không đạt được kết quả cuối cùng, dẫn đến việc cần phải lập biên bản đấu giá không thành. Chính vì vậy, bài viết này sẽ hướng dẫn bạn soạn thảo mẫu biên bản đấu giá không thành.
Mục lục bài viết
1. Biên bản đấu giá không thành là gì?
– Đấu giá hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó, người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hóa công khai để chọn người mua trả giá cao nhất. Hiện nay pháp luật quy định có các hình thức đấu giá như sau:
+ Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá;
+ Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá;
+ Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
+ Đấu giá trực tuyến.
– Các trường hợp đấu giá không thành bao gồm:
a) Đã hết thời hạn đăng ký mà không có người đăng ký tham gia đấu giá;
b) Tại cuộc đấu giá không có người trả giá hoặc không có người chấp nhận giá;
c) Giá trả cao nhất mà vẫn thấp hơn giá khởi điểm trong trường hợp không công khai giá khởi điểm và cuộc đấu giá được thực hiện theo phương thức trả giá lên;
d) Người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá. Người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá được coi như không chấp nhận giao kết
đ) Người đã trả giá rút lại giá đã trả, người đã chấp nhận giá rút lại giá đã chấp nhận mà không có người trả giá tiếp;
Tại cuộc đấu giá thực hiện bằng phương thức trả giá lên theo hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, nếu người đã trả giá cao nhất rút lại giá đã trả trước khi đấu giá viên công bố người trúng đấu giá thì cuộc đấu giá vẫn tiếp tục và bắt đầu từ giá của người trả giá liền kề trước đó.
Tại buổi công bố giá đã trả của người tham gia đấu giá trong trường hợp đấu giá theo hình thức bỏ phiếu gián tiếp, nếu người đã trả giá cao nhất rút lại giá đã trả trước khi đấu giá viên công bố người trúng đấu giá thì cuộc đấu giá vẫn tiếp tục và bắt đầu từ giá của người trả giá liền kề. Đấu giá viên quyết định hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp.
e) Trường hợp từ chối kết quả trúng đấu giá;
Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá.
Trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc người trả giá liền kề không chấp nhận mua tài sản đấu giá thì cuộc đấu giá không thành.
g) Đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản quy định tại Điều 59 của Luật này.
Biên bản đấu giá không thành là văn bản ghi chép lại những thông tin liên quan đến buổi đấu giá như thành phần đã tham dự buổi đấu giá, lý do của cuộc đấu giá không thành.
Biên bản đấu giá không thành được xem là cơ sở để tổ chức đấu giá thực hiện những thủ tục sau đó như trả lại tài sản, giấy tờ liên quan tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá, đấu giá lại,…
2. Mẫu biên bản đấu giá không thành:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————-
BIÊN BẢN ĐẤU KHÔNG GIÁ THÀNH
Căn cứ vào
Hôm nay, lúc…….giờ…….ngày………… tại số……
Đường……..quận…….thành phố………
I- Thành phần tham dự:
1- Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản:
– Ông (bà)……. Chức vụ:….. chủ trì
– Ông (bà)………. Chức vụ:…….. thư ký
2- Đại diện ủy quyền:
Ông (bà)……….. Chức vụ:…….
3- Khách hàng tham gia đấu giá (có danh sách kèm theo gồm……người):
Số người có mặt tại cuộc đấu giá là:
-……
-……
4- Những người được bên ủy quyền mời:
– …….
-……..
II- Lý do cuộc đấu giá không thành:
-……….
-…….
Biên bản kết thúc lúc…….giờ……cùng ngày, có đọc lại cho mọi người cùng nghe, ghi nhận đúng và đồng ký tên.
Đại diện Phòng công chứng
Đại diện Trung tâm dịch vụ bán đấu giá
Thư ký Chủ trì
Bên ủy quyền và những người được bên ủy quyền mời
Khách hàng không trúng đấu giá Khách hàng trúng đấu giá
3. Hướng dẫn soạn thảo biên bản đấu giá không thành:
– Điền cụ thể thời gian, địa điểm diễn ra buổi bán đấu giá.
– Đối với những thành phần tham dự: Người ghi biên bản cần điền chính xác những người có mặt tại buổi bán đấu giá
+ Bên trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thì có những người nào, giữ chức vụ gì trong buổi bán đấu giá (thường bên trung tâm dịch vụ bán đấu giá sẽ có người chủ trì và thư ký tham dự).
+ Trường hợp có Phòng công chứng tham gia thì bạn cũng cần điền đầy đủ họ và tên, chức vụ của người này cũng như tên của Phòng công chứng đó.
+ Điền đầy đủ những khách hàng tham gia đấu giá (bạn cần chú ý mục này, đối chiếu với danh sách điểm danh đã thực hiện lúc đầu buổi đấu giá để ghi chính xác, tránh sai sót). Lưu ý những khách hàng tham gia đấu giá này phải có danh sách kèm theo.
– Đối với lý do đấu giá không thành, bạn có thể tham khảo những trường hợp đấu giá không thành đã nêu ở trên để xem cuộc bán đấu giá không thành thuộc trường hợp nào hoặc bạn có thể tham khảo Điều 52 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
* Lưu ý
– Biên bản đấu giá phải được lập tại cuộc đấu giá và có chữ ký của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá, người ghi biên bản, đại diện của những người tham gia đấu giá, đại diện của Văn phòng công chứng, người trúng đấu giá, người không trúng đấu giá (nếu có).
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuộc đấu giá không thành, tổ chức đấu giá tài sản trả lại tài sản, giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
– Việc xử lý tài sản đấu giá không thành được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc đấu giá lại theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản.
4. Thủ tục xử lý tài sản đấu giá không thành:
Thủ tục xử lý tài sản đấu giá không thành được thực hiện theo Điều 25
– Tổ chức đấu giá lại đối với trường hợp đấu giá lần đầu không thành.
– Bán cho người duy nhất trong trường hợp khi đã hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có một người trả giá cao nhất và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá từ lần thứ hai trở lên.
– Trường hợp sau 02 lần tổ chức đấu giá không thành, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản và thực hiện theo một trong các phương án sau:
+ Tổ chức thực hiện việc đấu giá lại theo quy định của pháp luật;
+ Trình cơ quan, người có thẩm quyền đã ra quyết định bán tài sản để xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định bán đấu giá tài sản công để bán cho người duy nhất hoặc áp dụng hình thức xử lý khác theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và quy định tại Nghị định này.
– Thủ tục bán cho người duy nhất được thực hiện như sau:
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được người duy nhất, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ trình cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền đã ra quyết định bán tài sản để xem xét, quyết định bán tài sản cho người duy nhất thay thế quyết định bán đấu giá tài sản đã ban hành.
Hồ sơ đề nghị bán tài sản công cho người duy nhất gồm:
+ Văn bản đề nghị bán của cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản (trong đó mô tả đầy đủ quá trình tổ chức đấu giá và mức giá tổ chức, cá nhân duy nhất tham gia đấu giá đã trả): 01 bản chính;
+ Văn bản đề nghị bán tài sản công cho người duy nhất của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính;
+ Quyết định bán đấu giá tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền: 01 bản sao;
+ Biên bản bán đấu giá tài sản (nếu có) và các hồ sơ liên quan đến quá trình tổ chức đấu giá tài sản: 01 bản sao;
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành xem xét, quyết định bán tài sản công cho người duy nhất tham gia đấu giá;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định bán tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản ký Hợp đồng mua bán tài sản với người mua;
+ Trong thời hạn 90 ngày (trường hợp bán trụ sở làm việc), 05 ngày làm việc (trường hợp bán tài sản khác), kể từ ngày ký Hợp đồng mua bán tài sản, người mua có trách nhiệm thanh toán tiền mua tài sản cho cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản;
+ Cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản có trách nhiệm xuất hóa đơn bán tài sản công cho người mua theo quy định. Việc giao tài sản cho người mua được thực hiện tại nơi có tài sản sau khi người mua đã hoàn thành việc thanh toán.
– Thủ tục thay đổi hình thức xử lý tài sản được thực hiện như sau:
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày xác định việc đấu giá không thành, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ trình cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền ra Quyết định hủy bỏ quyết định bán đấu giá tài sản công.
Hồ sơ đề nghị hủy bỏ quyết định bán đấu giá tài sản công gồm:
+ Văn bản đề nghị hủy bỏ quyết định bán đấu giá của cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này (trong đó nêu rõ lý do đấu giá không thành và mô tả đầy đủ quá trình tổ chức đấu giá): 01 bản chính;
+ Văn bản đề nghị hủy bỏ quyết định bán đấu giá của các cơ quan quản lý cấp trên có liên quan (nếu có): 01 bản chính;
+ Quyết định bán đấu giá tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền: 01 bản sao;
+ Biên bản bán đấu giá tài sản (nếu có) và các hồ sơ liên quan đến quá trình tổ chức đấu giá tài sản: 01 bản sao;
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định bán đấu giá tài sản công hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức đấu giá lại;
+ Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền ra Quyết định hủy bỏ quyết định bán đấu giá tài sản công, cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công lập hồ sơ đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định hình thức xử lý khác.